Hà Nội

Kháng sinh ciprofloxacin trị nhiễm khuẩn: Trường hợp nào không được dùng?

17-05-2017 13:31 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Là một trong những kháng sinh bán tổng hợp có phổ kháng khuẩn rộng thuộc nhóm fluoroquinolone...

Là một trong những kháng sinh bán tổng hợp có phổ kháng khuẩn rộng thuộc nhóm fluoroquinolone, ciprofloxacin có tác dụng ngay cả với các vi khuẩn đã kháng lại các kháng sinh thuộc những nhóm khác như betalactam, aminoglycosid, tetracyclin... Đây là kháng sinh có nhiều ưu điểm nhưng cũng không ít tác dụng phụ và khi sử dụng cần chú ý đến các trường hợp đặc biệt.

Kháng sinh ciprofloxacin được dùng trong các trường hợp nào?

Ciprofloxacin là kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng, bao gồm phần lớn các vi khuẩn Gram âm gây bệnh đường ruột, đường hô hấp và không bị vi khuẩn kháng chéo với các thuốc kháng sinh khác nhưbetalactam, aminoglycosid, tetracyclin... Thuốc hoạt động bằng cách ức chế enzym gryrase gây cản trở thông tin nhiễm sắc thể (một vật liệu di truyền cần thiết cho chuyển hóa) làm cho vi khuẩn giảm sinh sản một cách nhanh chóng. Trong quá trình điều trị, thuốc được sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng mà các thuốc kháng sinh thông thường không có tác dụng như viêm đường tiết niệu trên và dưới; viêm tuyến tiền liệt; viêm xương - tủy; viêm ruột nặng do vi khuẩn; một số nhiễm khuẩn nặng mắc phải tại bệnh viện và dự phòng bệnh não mô cầu và nhiễm khuẩn ở người suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng cộng hưởng với các nhóm kháng sinh khác (như betalactam, aminozid) nên khi phối hợp thường cho kết quả điều trị cao (điển hình là phối hợp với azocillin).Tổn thương sụn khớp do thuốc.

Tổn thương sụn khớp do thuốc.

Trường hợp nào nên cân nhắc khi sử dụng ciprofloxacin?

Phụ nữ mang thai và cho con bú: Nếu dùng ciprofloxacin trong suốt thời gian mang thai có thể gây nên ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Ciprofloxacin được bài tiết qua sữa mẹ nên trẻ bú sữa mẹ chứa thuốc có thể gây nên các tác dụng phụ nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ. Trong cả hai trường hợp này, cần được cân nhắc kỹ trước khi dùng hay dùng thuốc khác thay thế hoặc ngưng cho trẻ bú mẹ. Do vậy, bản thân người bệnh và người nhà không tự mua thuốc để chữa bệnh vì sẽ hết sức nguy hiểm.

Trẻ đang phát triển (dưới 18 tuổi): Không phân biệt là trẻ trai hay trẻ gái, không được dùng ciprofloxacin, bởi vì thuốc có ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của sụn, khớp.

Người cao tuổi: Khi dùng thuốc này cho người cao tuổi cần đặc biệt thận trọng vì có thể gây viêm dây thần kinh, đau cơ, đặc biệt là có thể làm đứt gót chân A-sin (Achill), do dây chằng ở người có tuổi vốn đã bị suy yếu.

Người vận hành máy móc, tàu xe: Ciprofloxacin có thể gây hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng có thể ảnh hưởng đến việc điều khiển xe cộ hay vận hành máy móc nên những người làm công việc đòi hỏi tập trung cao này nên cẩn trọng thực hiện đúng theo lời khuyên của bác sĩ nếu cần thiết phải sử dụng thuốc.

Một số trường hợp đặc biệt khác: Người có tiền sử động kinh hay có các thương tổn thần kinh trung ương khác (như giảm ngưỡng co giật, tiền căn co giật, giảm lưu lượng tuần hoàn não, thay đổi cấu trúc não hoặc đột quỵ), người bị suy chức năng gan hay chức năng thận, người bị bệnh nhược cơ cần thận trọng khi dùng ciprofloxacin do nếu sử dụng dài ngày có thể làm các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc phát triển quá mức.

Thận trọng với các tác dụng phụ

Nói chung, ciprofloxacin được dung nạp tốt. Tác dụng không mong muốn của thuốc chủ yếu là trên dạ dày - ruột, thần kinh trung ương và da. Các tác dụng bất lợi thường gặp bao gồm tác dụng trên đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng. Trên chuyển hóa như tăng tạm thời nồng độ các enzym transaminase gan (GOT, GPT còn có tên khác là ASAT và ALAT). Tác dụng ít gặp có thể kể như nhức đầu, sốt do thuốc; tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu lympho, giảm bạch cầu đa nhân, thiếu máu, giảm tiểu cầu; nhịp tim nhanh; kích thích thần kinh trung ương (kích động); đau ở các khớp, sưng khớp... Đặc biệt, đã có báo cáo về một vài trường hợp bị hoại tử tế bào gan, viêm gan, vàng da ứ mật, viêm gân (gân gót) và mô bao quanh. Có một vài trường hợp bị đứt gân, đặc biệt là ở người cao tuổi khi dùng phối hợp với corticosteroid. Bên cạnh đó, có thể kể đến một số tác dụng không mong muốn hiếm gặp khác gồm: nhạy cảm với ánh sáng khi phơi nắng, phù thanh quản hoặc phù phổi, khó thở, co thắt phế quản.

Các biện pháp phòng ngừa tác dụng bất lợi

Để hạn chế những tác dụng không mong muốn xảy ra trong quá trình dùng thuốc, trước hết người bệnh nên dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng phần những phản ứng bất lợi để tự theo dõi những dấu hiệu bất thường của bản thân và kịp thời đến tham vấn ý kiến của các bác sĩ hoặc dược sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân cần chú ý:

Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi dùng ciprofloxacin. Nếu phải ra nắng thì cần bảo vệ da bằng cách dùng kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 30.

Uống đủ nước và tránh ăn uống thức ăn gây kiềm hóa nước tiểu để tránh có tinh thể niệu hoặc ảnh hưởng đến chức năng thận.

Nếu bị tiêu chảy nặng, kéo dài trong và sau khi điều trị bằng ciprofloxacin, người bệnh có thể đã bị rối loạn nặng ở ruột cần ngừng thuốc và được thay thế bằng một kháng sinh khác thích hợp.

Ngừng sử dụng thuốc ngay nếu bị đau, sưng, viêm hay đứt gân hoặc bị phát ban da, vàng da, nước tiểu sẫm màu hoặc các phản ứng bất lợi ngày một tăng nặng. Ngay sau đó, cần đến thăm khám tại cơ sở y tế.


ThS. Mai Ngọc Tú
Ý kiến của bạn