Ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện trả về, cuộc sống chỉ còn đếm từng ngày, chưa bao giờ thần chết gần ông đến như vậy. Thế rồi như có một phép màu, ông đã vượt lên trên cái chết để giành lấy sự sống. Quả thật, cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ với những ai có niềm tin và hy vọng.
GS.TSKH. Trương Anh Kiệt thuộc hàng chuyên gia đầu ngành về thám không của Việt Nam. Đã nhiều năm ông giữ chức Hiệu trưởng Trường đại học Mỏ địa chất. Mọi điều đều tốt đẹp và suôn sẻ với một nhà khoa học đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy. Nhà nước ghi nhận những cống hiến của ông với nhiều bằng khen và danh hiệu cao quý, đồng nghiệp nể trọng, học trò yêu quý, hơn nữa, ông có một gia đình ấm áp, hạnh phúc. Nói chung, mọi thứ đều giống như một giấc mơ tròn trịa... cho đến một ngày.
Niềm vui thường ngày của GS. Kiệt.
|
Nhưng tai họa ập đến. Ông bị ung thư. Bác sĩ nói tiên lượng bệnh rất xấu. Ông giấu cả nhà, bởi sợ rằng mọi người sẽ buồn. Thế nhưng cái ngày ông nhập viện để lên bàn mổ, tin xấu không còn giấu được nữa.
Những trường hợp như thế, lời khuyên của bác sĩ sẽ là nên tìm cách làm cho bệnh nhân càng dễ chịu càng tốt và chỗ dựa chính là gia đình, người thân.
Ca mổ ở Bệnh viện K kéo dài 2 giờ đồng hồ. Đó là khoảng thời gian dài đằng đẵng vả căng thẳng. Bà Thúy Nga vợ ông và cô con gái Thùy Anh chỉ biết cầu trời khấn phật. Ca mổ kết thúc, bác sĩ kết luận căn bệnh ung thư amidan của ông đã sang giai đoạn cuối, đã di căn, và quĩ thời gian của ông chỉ còn đếm từng ngày.
Cả gia đình như rơi xuống vực thẳm, chờ đợi một kết cục nặng nề và bi đát. Phương án xấu nhất đã được tính đến. Thậm chí một phần đất đẹp đã được mua để dành hậu sự cho ông. Gia đình đón ông về nhà sau cuộc đại phẫu trong một tâm trạng như thế. Nhưng người dưới gốc lo hơn người trên cây. Ông mỉm cười nói với bà: "Tôi sẽ qua khỏi, bà đừng lo". Nụ cười và ánh mắt tràn ngập niềm tin ấy đã khơi lên trong bà một tia hy vọng. Còn nước, còn tát.
Chiến dịch kháng lệnh tử thần bắt đầu như thế.
Suy nghĩ của bà rất đơn giản: muốn chăm sóc được ông, đầu tiên phải hiểu về bệnh. Để có kiến thức, bà Nga nhờ các bác sĩ tư vấn. Ngoài ra, bà tìm đọc tất cả những tài liệu liên quan đến bệnh ung thư và cách chăm sóc người bệnh. Bà bắt đầu hiểu những khái niệm mới như phương pháp ăn uống và chữa bệnh phù hợp với quy luật vũ trụ theo nguyên lý âm dương của ông GS. Osawa người Nhật.
Đầu tiên là tẩm bổ. Đã là người bệnh, cơ thể suy kiệt thì cần chế độ ăn uống tốt để có sức chiến đấu với bệnh tật. Hằng ngày bà nấu cho ông những món ăn vừa hợp khẩu vị, vừa giàu dinh dưỡng. Bà xây dựng hẳn một bảng thực đơn hằng ngày cho ông. Những thực đơn được bà tham khảo của các chuyên gia và được bà thay đổi liên tục. Hơn nữa, thức ăn không chỉ nuôi sống thể xác, mà còn cung cấp năng lượng âm - dương thích hợp để phát triển tinh thần.
Sau những đợt điều trị vùng cổ họng, ông nói năng và ăn uống khó khăn hơn. Những bữa ăn kéo dài hàng tiếng đồng hồ, mà có khi 3 bát cháo chỉ vào người được 1, nhưng cả ông và bà đều quyết tâm. Người ta hay nói, con chăm cha không bằng bà chăm ông. Bà kiên trì từng ngày, từng ngày với một niềm tin mãnh liệt. Để giảm những cơn đau về thể xác, ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bà tìm mọi cách để tinh thần ông được thoải mái. Hằng tuần bà tổ chức những bữa tiệc nhỏ, đoàn tụ gia đình và bạn bè để ông được vui. Biết ông thích đọc sách, nghe nói ở đâu có sách hay nói về tấm gương những người chiến thắng bệnh tật, bà đều tìm mua cho ông bằng được.
Về phần mình, GS. Trương Anh Kiệt không cam chịu. Ông bảo: "Ai thì cũng sẽ phải chết, không lẽ mình đầu hàng nó", và ông không đợi cái chết đến một cách vô lý như thế.
Hằng ngày, ngoài việc uống thuốc đều đặt theo chỉ dẫn của bác sĩ, ông bắt đầu tập thiền. Ông dành nhiều thời gian nghiền ngẫm những cuốn sách về thiền học, phật pháp do bà lùng mua ở nhiều nơi.
Có lẽ sau biến cố lớn nhất cuộc đời, GS. Trương Anh Kiệt bắt đầu thấm thía những triết lí của Phật pháp vô vi. Ông theo quan điểm "Thiên nhân hợp nhất" của triết học phương Đông (con người và vũ trụ là một thể thống nhất). Con người là một tiểu vũ trụ tồn tại và khỏe mạnh trong điều kiện tương thích với hoàn cảnh xung quanh. Chữa bệnh là tái lập lại sự cân bằng và hài hòa giữa hai yếu tố âm và dương trong cơ thể cũng như giữa con người và hoàn cảnh bên ngoài. Khi sự cân bằng đã được thiết lập và sự hài hòa đã được thực hiện, cơ thể tự có sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Dưới góc nhìn của thiền, căn bệnh ung thư của ông là sự chín muồi của nghiệp cần thanh lọc. Ngoài chế độ ăn uống, muốn hành thiền phải luyện thở, quán chiếu theo một phương pháp để loại bỏ tế bào ung thư. Thiền giúp cho người bệnh chống chọi với những đau đớn bằng cách "hít thật sâu để xua tan đi những u tối trong tâm hồn và làm rộ ra viên kim cương, cái chính thực của mình. Và rồi thở ra với một luồng ánh sáng trắng từ viên kim cương ấy để đem vào cái mát mẻ và an lạc từ những nỗi đau đớn". Ông khỏe lên. Ông bắt đầu trở lại quĩ đạo của mình. GS. Kiệt tiếp tục đi dạy và tham gia vào các sinh hoạt khoa học của trường. Buổi tối, ông dành thời gian hoàn thành cuốn sách khoa học thám không đang viết dở dang. Trong cuộc đời mình, ông đã viết hàng chục đầu sách chuyên môn, nhưng có lẽ lần hoàn thành cuốn sách này là một dấu ấn khó quên nhất.
Ông rất tâm đắc với triết lý sống của một nhà văn Nga: Sức khỏe nghĩa là khả năng thích nghi với môi trường đang biến đổi, với trưởng thành và già đi, với sự liền vết thương khi bị tổn thương, với đau đớn và thanh thản nhìn thẳng vào cái chết. Ông nói: "Tôi là người may mắn vì có được tình yêu thương của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp".
Đối diện với bệnh tật, nhìn thẳng vào cái chết mà vẫn thanh thản sống - không phải ai cũng làm được việc ấy như ông.
Thật kỳ lạ. Hai năm đã trôi qua. Một người được bệnh viện trả về nhà với quĩ thời gian chỉ còn đếm từng ngày, GS. Trương Anh Kiệt đã vượt qua số phận khắc nghiệt. Không biết có phải niềm tin - nghị lực - tình yêu thương đã giúp ông đẩy lùi bệnh tật? Chỉ biết rằng, bây giờ niềm vui đã trở lại với gia đình ông.
Lúc mới phát hiện bệnh, ông tự gồng mình nuốt nỗi đau đớn vào trong lòng để "mỉm cười" mong "bệnh tật của mình không làm ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình". Ông tự giam mình trong phòng làm việc và lắp 1 chiếc chuông ở cửa. Ông quy ước với cả nhà: "Khi nào nghe tiếng chuông kêu, nghĩa là...".
Từ bấy đến giờ, chiếc chuông tử thần chưa bao giờ kêu, và có lẽ sẽ còn rất lâu nữa...
Bài và ảnh: Ánh Ngọc