Kháng kháng sinh và chiến lược điều trị vi khuẩn H.Pylori ở trẻ em

29-12-2022 15:11 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Điều trị vi khuẩn H.Pylori ở trẻ em có nhiều khác biệt so với người lớn, vì tình trạng kháng kháng sinh, các nhiễm khuẩn khác và khả năng tuân thủ theo phác đồ. Do vậy, để điều trị hiệu quả H.Pylori cho trẻ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và gia đình.

1.Vi khuẩn H.Pylori lây nhiễm thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Helicobacter Pylori (H.Pylori) là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng thường gặp nhất ở người. Ước tính khoảng 50% dân số bị nhiễm H.Pylori. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm vi khuẩn này nhất, tỉ lệ nhiễm tăng dần theo tuổi. Đến nay, đường lây nhiễm chính xác của H.Pylori vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình được xem là con đường lây nhiễm chính tại Việt Nam.

H.Pylori không chỉ có trong niêm mạc dạ dày, mà chúng còn được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám ở răng. Người Việt Nam có thói quen ăn uống là ăn chung bát/đĩa thức ăn, dùng đũa gắp thức ăn cho nhau, dùng chung bát nước chấm... Hơn nữa người lớn có thói quen hôn hít trẻ, mớm cơm cho trẻ... Do đó, nguy cơ lây nhiễm khuẩn H.Pylori trong các thành viên trong gia đình, đặc biêt là ở trẻ em rất cao.

Kháng kháng sinh và chiến lược điều trị vi khuẩn H.pylori ở trẻ em - Ảnh 1.

Thói quen sinh hoạt và ăn uống trong gia đình dẫn đến tình trạng lây nhiễm H.Pylori cao.

Hầu hết trẻ nhiễm H.Pylori không có triệu chứng. Tuy nhiên biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất là viêm dạ dày. Biến chứng loét dạ dày ít gặp nhưng là nguyên nhân chính gây đau bụng tái diễn và xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em. Khi trẻ có các triệu chứng này đòi hỏi phải có các bước tiếp cận và chẩn đoán phù hợp trước khi điều trị.

2.Tình trạng kháng kháng sinh trong điều trị nhiễm H.Pylori

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hà, các phác đồ điều trị cho trẻ em được khuyến cáo dựa trên các xét nghiệm đánh giá sự nhạy cảm kháng sinh. Khuyến cáo đầu tay thường là phác đồ 3 thuốc phối hợp thuốc ức chế bơm proton (PPI) và 2 kháng sinh là: Amoxicillin kết hợp clarithromycin hoặc metronidazole trong 14 ngày.

Tuy nhiên, tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ em tăng dần trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Tỉ lệ kháng kháng sinh ở trẻ em Việt Nam tăng nhanh từ 50,9% lên tới 96,7%. Tỉ lệ kháng amoxicillin tăng từ 0,5% lên tới 88,7%, trong vòng 15 năm.

Kết quả nghiên cứu từ Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2021 cho thấy, tỉ lệ đa kháng kháng sinh ở trẻ em là 90,7%, kháng kép amoxicillin và clarithromycin là 55%. Đặc biệt tình trạng kháng kháng sinh ở MIC (Minimum Inhibitory Concentration - là nồng độ tối thiểu của kháng sinh có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn) cao với clarithromycin là 94%.

Tỉ lệ kháng kháng sinh tăng cao ở trẻ em Việt Nam là do các thuốc này thường được sử dụng nhiễm khuẩn hô hấp và tiêu hóa. Hơn nữa tình trạng phụ huynh tự ý mua thuốc khi không có đơn của bác sĩ cũng rất phổ biến. Điều này làm cho tình trạng kháng thuốc càng trở nên nghiêm trọng.

Hơn nữa, sử dụng thuốc cho trẻ em lại rất khó tuân thủ điều trị. Ngoài các tác dụng không mong muốn của phác đồ điều trị H.pylori thì phác đồ 4 thuốc, trong đó có bismuth cũng là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân khó tuân thủ điều trị.

Việc kém tuân thủ khiến phác đồ điều trị không đạt hiệu quả như mong muốn và cũng làm gia tăng tình trạng vi khuẩn H.pylori kháng thuốc. Không những thế, do thói quen ăn uống và ý thức giữ gìn vệ sinh kém nên tỉ lệ tái nhiễm H.pylori ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 8 tuổi, là rất cao. Tỉ lệ tái nhiễm H.pylori sau 12 tháng ở những trẻ đã được điều trị H.pylori thành công lên đến 55,4% ở nhóm trẻ 3-4 tuổi; 12,9% ở trẻ 9-15 tuổi.

Sự gia tăng đề kháng với clarithromycin và metronidazole tạo ra nhiều thách thức cho bác sĩ lâm sàng khi quyết định diệt trừ H.pylori ở trẻ.

3. Điều trị H.pylori cho trẻ em hiện nay

Điều trị H.pylori là rất quan trọng để hạn chế những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp nhiễm H.pylori đều cần điều trị. Khi trẻ dương tính với H.pylori nhưng chưa có triệu chứng thì không cần điều trị, bởi sự có mặt của H.pylori giống như một vi khuẩn cộng sinh, đem lại một số tác dụng có lợi cho cơ thể.

 Việc điều trị được đưa ra khi trẻ nhiễm H.pylori và gây ra các triệu chứng:

Viêm loét dạ dày, tá tràng.

- Khó tiêu, ảnh hưởng đến năng của hệ tiêu hóa.

Xuất huyết tiêu hóa, giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân.

Thiếu sắt, thiếu máu.

- Viêm teo niêm mạc dạ dày.

- Nguy cơ ung thư dạ dày.

Kháng kháng sinh và chiến lược điều trị vi khuẩn H.pylori ở trẻ em - Ảnh 3.

Nhiễm H.Pylori có thể dẫn đến các biến chứng ở dạ dày.

Để điều trị vi khuẩn H.pylori ở trẻ, trong những năm qua các hướng dẫn của Hội tiêu hóa - gan mật và dinh dưỡng châu Âu (ESPGHAN) đã được các bác sĩ nhi khoa tại Việt Nam áp dụng trong thực hành lâm sàng. Chỉ định chính để làm test H.pylori ở các trẻ có triệu chứng tiêu hóa, với mục đích tìm các tổn thương loét trên nội soi, mặc dù các tổn thương này chỉ chiếm 5% các trường hợp nhiễm vi khuẩn H.pylori.

Ở trẻ em, mối quan hệ nhân quả giữa nhiễm H.pylori với thiếu máu thiếu sắt không hồi phục đã được xác định chắc chắn. Do đó cần bổ sung sắt.

PGS.TS.Nguyễn Thị Việt Hà cho biết, phác đồ đầu tay để diệt trừ H.pylori ở trẻ em Việt Nam không nên lựa chọn clarithromycin vì tỉ lệ kháng thuốc rất cao (50,9%-96,7%). Việc lựa chọn kháng sinh khi quyết định điều trị H.pylori cần phải dựa trên xét nghiệm đánh giá tính nhạy cảm của kháng sinh đối với vi khuẩn. Liều thuốc phải dựa trên trọng lượng cơ thể của trẻ và các thuốc ức chế bơm proton (PPI) phải được sử dụng liều cao để đạt được khả năng ức chế bài tiết acid tối đa.

Lựa chọn ban đầu cho trẻ em nên là phác đồ 3 thuốc: PPI +tetracycline + metronidazole hoặc phác đồ 4 thuốc có bismuth trong 14 ngày. Cần phải đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị bằng các test. Phác đồ điều trị với tetracycline không áp dụng cho trẻ dưới 8 tuổi do ảnh hưởng vĩnh viễn tới men răng và xương.

Việc điều trị vi khuẩn H.pylori ở trẻ khá khó khăn, bởi tỷ lệ tái phát bệnh ở trẻ cao; trẻ khó tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị do gặp phải những tác dụng phụ như: Buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, đắng miệng... Do đó việc điều trị vi khuẩn H.pylori ở trẻ em cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn cao và cần phối hợp chặt chẽ với gia đình để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.

Mời độc giả xem thêm video:

4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải

Nguyễn Hà
Ý kiến của bạn