Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới cho biết tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Cũng theo PGS Kính tình trạng kháng kháng sinh đã được báo động trên toàn cầu, WHO đưa ra cảnh báo làm sao ngăn chặn được kháng thuốc, và giám sát kháng kháng sinh cũng đã được đưa vào nghị quyết của Hội đồng y tế thế giới.
Tại Việt Nam, từ năm 1989 - 2005, Việt Nam có tham gia chương trình đánh giá độ nhạy cảm của kháng sinh tại 9 tỉnh/thành phố lớn được Thuỵ Điển tài trợ. .
Năm 2009, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ đã khởi động chương trình giám sát kháng kháng sinh phối hợp với chương trình giám sát kháng thuốc toàn cầu (GARP). Chương trình đã thực hiện giám sát kháng kháng sinh tại 16 bệnh viện lớn, điều tra nhà thuốc, sử dụng thuốc ở cộng đồng, sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp… Kết quả, tại 16 bệnh viện lớn được khảo sát đã phát hiện 4 vi khuẩn kháng thuốc nhiểu nhất bao gồm trực khuẩn mủ xanh, Ecoli, tụ cầu, Acinetobacter …. Trong đó có kháng cả thuốc Cephalosporin, Carbapenem,và có xu hướng gia tăng kháng thuốc của các vi khuẩn gram âm có men Beeta-lactamase phổ rộng (ESBL).
Cũng theo kết quả nghiên cứu tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở các bệnh viện tuyến cuối là nhiều nhất. Bởi, các bệnh nhân khi chuyển lên tuyến trên là tình trạng bệnh rất nặng, đòi hỏi bác sĩ phải sử dụng kháng sinh liều cao. Như vậy, có sự tương quan rõ ràng của việc sử dụng kháng sinh và đề kháng, càng dùng nhiều kháng sinh tỷ lệ kháng càng gia tăng. Tại Việt Nam các bệnh nhiễm khuẩn vẫn là các bệnh phổ biến do đó, việc tiếp cận với các kháng sinh có hiệu lực giữ vai trò rất quan trọng. Tỉ lệ kháng kháng sinh gia tăng như hiện nay là mối hiểm họa đối với các liệu pháp điều trị bằng kháng sinh. Do đó, nếu bác sĩ kê đơn lạm dụng kháng sinh thì rất nguy hiểm vì chúng ta đang ở mức độ kháng cao.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng cao là do kháng sinh được sử dụng bừa bãi
Do tỉ lệ kháng kháng sinh cao, nhiều liệu pháp kháng sinh được khuyến cáo trong các tài liệu hướng dẫn điều trị đã không còn hiệu lực.
Theo báo cáo của một nghiên cứu khác năm 2009 cho thấy, 42% các chủng vi khuẩn gram âm kháng với ceftazidime, 63% kháng với gentamicin và 74% kháng với acid nalidixic tại cả bệnh viện và trong cộng đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam đáng lo ngại, theo PGS. Kính là tình trạng uống thuốc không dùng đơn của người Việt khá phổ biến. Người Việt có thói quen tự điều trị, khi thấy bị ốm đau hoặc có vấn đề về sức khoẻ là ra hiệu thuốc và dễ dàng mua được thuốc kháng sinh.
Mặc dù đã có qui định về kê đơn và bán thuốc theo đơn, người bệnh vẫn có thể mua thuốc kháng sinh và nhiều loại thuốc khác trực tiếp từ các nhà thuốc và các quầy thuốc bán lẻ mà không cần đơn thuốc. “Đáng lưu ý là nhiều người bệnh có đơn thuốc của bác sĩ mang đơn ra hiệu thuốc, nhưng người bán thuốc lại tư vấn cho dùng loại kháng sinh khác sau đó giải thích với người mua là tên thuốc khác nhưng hoạt chất và tác dụng tương tự như thuốc bác sĩ kê đơn… là sai lầm”, PGS Kính nhấn mạnh.
PGS Kính chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu và khảo sát, ông trực tiếp đi xuống các nhà thuốc thì thấy thuốc kháng sinh được bán ở nhà thuốc chiếm 25%, có đến 90 % bán kháng sinh mà không cần kê đơn. Có những trường hợp người bán thuốc không có chứng chỉ về dược, không có kiến thức về dược những vẫn đứng bán và tư vấn thuốc như dược sĩ thực thụ.
Theo đó, PGS. Kính khuyến nghị, chúng ta sớm triển khai các giải pháp và các hoạt động chống kháng thuốc đã được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo tập trung vào 4 vấn đề chính là: giám sát kháng thuốc, giảmsử dụng kháng sinh vàdùng kháng sinh hợp lý, thực hiện các biện pháp không phải dùng thuốc như thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, ăn uống hợp vệ sinh, chống thực phẩm bẩn, vệ sinh môi trường và chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Để việc triển khai các hoạt động phòng chống kháng thuốc có hiệu quả cần có sự phối hợp liên ngành, nâng cao nhận thức của người dân cũng như tăng cường giám sát việc sử dụng thuốc, bán thuốc và hợp tác quốc tế về vấn đề này...