Hà Nội

Khẳng định sức sống kịch Lưu Quang Vũ

12-08-2018 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong tháng 8 - 1/9, “Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ” diễn ra tại Hà Nội nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ (1988 - 2018).

Tại liên hoan này, ngoài sự tôn vinh và tri ân những đóng góp của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đối với nghệ thuật sân khấu nước nhà, khán giả được thưởng thức 4 vở diễn nổi tiếng của tác giả họ Lưu.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và vợ - nhà thơ Xuân Quỳnh, con trai Lưu Quỳnh Thơ mất ngày 29/8/1988 trong một tai nạn ôtô ở tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, nhiều kịch bản sân khấu của Lưu Quang Vũ để lại như: Sống mãi tuổi 17, Nàng Sita, Hẹn ngày trở lại, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta, Ngọc Hân công chúa, Linh hồn của đá, Ông vua hóa hổ, Ông không phải là bố tôi, Điều không thể mất, Ai là thủ phạm, Tin ở hoa hồng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng... vẫn được nhiều nghệ sĩ, nhà hát dựng lại. Trong các sáng tác kịch của Lưu Quang Vũ luôn chứa đựng một giá trị nghệ thuật riêng có và vì thế các vở diễn của ông luôn chinh phục hầu hết khán giả.

Ai là thủ phạm - 1 trong 4 vở diễn đến với khán giả trong Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ.

Ai là thủ phạm - 1 trong 4 vở diễn đến với khán giả trong Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ.

Tại “Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ” dịp này, Nhà hát Tuổi trẻ giới thiệu đến công chúng 4 vở kịch của Lưu Quang Vũ gồm: Lời nói dối cuối cùng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ai là thủ phạm, Lời thề thứ 9. Các vở diễn đều có câu chuyện, giá trị nghệ thuật đặc biệt. Lời nói dối cuối cùng (NSƯT Chí Trung đạo diễn) là câu chuyện của ba nhân vật Cuội, Bờm, Lụa. Họ là những người trẻ muốn thay đổi cuộc đời của mình và những người xung quanh. Tuy nhiên, lời nói dối của họ đã khiến mọi chuyện rối loạn. Thông điệp của vở diễn này chính là không thể dùng cái xảo trá để làm điều tốt được. Tuy là một vở chính kịch song vở diễn cũng mang nhiều chất hài dân gian. Theo ông Trương Nhuận - nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Lời nói dối cuối cùng của Lưu Quang Vũ làm cho mọi người nhận thức và thấy được cả những cái yếu như bệnh thành tích, dối trá bằng cấp... làm xói mòn lòng tin trong xã hội, cần phải loại bỏ ngay.

Trong khi đó, vở diễn Ai là thủ phạm kể về đời sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 80 ở một khu tập thể có biệt danh “Quân khu Phượng Hà”. Tại đây, một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều cách giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau. Điều đáng nói là cách rèn giũa, dạy dỗ đạo đức cho con trẻ thiếu trung thực, giả dối của những ông bố, bà mẹ ngày ấy đã tạo nên những “sản phẩm” như thế nào cho ngày hôm nay? Đó cũng là căn nguyên sâu xa giải đáp cho câu hỏi “Ai là thủ phạm” của hiện tượng cá nhân, tha hóa liên tục nảy sinh, trở thành nỗi ám ảnh, nhức nhối trong xã hội. NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ kiêm đạo diễn Ai là thủ phạm chia sẻ, dù đã ra đời hơn 30 năm qua nhưng vở diễn vẫn giữ nguyên tính thời sự, truyền đi thông điệp rằng nếu chúng ta không tự nghĩ về trách nhiệm của mình, trách nhiệm mỗi công dân để không tự răn mình thì cả xã hội sẽ bị trượt đi và mất những giá trị tốt đẹp, lẽ phải và công bằng sẽ không được tôn vinh.

Vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy (Huy chương Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018) do nghệ sĩ Sĩ Tiến đạo diễn, xoay quanh cuộc tình tay ba giữa Hoàng - Liên - Vân. Khán giả xem vở kịch này thấy được trạng thái của các nhân vật khi gặp lại quá khứ hay nhìn thấy tương lai của mình trên sân khấu một cách sinh động, đầy mâu thuẫn cuốn hút giữa những giá trị đối nghịch nhau cùng niềm tin vào những điều tốt đẹp, nổi bật lên thông điệp xuyên thời gian mà vở diễn gửi gắm: “Hạnh phúc mới thực là điều người ta mong mỏi nhất”. Trong khi đó, Lời thề thứ 9 xoáy sâu và phản ánh một cách chân thực sự vô cảm của con người trong xã hội. Đồng thời, Lời thề thứ 9 đã gửi gắm chất nhân văn được thể hiện rõ bởi tình đồng đội và đặc biệt là tình mẫu tử. Cái kết của vở kịch này làm người xem phải rơi lệ bởi chỉ có người mẹ, chỉ có tình yêu bao la của người mẹ là luôn luôn đón nhận những đứa con dù tội lỗi vào lòng. Đó cũng chính là bản sắc của các sáng tác kịch Lưu Quang Vũ vẫn truyền tải đến người thưởng thức.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, qua các vở diễn lần này không chỉ muốn khơi lại giá trị tư tưởng, nhân văn của cố tác giả Lưu Quang Vũ mà còn hoài niệm đến thời hoàng kim của sân khấu kịch. Và các vở diễn sẽ mở ra một không gian nghệ thuật mang đến nhiều cảm xúc đẹp, nước mắt, tiếng cười cùng những thổn thức đối với người xem. Bên cạnh đó, thêm một lần nữa khẳng định tài năng và những giá trị nghệ thuật đích thực trong kịch Lưu Quang Vũ sẽ vẫn tiếp tục được trân trọng, vinh danh và tỏa sáng lấp lánh.


Nhật Lệ
Ý kiến của bạn