Trước nhiều thông tin trái chiều về việc Bộ Y tế đưa vào dự thảo Luật Máu và Tế bào gốc “bắt buộc công dân hiến máu mỗi năm một lần”, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định không có chuyện “bắt buộc công dân hiến máu mỗi năm một lần”, đây chỉ là phương án giả định trong tờ trình về dự thảo Luật Máu và Tế bào gốc gửi đến Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành liên quan.
Hiến máu bắt buộc là phương án giả định
Theo ông Nguyễn Huy Quang, việc một số thông tin cho rằng công dân Việt Nam phải bắt buộc hiến máu 1 năm 1 lần là không phản ánh đúng bản chất của vấn đề. “Trước hết, tôi khẳng định trong dự thảo Luật Máu và Tế bào gốc, Bộ Y tế chưa đề cập đến đề xuất công dân bắt buộc hiến máu, mà đề xuất này được đưa ra trong tờ trình về luật gửi tới Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành liên quan. Quan điểm xây dựng luật hiện nay là phải dựa trên bằng chứng về mặt khoa học. Tại dự thảo Luật vẫn thể hiện rõ để duy trì nguồn máu phục vụ điều trị thì hiến máu tình nguyện là chủ chốt, không đặt vấn đề chính là hiến máu bắt buộc” - ông Quang nói.
Hiện nay, dựa trên tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại mỗi quốc gia, để đáp ứng nhu cầu máu điều trị cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Như vậy, mỗi năm với dân số 90 triệu dân, Việt Nam cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu. Năm 2016, cả nước tiếp nhận khoảng gần 1,4 triệu đơn vị máu (đạt tỷ lệ 1,52% số dân hiến máu). Việc xây dựng Luật này phải nhằm đảm bảo đủ nguồn máu điều trị.
Các bạn trẻ đăng ký hiến máu tình nguyện. Ảnh: TM
Vì thế, trong báo cáo đánh giá tác động xây dựng luật, khi tiến hành khảo sát đánh giá, có 2 giải pháp để xin ý kiến. Theo đó, giải pháp 1, quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu; giải pháp 2, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu. Khi làm luật phải đưa ra các phương án để đối chứng, bao quát được một cách toàn diện và tìm ra được giải pháp tối ưu nhất.
“Bộ Y tế lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện (giải pháp 2) nhưng làm thế nào để chứng minh hiến máu tình nguyện là tối ưu thì phải đưa ra phương án giả định. Trường hợp này, giả định là sẽ quy định hiến máu bắt buộc” - ông Quang cho hay.
97,5% đối tượng hiến máu là tình nguyện
Thời gian qua, Bộ Y tế cùng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể để triển khai tổ chức các chiến dịch hiến máu tình nguyện, nhân đạo như Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ, hiến máu tại các khu dân cư, trường học, cơ quan công sở... Do đó, phong trào hiến máu tình nguyện trong các năm gần đây phát triển, trở thành trào lưu của rất nhiều tầng lớp nhân dân, nòng cốt hiến máu là đoàn thanh niên, lực lượng công an, quân đội, học sinh sinh viên... Việc hiến máu tình nguyện đã trở thành hành vi cao đẹp, nhân văn trong xã hội.
“Chính các phong trào hiến máu tình nguyện hiện nay đã và đang tạo nên các nguồn máu đa dạng để phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho người bệnh” - ông Nguyễn Huy Quang khẳng định.
Trên thực tế hiện nay, đối tượng hiến máu ở nước ta có đến 97,5% là hiến máu tình nguyện, người hiến máu chuyên nghiệp chiếm 0,9% và người nhà người bệnh hiến máu là 1,5%, việc hiến máu tự thân là 0,02%. Qua đây cho thấy xu hướng nhất quán vẫn là duy trì hiến máu tình nguyện.
Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo, việc quy định hiến máu tự nguyện và mang tính tình nguyện cũng có ý kiến đề nghị là nếu chúng ta làm tự nguyện thì liệu có đáp ứng được máu cho nhu cầu điều trị hay không. Do đó, trong Luật Máu và Tế bào gốc chúng ta có tình huống giả định là hiến máu bắt buộc. Thế nhưng, trên thực tế nếu ghi là bắt buộc thì liên quan đến quyền con người, không dễ gì mà chúng ta bắt buộc được. Việc hiến máu tình nguyện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh, kể cả máu lấy của người dân và máu đã chế phẩm. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng dự án luật này, cơ quan soạn thảo cũng tham khảo pháp luật quốc tế cho thấy các chính sách của các nước, kể cả của Tổ chức Y tế Thế giới thì không thấy quốc gia nào huy động hiến máu bắt buộc.
Cũng theo ông Quang, dựa trên các bằng chứng về mặt khoa học, chúng ta lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện nhưng phải có phương án giả định để chứng minh lập luận của Ban soạn thảo về hiến máu tình nguyện là đúng đắn, thuyết phục.
Liên quan đến câu hỏi về vấn đề chi trả tiền khi sử dụng máu, chế phẩm máu, ông Quang nói: Nhà nước bỏ tiền ra để vận động hiến máu, hiến máu không phải là mua - bán máu. Người bệnh chi trả tiền khi sử dụng máu là chi phí bảo quản, vận chuyển, sàng lọc, phân tích và tách chế phẩm của máu.