Khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam

08-09-2012 11:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

Những ngày tháng 8, trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và 67 năm Quốc khánh 2/9, những người Việt Nam lại thêm một lần nữa cảm thấy vững tin vào chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam thông qua một cuốn sách được viết chính thức bởi triều đình nhà Thanh Địa dư đồ khảo.

Những ngày tháng 8, trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và 67 năm Quốc khánh 2/9, những người Việt Nam lại thêm một lần nữa cảm thấy vững tin vào chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam thông qua một cuốn sách được viết chính thức bởi triều đình nhà Thanh Địa dư đồ khảo.

Linh cảm nghề dẫn đường tìm sách

Mấy năm gần đây, khi những xáo trộn trên biển Đông mang tính chất biên giới, lãnh thổ, cương vực, biên hải… gây nên sự “đôi co” giữa các quốc gia thì những tư liệu mang tính lịch sử, địa lý của các nước trở nên những tài liệu quan trọng để chứng minh chủ quyền lãnh hải của mình. Và với riêng Việt Nam, ngày càng nhiều những tài liệu có từ các thế kỷ trước được công khai với quốc tế về sự chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Nhưng có lẽ những tài liệu đó đều của Việt Nam làm ra nên sức thuyết phục chưa cao, chưa tạo nên thế vững chắc để chứng minh chủ quyền hai quần đảo này. “Và thấy nước lớn ỉ mạnh hiếp yếu mà không chịu được” - Trần Đình Sơn.

Trong cuốn Địa dư đồ khảo do triều đình nhà Thanh biên soạn vào đời vua Quang Tự (1875-1908) không có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (ảnh chụp từ cuốn sách).

Nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Trần Đình Sơn nguyên là cháu nội đời thứ tư của cụ Trần Đình Bá (1867 - 1933) Thượng thư bộ Hình dưới triều vua Khải Định. Theo những suy đoán và linh cảm của một nhà nghiên cứu lịch sử, ông đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm trong tủ sách của cụ cố… Và không phụ lòng người có công hay là do tình yêu Tổ quốc mách bảo, ông đã tìm thấy cuốn Địa dư đồ khảo do triều đình nhà Thanh biên soạn vào đời vua Quang Tự, ở ngôi vua từ năm 1875 - 1908, trong đó có nhiều bản đồ được vẽ tay trên một loại vải lụa đặc biệt, qua cả trăm năm mà không hề bị phai màu hay mục rách.

Trong cuốn sách này, triều đình nhà Thanh đã công khai lãnh địa cương thổ và biên hải của mình. Và tuyệt vời nhất ở cuốn sách này là việc xác định vùng đất cực Nam, địa điểm cuối cùng về phía Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam thuộc tỉnh Quảng Đông, được thể hiện trên bản đồ. Không có quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Ông Trần Đình Sơn cho biết, nguyên cuốn Địa dư đồ khảo nằm trong tủ sách Phước Trang của ông cố nội, là cụ phó bảng Trần Đình Bá. Do cụ từng giữ chức Thượng thư bộ Hình triều vua Khải Định nên trong tủ sách có một số sách về luật lệ từ đầu thời Nguyễn đến thời kỳ người Pháp có mặt ở Việt Nam.

Vì thế, cụ cố nội Trần Đình Bá do giữ trách nhiệm về luật lệ thời ấy ở triều đình nhà Nguyễn chắc chắn phải quan tâm đến vấn đề biên giới, cương thổ và lãnh hải của đất nước nên cụ cùng các quan cộng sự của mình sẽ phải có trong tay tài liệu hợp pháp của triều đình nhà Thanh để nghiên cứu tham khảo và làm bằng chứng cũng như để tiện cho việc vẽ địa chí cương vực lãnh thổ Việt Nam. Và Địa dư đồ khảo đã được tìm thấy trong tủ sách của cụ.

“Địa  dư đồ  khảo”

Sách do nhà Thanh xuất bản thời kỳ đầu triều Quang Tự (1875- 1908) ở Trung Quốc. Sách đã được cụ Thượng thư bộ Hình triều Khải Định (1916- 1925) sao chép lại.

Sách được viết trên giấy xuyến loại đặc biệt, rộng 16cm, dài 27cm, bên ngoài có bìa cứng, bọc lụa đỏ, kế đến là bìa giấy cũ màu nâu. Tổng cộng có 65 tờ viết chữ Hán hai mặt, chữ còn rõ đẹp, gồm 20 mục khảo cứu và 20 bản đồ đính kèm. Đặc biệt, trong sách có nhiều bản đồ được vẽ bằng tay rất chi tiết và rõ nét trên lụa, loại lụa rất đặc biệt, không hề bị mủn, rách.

Đọc trong sách thấy ghi các sự kiện từ năm Quang Tự thứ hai trở về trước nên có thể suy đoán tập sách được biên soạn và hoàn thành như một văn bản chính thức của triều nhà Thanh trước năm 1876. Đây chính là cơ sở để nghiên cứu các vùng cương giới những nước láng giềng của Trung Quốc đã được triều Thanh xác nhận, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, Địa dư đồ khảo có phần bản đồ chi tiết về các tỉnh phía Nam Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông có chung đường biên giới với Việt Nam. Và trên bản đồ được vẽ trong sách thì đảo Hải Nam (hay còn gọi Quỳnh Châu) thuộc tỉnh Quảng Đông được thể hiện là vùng đất cực Nam, địa điểm cuối cùng ở phía Nam của Trung Quốc (ngày nay, ở Du Lâm, cực Nam của đảo Hải Nam vẫn còn các tảng đá lớn ghi hàng chữ rất to: Thiên nhai hải giác - Chân trời góc biển, Hải khoát thiên không - biển rộng vô bờ bến).

Điều đặc biệt hơn nữa, trong Địa dư đồ khảo không hề có chi tiết nào nói về hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Điều đó có nghĩa là triều đình nhà Thanh cho đến đầu thời Quang Tự đã không kể đến các quần đảo trên thuộc về lãnh thổ của mình. Trong lúc đó, việc quản lý của triều đình nhà Nguyễn hồi ấy đối với Hoàng Sa và Trường Sa được ghi lại rõ ràng qua sử liệu.

Ông Trần Đình Sơn tâm huyết: “Lâu nay, chúng ta đã công bố được rất nhiều bản đồ do các giáo sĩ phương Tây, các nhà hàng hải vẽ có ghi chú quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa của đất nước Việt Nam. Các cứ liệu lịch sử Việt Nam trải qua các thời kỳ Trần - Lê - Nguyễn đều có ghi chép việc quản lý, khai thác Trường Sa - Hoàng Sa rồi.

Đến nay, người Việt Nam trong và ngoài nước vẫn đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thêm bản đồ, tư liệu để chứng minh chủ quyền của nước ta ở hai quần đảo này và đó chính là động lực để gia đình chúng tôi đem tập Địa dư đồ khảo trong tủ sách gia bảo ra công bố như một cứ liệu minh chứng cho việc Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”.

Trong cuộc họp báo, có nhiều ý kiến hỏi về cuốn sách, nhất là việc đề nghị chủ nhân cuốn sách này có thể “nhân bản”, dịch ra tiếng Việt và một số ngôn ngữ được dùng thông dụng ở Liên hợp quốc, để việc phổ biến được rộng hơn. Có lẽ đó cũng là mong muốn chung của những người Việt Nam yêu nước, luôn quan tâm đến chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, nhất là những vùng lãnh thổ thuộc biên cương, hải đảo.

Bài và ảnh: Hoài Hương



Ý kiến của bạn