Theo đó, Hải Phòng là địa phương thứ 3 trong 7 tỉnh, thành cả nước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với ca nhiễm đầu tiên được công bố ngày 22/2. Tính đến ngày 2/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 38 hộ tại 12 thôn, 5 xã thuộc 2 huyện Thủy Nguyên và xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng. Trong số này bắt buộc phải tiêu hủy là 424 con. Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đình Chuyến cho biết bên cạnh việc lập chốt tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt thì TP. Hải Phòng cố gắng sớm nhất để hỗ trợ tiền cho người dân bị tiêu hủy lợn theo Nghị định 02 của Chính phủ là 38.000 đồng/kg hơi. Theo ông Chuyến, một số hộ dân bị tiêu hủy lợn ngày 22/2 đến nay đã nhận được tiền hỗ trợ. Các hộ tiếp theo cũng sẽ sớm nhận được hỗ trợ trong thời gian tới.
Tiêm phòng để ngừa dịch bệnh cho lợn.
Làm việc tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, hiện dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát trên nhiều tỉnh, thành và diễn biến rất phức tạp. Để kiểm soát ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan vai trò tiêu hủy xử lý lợn nhiễm bệnh nhanh chóng và tại chỗ vô cùng quan trọng. Việc đào hố chôn lấp phải đúng theo khuyến cáo của OIE sâu 3 mét, nên sử dụng vôi cục và khu chôn lấp phải đảm bảo xa nguồn nước chung, xa khu dân cư và phải được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Hải Phòng bằng nhiều kênh nhiều nguồn khác nhau cũng như từ nguồn quỹ phòng chống dịch bệnh sớm có chính sách hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy để ổn định tâm lý người chăn nuôi.
Bên cạnh đó tiếp tục tuyên truyền và hỗ trợ để người dân có điều kiện chuyển đổi sang một số công việc ngành nghề khác để bù đắp trong lúc chuồng trại đang trong quá trình niêm phong lập chốt cách ly. Hiện Bộ đang đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành sớm ban hành các chính sách hỗ trợ thêm cho người chăn nuôi ngoài Nghị định 02 của Chính phủ.
Còn tại tỉnh Quảng Ninh từ ngày 3/3 đã lập các chốt kiểm soát từ thị xã Đông Triều cho đến huyện Hoành Bồ nhằm khống chế việc bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Các chốt kiểm soát liên ngành sẽ hoạt động 24/24 giờ, từ ngày 3/3/2019, với sự phối hợp của công an tỉnh, quản lý thị trường, cảnh sát giao thông, thú y các huyện, thị xã.
Khi phát hiện việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y có thẩm quyền sẽ tiến hành khử trùng, tiêu độc và xử lý theo quy định.
Tại Hải Dương, vào tối 1/3, Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương đã phát hiện virut dịch tả lợn châu Phi tại một hộ dân ở xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng II (Cục Thú y). Kết quả cho thấy các mẫu đưa đi xét nghiệm (huyết thanh và phủ tạng) cho kết quả dương tính với virut dịch tả lợn châu Phi.
Hiện Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy xong toàn bộ đàn lợn bị nhiễm bệnh của hộ gia đình có lợn dịch và các hộ liền kề; sử dụng hóa chất sát khuẩn cao như rắc vôi bột, phun dung dịch khử trùng Hansulap để tiêu độc khử trùng tại hộ bị dịch và khu vực xung quanh với bán kính 1km và phun mỗi ngày 1 lần. Chi cục Thú y tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan chức năng lập các chốt để kiểm soát việc vận chuyển ra, vào vùng có dịch.
Tại Hà Nội, mới đây (từ ngày 22 - 27/2/2019), dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại Hà Nội thuộc 1 hộ chăn nuôi lợn rừng tại khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên. Toàn bộ 25 con lợn rừng nuôi dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, do Hà Nội tiếp giáp với 8 tỉnh, thành phố: trong đó giáp với Hưng Yên và rất gần với Thái Bình có xảy ra dịch bệnh, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào thành phố, vì vậy việc quản lý dịch bệnh, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp. Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lan rộng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập lợn từ các địa phương, đặc biệt tại các cơ sở giết mổ lớn tại huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh; đồng thời duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông nhằm ngăn chặn lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào thành phố.