BHXH Việt Nam vừa yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015-2020.
Cụ thể, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Y tế (đơn vị chủ trì) và các sở, ngành liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, thành phố: xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua chỉ tiêu BHYT trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; kinh phí đóng, hỗ trợ đóng BHYT hằng năm, 5 năm, trong đó đề xuất các giải pháp cho nhóm đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt là đối tượng thuộc các xã đặc biệt khó khăn; đối tượng thuộc vùng đặc biệt khó khăn thuộc vùng bãi ngang ven biển; đối tượng thuộc vùng huyện đảo, xã đảo; đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo (hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ cận nghèo từ ngân sách địa phương); hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình...; Rà soát, tổng hợp và kịp thời lập danh sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo (được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng); Đối tượng học sinh, sinh viên: ngoài hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT, ngân sách địa phương hỗ trợ thêm từ 10% mức đóng BHYT trở lên và giao chỉ tiêu đến hết năm 2016 đạt 100% tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên.
Vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện.
Với đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương, trên cơ sở đặc điểm của từng địa phương, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT đến từng cấp huyện, xã và gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền với tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn. Phấn đấu mỗi năm tăng từ 20-25% số người thuộc đối tượng hộ gia đình chưa tham gia BHYT. Huy động, vận động các nhà hảo tâm hoặc từ ngân sách địa phương để hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT. Đồng thời, BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng của truyền thông tiếp cận đầy đủ với thông tin cơ bản về chính sách BHXH, BHYT như nơi tham gia, thủ tục tham gia, mức đóng, phương thức đóng, quyền lợi hưởng...
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức, củng cố đại lý thu trên địa bàn xã để tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. Tổ chức nhiều đại lý thu trên địa bàn để tạo tính cạnh tranh khi phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Các điểm thu, đại lý thu phải có biển hiệu, treo ở những nơi dễ nhận biết, bảo đảm nhân dân dễ biết và đến giao dịch.
Tham mưu UBND tỉnh, thành phố đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của các đơn vị, nhà trường và UBND các cấp.
Theo thông tin của Bộ Y tế, tính đến tháng 9/2015, số đối tượng tham gia BHYT khoảng 67,4 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 73,91% dân số, trong đó có 8 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% dân số: Lào Cai (97,06%), Điện Biên (97,06%), Hà Giang (96,71%)...
Theo báo cáo nhanh của BHXH các tỉnh, thành phố, tỷ lệ chưa tham gia BHYT tập trung tại các nhóm là người lao động và người sử dụng lao động (21,7% tương ứng 3 triệu người, trong đó chủ yếu là người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư). Nhóm ngân sách nhà nước đóng là 3,3%, tương ứng 1 triệu người, chủ yếu tập trung ở nhóm người đang sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn và nhóm người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo (hơn 50% đối tượng người đang sinh sống tại xã đảo chưa có thẻ BHYT). Nhóm đối tượng đóng, ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng 21,9%, tương ứng hơn 4 triệu người. Trong đó, người thuộc hộ gia đình cận nghèo là 22,2%, tương ứng 600 ngàn người cận nghèo chưa tham gia BHYT; học sinh, sinh viên là 15,1%, tương ứng 2,1 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT; người thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình là 96,1% chưa tham gia, tương ứng 1,5 triệu người. Đối tượng hộ gia đình, có tới 67,4% đối tượng chưa tham gia theo hộ gia đình BHYT, tương ứng 16,2 triệu người không tham gia BHYT.
Nguyễn Hoàng