Hà Nội

Khẩn trương phòng chống bão số 3

16-09-2014 21:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Tâm bão số 3 (bão Kalmaegi) hướng vào bờ biển Hải Phòng - Quảng Ninh và tiến sâu vào đất liền các địa phương này vào tối 16/9.

* Thủ tướng yêu cầu khẩn trương sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

* Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế 29 tỉnh, thành phố phía Bắc chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của bão số 3.

Tâm bão số 3 (bão Kalmaegi) hướng vào bờ biển Hải Phòng - Quảng Ninh và tiến sâu vào đất liền các địa phương này vào tối 16/9. Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ đêm 16/9 đến chiều 18/9, ở các tỉnh Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt mưa to đến rất to kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất...

Hạn chế thiệt hại thấp nhất do bão, lũ

Trong công điện của Thủ tướng gửi các bộ, ngành, địa phương để đối phó với cơn bão số 3, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, cơ quan liên quan đình hoãn các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão; kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão. Đặc biệt, các địa phương phải thực hiện “bốn tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Các địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt đối với đê biển, hồ đập, công trình thi công dở dang, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, kho tàng để hạn chế thiệt hại; căn cứ diễn biến của bão chủ động chỉ đạo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn; triển khai biện pháp phòng, chống ngập úng tại các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Các tỉnh, thành phố ven biển phải sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm... Rà soát, chủ động thực hiện sơ tán, di dời dân tại các khu vực nguy hiểm như vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, những nơi có khả năng bị ngập sâu và có nguy cơ cao về sạt lở đất. Việc sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm phải hoàn thành trước 17h ngày 16/9.

Các tỉnh trung du, miền núi rút kinh nghiệm từ bão số 2, cần chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đến từng thôn, bản để người dân được cung cấp đầy đủ thông tin về thiên tai, biết cách ứng phó và chủ động phòng, tránh, nhằm giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc về sinh mạng người dân do bất cẩn, chủ quan...

Công điện của Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ triển khai các biện pháp phòng, chống bão lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại của bão, lũ gây ra.

Quảng Ninh, Hải Phòng: Cấm các phương tiện hoạt động trên biển từ 12h ngày 16/9

Là một trong các tỉnh sẽ hứng chịu tâm bão, trong ngày 16/9, nhiều đoàn công tác của các sở, ngành, quận, huyện TP. Hải Phòng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3. TP. Hải Phòng cũng đã yêu cầu cấm tất cả các phương tiện. UBND TP đã có văn bản yêu cầu các ngành, địa phương từ ngày 16/9 đến khi bão tan, dừng tất cả các cuộc họp để tập trung phòng chống bão.

Yêu cầu cấp thiết của thành phố là không để người dân nào bị thiệt mạng trong bão; giảm tối thiểu thiệt hại về tài sản. Các phương tiện có công suất trên 40CV đang neo đậu tại âu cảng Bạch Long Vỹ bắt buộc phải di chuyển vào đất liền tránh trú bão chứ không được neo đậu tại âu cảng. Phương tiện nhỏ bắt buộc phải được kéo lên bờ. Huyện Cát Hải bố trí cho các phương tiện neo đậu tránh bão an toàn, không để dân ở lại trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản và các chòi canh.

Tại Quảng Ninh, theo tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến 9h ngày 16/9, các địa phương trong tỉnh đã kêu gọi được 249/249 tàu đánh cá xa bờ về nơi neo đậu an toàn. Các tàu đã liên lạc được phần lớn đang đỗ ở bến cảng, bến cá của các địa phương. Đối với tàu đánh cá gần bờ, hiện có 8.482 chiếc, theo lệnh cấm tàu, hiện nay các tàu này đang thực hiện neo đậu. Hiện đã có hơn 6.000 tàu đã neo đậu an toàn. Đến trưa 16/9, toàn bộ tàu đánh cá ven bờ phải về các nơi trú tránh an toàn. Tỉnh Quảng Ninh đã cử 3 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3.

Phòng chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh phát sinh sau bão

Về phía ngành y tế, để chủ động phòng chống bão số 3, ngày 16/9, Bộ Y tế tiếp tục có công điện khẩn yêu cầu Sở Y tế 29 tỉnh ven biển và miền núi phía Bắc chủ động trong công tác phòng chống, phát huy phương châm 4 tại chỗ, ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại sức khỏe và tính mạng về người và tài sản do mưa bão số 3 gây ra. Huy động toàn bộ lực lượng y tế của địa phương phối hợp với lực lượng quân y trên địa bàn chủ động đối phó với bão số 3, sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão và tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa, bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra. Chuẩn bị nhóm nhân viên y tế hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân gặp sang chấn tâm lý sau bão. Khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc men, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống.

Bộ Y tế cũng yêu cầu ngành y tế các tỉnh cần phối hợp các sở, ban, ngành tại địa phương chủ động đối phó với tình huống bị mưa lũ chia cắt dài ngày, hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, phương pháp xử lý nguồn nước bị ô nhiễm...

Công điện của Bộ Y tế cũng yêu cầu, các BV trực thuộc Bộ tổ chức các đội cấp cứu ứng trực 24/24h, sẵn sàng cơ động chi viện khi có lệnh, trực tiếp đi kiểm tra tại một số điểm nhằm nâng cao tính sẵn sàng của các đơn vị. Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế Dự phòng chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng của bão tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vệ sinh phòng chống dịch tại các địa phương và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh.

Thanh Mai - Thái Bình

 


Ý kiến của bạn