* Bộ Y tế đã gửi Công điện số 3592/CĐ-BYT ngày 02/7/2020 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và tiếp nhận điều trị bệnh nhân bạch hầu đến Sở Y tế các tỉnh: Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước.
* Ngày 03/7/2020, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 3612/ BYT-DP tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu gửi UBND tỉnh Kon Tum.
Vào cuộc khẩn trương
Sau 2 ca bạch hầu biến chứng nặng đã tử vong ở Đăk Nông các ổ dịch tại tỉnh này đã được khống chế, khoanh vùng. Cán bộ y tế cơ sở ở các địa bàn đã nhanh chóng rà soát, khoanh vùng và kịp thời phát hiện những ca nghi nhiễm để làm các xét nghiệm cần thiết.
Chú trọng tiêm phòng bạch hầu ở Tây Nguyên.
Tỉnh Gia Lai xuất hiện ổ dịch bạch hầu ở xã Hải Yang (huyện Đăk Đoa, Gia Lai). Ca nhiễm nặng nhất là Vung (sinh năm 2016, trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa). Ngày 5/7, bệnh chuyển nặng, Vung đã tử vong. Theo người nhà bệnh nhân, cuối tháng 6, Vung cùng mẹ đến Kon Tum thăm người quen, có tiếp xúc với người bị bạch hầu. Sau đó Vung có biểu hiện ho nhiều, sốt, khó thở. Chẩn đoán ban đầu của Trung tâm y tế (TTYT) Đăk Đoa là Vung bị viêm họng nhưng sau đó không khỏi nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai thì xác định bị bạch hầu.
Như vậy, đến hết ngày 5/7, Tây Nguyên có 34 ca nhiễm bạch hầu, 3 ca tử vong. Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết: Ngay khi bệnh nhân Vung nhiễm bệnh, ngành y tế đã vào cuộc quyết liệt, tiến hành hàng loạt biện pháp cấp bách để khoanh vùng và dập dịch. Tất cả người tiếp xúc với Vung đều được lấy mẫu xét nghiệm và có 9 người đã dương tính với bạch hầu. Cùng với khoanh vùng, cách ly ổ dịch thì tổ chức phun hóa chất cloramin B 0,5% khử khuẩn; khám sàng lọc và điều trị dự phòng cho toàn bộ người dân làng Bông Hiot.
Trong các ngày tới còn tiến tới mở rộng áp dụng đối với tất cả người dân xã Hải Yang. Y tế tuyến tỉnh cũng đưa các nhân viên phòng chống dịch có kinh nghiệm xuống hỗ trợ cho huyện. Công tác điều tra và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ được làm ngay. Sẽ tiêm vắc-xin phòng bạch hầu trên diện rộng với những người chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ.
UBND xã Hải Yang cho biết, công tác tuyên truyền, vận động rất quan trọng bởi đây là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Phải giúp người dân hiểu được rằng, tiêm phòng bạch hầu và làm theo các khuyến cáo của ngành y tế chính là bảo vệ mình và người thân.
Tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh tốt nhất!
Đại diện Sở Y tế Gia Lai nhận định: Trước diễn biến của dịch bệnh, công tác phòng bệnh phải luôn được đẩy mạnh. Nhân viên y tế sẽ kết hợp với các thôn, buôn vận động nhân dân chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh, đồng thời rà soát, triển khai tiêm vét đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 95%. Đối với trẻ em, chỉ cần tiêm vắc-xin 5 trong 1; đối với người lớn cũng cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh để tạo miễn dịch. Ngoài ra, khi có các triệu chứng như: sốt, ho, rát họng, khó thở... cần đến ngay các bệnh viện để được tư vấn, thăm khám bệnh.
Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám Sở Y tế Đăk Nông cho biết, trong trường học các cấp cũng phải tăng cường nắm bắt tình hình học sinh của mình, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh gì cần phối hợp với phụ huynh đưa đến cơ sở y tế ngay. Phong trào dọn vệ sinh nơi ăn, chốn ở cần phải được phát động thường xuyên đến từng thôn, buôn. Cùng với đó, ngành y tế cũng sẽ thường xuyên tập huấn công tác giám sát, điều tra dịch tễ, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu cho các bác sĩ, nhân viên y tế làm công tác phòng, chống dịch. Có như vậy, việc phòng chống dịch mới đạt hiệu quả cao.
Ngành y tế Kon Tum cũng đã lập kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin Td (uốn ván - bạch hầu) cho người dân các xã có ổ dịch và các xã có nguy cơ cao để tạo miễn dịch cộng đồng phòng chống dịch bệnh. Để hạn chế tác hại từ dịch bệnh đến sức khỏe, Sở Y tế Kon Tum cũng khuyến cáo người dân phải đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu DPTVGB-Hib và DPT4 đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Chỉ đạo Sở GD-ĐT triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Tổ chức việc theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học và THCS, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng) để được cách ly, xử lý kịp thời...
Chỉ đạo Sở TT-TT, các cơ quan báo chí của tỉnh phối hợp với ngành y tế tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp các thông tin cần thiết, các khuyến cáo các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu để người dân hiểu, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo đủ mũi và đúng lịch….
Chỉ đạo Sở Tài chính bổ sung kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo nhu cầu, sẵn sàng đáp ứng phòng chống dịch bệnh.
PV