Hà Nội

Khẩn trương hoàn thiện phác đồ điều trị để cứu đàn bò sữa Lâm Đồng

10-08-2024 19:44 | Xã hội
google news

Ngày 10/8, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến kiểm tra, chỉ đạo triển khai phòng chống bệnh tiêu chảy trên bò tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương- hai vùng nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Tham gia Đoàn công tác có lãnh đạo Cục Thú y cùng các chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi.

Khẩn trương hoàn thiện phác đồ điều trị để cứu đàn bò sữa Lâm Đồng- Ảnh 1.

Anh Đỗ Thanh Việt, nhân viên thú y tự do cho biết anh em đã quá kiệt sức vì khối lượng công việc quá nhiều. Ảnh tư liệu: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Sau khi kiểm tra thực tế một số chuồng trại có bò mắc bệnh tại hai huyện Đức Trọng, Đơn Dương, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan trung ương cùng địa phương cần nhanh chóng triển khai mọi giải pháp để cứu chữa gia súc bị tiêu chảy, hạn chế thấp nhất thiệt hại cũng như tránh để bệnh lan rộng, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã lắng nghe các ý kiến của giới chuyên gia, qua đó đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung một số nhiệm vụ chính gồm: Cục Thú y cùng các đơn vị liên quan khẩn trương tinh chỉnh, hoàn thiện phác đồ điều trị chính thức cho bò bị bệnh để phổ biến kịp thời đến người dân, cùng người dân điều trị, ngăn chặn bệnh lây lan.

Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan trung ương, doanh nghiệp đầu ngành về chăn nuôi sẽ hỗ trợ vật tư y tế, thuốc men cho tỉnh Lâm Đồng điều trị bò bị bệnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan cần nhanh chóng xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bò bị tiêu chảy hàng loạt. Trong đó cần xác định nguyên nhân chính, nguyên nhân phụ để làm cơ sở xác định đền bù hoặc hỗ trợ thiệt hại sau này. Để đảm bảo tính chính xác, cơ quan chuyên môn cần lấy thêm mẫu xét nghiệm đối với bò đang còn khoẻ, bò chưa tiêm vắc xin viêm da nổi cục, bò đã tiêm nhưng chưa chết… Sau khi có kết luận chính thức, Bộ sẽ công bố nguyên nhân hàng loạt bò sữa bị tiêu chảy dẫn đến chết ở Lâm Đồng.

Tham gia xử lý vụ việc trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc làm Tổ trưởng để chỉ đạo, điều hành, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện hai huyện Đức Trọng, Đơn Dương đã thành lập các tổ công tác để kịp thời triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung nhân lực, vật lực cứu chữa đàn bò sữa; cập nhật số liệu từng ngày để có căn cứ so sánh, đối chiếu; lập biên bản tiêu huỷ bò bị chết; giám sát việc tiêu huỷ…:

Ông Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, qua so sánh ngắn ngày thì hiện tượng bò chết có xu hướng giảm dần. Tỉnh đang tiếp tục theo dõi sát sao tình hình, lập sơ đồ theo dõi để kịp thời xử lý, báo cáo. Nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, và xử lý bò bị chết đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh.

Trước đó từ ngày 7/8, phóng viên TTXVN đã liên tục thông tin về tình trạng hàng nghìn bò sữa và bê tại 5 xã thuộc 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng bị bệnh tiêu chảy và chết hàng loạt.

Đáng chú ý, toàn bộ số bò đều bị bệnh sau khi tiêm vaccine nhược độc đông khô NAVET- LPVAC do Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO đóng tại Bình Dương sản xuất để phòng bệnh viêm da nổi cục trên bò. Những đàn bò ở cùng khu vực chưa tiêm loại vaccine này hiện vẫn bình thường, không xuất hiện tình trạng tiêu chảy như các đàn đã tiêm.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, tính đến 9 giờ ngày 10/8, tại vùng trọng điểm chăn nuôi bò sữa của tỉnh Lâm Đồng đã có 4.495 con bò sữa và bê của 237 hộ thuộc 6 xã bị bệnh tiêu chảy; trong đó, có 181 con đã chết, gồm huyện Đơn Dương chết 139 con, huyện Đức Trọng chết 42 con. Hiện người dân rất cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng hỗ trợ, để cứu đàn bò của mình sau 1 thời gian tự điều trị không có kết quả...


Theo Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Ý kiến của bạn