Ý thức phòng bệnh phải từ người dân
Theo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, nếu không khống chế kịp thời sẽ lây nhanh và nguy hiểm đến cộng đồng bởi con đường lây nhiễm chủ yếu là đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn bạch hầu có trong dịch tiết từ mũi, họng của bệnh nhân thông qua ho, hắt hơi, nói chuyện. Khi nhiễm bệnh, người bị nhiễm viêm loét ở vùng mũi, họng, thanh quản. Các dấu hiệu này nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng xuất hiện các màng màu trắng ở thanh quản, nhiễm độc nặng, tổn thương khắp các cơ quan nhất là hệ thần kinh trung ương, tim mạch, thận và thượng thận do ngoại độc tố. Loại độc tố này do chính vi khuẩn tiết ra và sẽ lan nhanh đi khắp cơ thể. Tất cả các đối tượng đều có thể mắc bệnh bạch hầu, đặc biệt là với những người chưa được tiêm chủng.
Trong căn nhà tuềnh toàng của mình, nhiều ngày nay ông Đinh Nham (ở Đăk Hà, Kon Tum) vẫn đầy tiếc thương vì đứa con gái đang khỏe mạnh, bỗng đổ bệnh sau mấy ngày nhập viện thì tử vong vào cuối tháng 9/2018. Con ông Nham (9 tuổi) được chẩn đoán nhiễm bệnh bạch hầu nặng. Trước đó không lâu, tại huyện Đăk Tô, một bệnh nhân nam 14 tuổi sau vài ngày có biểu hiện loét miệng, mũi liên tục chảy nước lẫn nhầy trắng đã được đưa vào cơ sở y tế thăm khám vì được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu. Diễn biến bệnh đã ở giai đoạn nặng, nên bệnh nhân tử vong ngay sau đó.
Phun thuốc phòng dịch tận các phòng ngủ ở nhà dân.
Ngoài 2 bệnh nhân đã tử vong còn có 3 người ở xã Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông) đang có các biểu hiện lâm sàng của bệnh bạch hầu, được theo dõi chặt chẽ ở các cơ sở y tế. Ông Đinh Thích ở xã Đăk Rơ Ông cho biết: Sau khi biết sự nguy hiểm của bệnh này, người dân trong xã rất sợ hãi vì hầu hết ở đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Được các nhân viên y tế đến động viên, hướng dẫn nên ai cũng sẵn sàng cho lấy mẫu đi xét nghiệm và tăng cường tiếp nhận các kiến thức về phòng, chống bệnh bạch hầu.
Nhiều giải pháp tích cực
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum đánh giá: Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm khi bùng phát ở vùng nhiều người chưa được tiêm chủng. Ngành y tế đã khoanh vùng ổ dịch ở Đăk Tô, Tu Mơ Rông đồng thời điều tra ca bệnh. Các nhân viên y tế thôn bản được giao nhiệm vụ phát hiện sớm, cách ly ngay khi có dấu hiệu bệnh để đưa vào điều trị có hiệu quả. Cùng với đó, phun hóa chất xử lý môi trường trên diện rộng từ trường học đến các cơ quan, buôn làng và ở tận các phòng ở của người dân. Các nhân viên y tế cũng đến tận nhà để hướng dẫn vệ sinh, phòng chống bệnh, che miệng khi ho, hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, tránh tụ tập khi có ca bệnh. Đã cấp 5.205 viên kháng sinh erythromycin điều trị dự phòng những người tiếp xúc gần với ca bệnh hoặc nghi nghờ mắc bệnh bạch hầu. Kiểm tra, rà soát và triển khai công tác tiêm vét, tiêm bổ sung vắc-xin Quinvaxem cho trẻ từ 02 tháng đến dưới 12 tháng tuổi, vắc-xin DPT4 cho các đối tượng từ 18 - 48 tháng tuổi trên địa bàn các xã có ổ bệnh. Đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc-xin DPT4 cũng như tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt > 95% ở tất cả các xã.
Để ngăn chặn có hiệu quả, ngay trong năm 2018 này, ngành y tế Kon Tum cũng sẽ tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho hơn 8.000 người ở độ tuổi 7 đến 30 chưa được tiêm loại vắc-xin này ở huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông.
Dẫu đã có nhiều giải pháp tích cực, song khó khăn lớn nhất của việc phòng chống bệnh bạch hầu là dịch xuất hiện ở vùng sâu, ý thức phòng dịch kém, nhiễm bệnh vẫn tiếp xúc nhiều người và đi nương rẫy bình thường. Vậy nên cùng với ngành y tế, chính quyền các xã, huyện cần tăng cường phối hợp để tuyên truyền phòng chống dịch.