Khàn tiếng vì dị vật nằm trong đường thở 20 tháng

08-08-2017 14:16 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Ngày 8/8/2017, BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, các bác sĩ vừa nội soi thành công gắp bỏ dị vật là một bản nhựa hình tam giác cong có kích thước 2*4cm nằm trong đường thở suốt 2 năm cho bệnh nhân Lâm T. Đ. (39 tuổi, Quận 8).

ThS.BS. Nguyễn Quang Tú của tua trực vào ngày 4/8/2017 đã nhận một ca cấp cứu vì bệnh nhân mệt, khó thở nhiều. Bệnh nhân Đ. cho biết anh thường mệt khi gắng sức, khàn tiếng hơn một năm nay sau chấn thương vùng cổ do hai xe máy va chạm mạnh vào tháng 10/2015. Bệnh nhân được cấp cứu tai nạn giao thông tại BV Chợ Rẫy do chấn thương đầu. Sau khi điều trị ổn định, bệnh nhân được xuất viện.

“Một tháng gần đây, trước khi nhập viện, tôi khó thở ngày càng nhiều hơn, nhất là khi làm việc nặng. Ban đêm nằm ngủ, nhiều lúc phải ngồi dậy vì khó thở. Buổi sáng dậy, tôi không nói được ra tiếng,” anh Đ. cho biết.

Bệnh nhân Lâm T. Đ đã bình phục sau khi được các BS BV Tai Mũi Họng TP.HCM tiến hành nội soi lấy dị vậtBệnh nhân Lâm T. Đ. đã bình phục, 4 ngày sau khi được các BS BV Tai Mũi Họng TP.HCM tiến hành nội soi lấy dị vật trong đường thở.

BS. Quang Tú cho biết, khi nhận cấp cứu, chúng tôi đã nghĩ ngay đến một ca dị vật đường thở, nên đã khai thác hỏi lại bệnh nhân xem trước đó bệnh nhân có triệu chứng gì như sặc sụa do dị vật từ phía ngoài xâm nhập vào. Bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng gì hết, trừ bỏ bệnh nhân mất 3 cái răng giả trong tai nạn giao thông cách đó gần 2 năm.

“Sau đó chúng tôi tiến hành chụp CTscan, kết quả ghi nhận một dị vật đường thở nằm phía trên, dính chặt vào thanh môn – một khe nhỏ giữa hai dây thanh để không khí đi từ hầu vào khí quản, và khép lại khi phát âm. Thanh môn gần như là đường thở hẹp nhất nhưng lại bị dị vật chia ra làm hai, các mô xung quanh nơi dị vật cắm bị viêm nhiễm, bít tắc 2/3 đường thở, và có thể gây đột tử nếu không được xử lý kịp thời,” BS. Tú cho biết.

Những trường hợp cần nội soi lấy dị vật như vậy thường cần phải gây mê và đặt nội khí quản đi qua đường thở, nhưng trong trường hợp này hoàn toàn không thực hiện được. Bên cạnh đó, do cắm sâu và lâu ngày, khi bác sĩ lấy dị vật ra có nguy cơ chảy máu nhiều, tràn ra và gây khó thở cho bệnh nhân. Một phương án khác là mở khí quản để đặt ống thở, bệnh nhân sẽ lại chịu một phẫu thuật dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Cuối cùng, để giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân các bác sĩ quyết định tiến hành nội soi thanh – khí quản lấy dị vật.  Điều may mắn là bệnh nhân này khi làm răng giả không có móc sắt. Móc sắt bám sâu vào niêm mạc rất khó lấy và có thể gây rách khí quản.

BS. Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết, sở dĩ dị vật này khó phát hiện là do đây là một bản nhựa không bắt cản quang, nên trong các xét nghiệm thường quy kiểm tra tai nạn giao thông, các bác sĩ khó phát hiện được. Hơn thế nữa, khi đó bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, các bác sĩ tập trung cấp cứu đồng thời cũng khó nắm bắt được các thông tin liên quan đến sức khỏe của bệnh nhân trước đó như đã từng làm 3 chiếc răng giả.

BS. Thủy giải thích thêm, “Bình thường, cơ hội để dị vật vào đường thở rất khó vì cơ thể có cơ chế tự bảo vệ. Nhưng khi bệnh nhân bị bất tỉnh, các phản xạ cơ thể có thể diễn ra thất thường hoặc do bệnh nhân gắng sức để thở nên đường đi của dị vật chuyển hướng, cắm thẳng vào thanh môn. Dị vật này là một bộ phận cắm vào nướu đỡ cho ba chiếc răng giả.”

Hóc dị vật đường thở là răng giả khá hy hữu, trung bình mỗi năm BV Tai Mũi Họng TP.HCM nhận cấp cứu từ 2 – 3 ca. Trong đó, các bác sĩ đã từng tiếp nhận một ca hóc dị vật (hạt sapoche) suốt 43 năm, nhập viện trong tình trạng xẹp phổi.


An Quý
Ý kiến của bạn