Hà Nội

Khàn tiếng, mất tiếng người đàn ông 59 tuổi bất ngờ được chẩn đoán ung thư thanh quản

15-04-2023 07:45 | Ung thư
google news

SKĐS -Thấy có biểu hiện khàn tiếng, mất tiếng ông B.N. Q 59 tuổi đến viện khám, khi kiểm tra bác sĩ cho biết ông mắc ung thư thanh quản.

Nhiều người nghĩ rằng hút thuốc lá, uống rượu chỉ mắc ung thư phổi, dạ dày nhưng trên thực tế hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư thanh quản cao thứ 2 sau ung thư phổi. Và quan trọng, ngay cả người trong gia đình chưa từng hút thuốc lá cũng có thể mắc căn bệnh quái ác này do thói quen hút thuốc của người thân.

Ung thư thanh quản: Dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và tiên lượngUng thư thanh quản: Dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và tiên lượng

SKĐS- Ung thư thanh quản là loại ung thư phổ biến, chiếm khoảng 2% trong tổng số các loại ung thư. Ở Việt Nam, ung thư thanh quản đứng hàng thứ 3 trong ung thư vùng đầu cổ, bệnh có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.

Hút thuốc lá, uống rượu nguy cơ mắc ung thư thanh quản là rất cao

Theo ThS.BS.CKII. Nguyễn Quốc Dũng - Khoa Phẫu Thuật Đầu Mặt Cổ - Bệnh viện K, cho biết, ông B.N. Q. ở Liên Chiểu - Đà Nẵng mắc ung thư thanh quản, khi khai thác bệnh sử kể rằng, bản thân ông có hút thuốc lá, uống rượu nhiều năm nay. Ở tuổi 59, trước khi nhập bệnh viện K khoảng 5 tháng đột nhiên ông Q thấy khàn tiếng nhiều nên đã đến cơ sở y tế gần nhà thăm khám.

Tại đây ông được chẩn đoán viêm thanh quản và có thuốc uống. Tuy nhiên tình trạng không đỡ nên ông Q. đã đi khám điều trị tại nhiều cơ sở y tế nhưng bệnh tình không khỏi.

Trước khi nhập viện 1 tháng ông Q. thấy khàn tiếng nhiều hơn, mất tiếng nên đã đến viện ung bướu Đà Nẵng để khám. Sau khi được thăm khám và các bác sĩ đã chẩn đoán ông mắc ung thư thanh quản sau đó được chuyển đến Khoa Phẫu Thuật Đầu Mặt Cổ - Bệnh viện K để được điều trị.

Sau khi tiếp nhận các bác sĩ đã đã khám và chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm đánh giá đầy đủ như: siêu âm cổ, ổ bụng, nội soi tai mũi họng, thực quản, dạ dày, xq tim phổi, CT vùng thanh quản, xét nghiệm máu, panendoscope trước phẫu thuật.

Hút thuốc lá, uống rượu người đàn ông 59 tuổi mắc ung thư thanh quản - Ảnh 2.

HÌnh ảnh ung thư thanh quản.

Sau 5 tiếng phẫu thuật các bác sĩ đã cắt thanh quản toàn bộ, nạo vét hạch cổ 2 bên, tạo hình đường thở. Sau mổ ngày thứ 21 bệnh nhân Q. tỉnh táo, khỏe mạnh, vết mổ khô, đường thở thông thoáng, ăn cháo hàng ngày. BS Dũng cho biết.

Đây chỉ là một trong nhiều bệnh nhân ung thư được điều trị tại Khoa Phẫu Thuật Đầu Mặt Cổ- Bệnh viện K bị ung thư thanh quản do dùng rượu và hút thuốc nhiều. Theo BS Dũng, sau phẫu thuật người bệnh ung thư thanh quản còn phải điều trị tiếp và tái khám định kỳ sau mổ 3 - 6 tháng/ lần để theo dõi.

Cũng theo BS Dũng, ung thư thanh quản, là loại ung thư gặp khá phổ biến ở vùng đầu cổ. Chiếm 2 - 3% trong tổng số các ung thư. Đứng vị trí thứ 3 trong các ung thư thường gặp vùng đầu cổ. Bệnh liên quan tới uống rượu và hút thuốc lá. Được biết, khoảng 80 - 90% các ca bệnh ung thư thanh quản mà các bác sĩ điều trị đều có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào. Các nghiên cứu cho thấy, những người hút thuốc từ 20 - trên 20 điếu thuốc/ngày có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 12 - 25 lần so với người không hút thuốc. Nên hút thuốc và uống rượu thì nguy cơ ung thư sẽ cao hơn nhiều.

Nên bỏ các thói quen xấu để tránh ung thư thanh quản

Ung thư thanh quản là bệnh ác tính, chủ yếu thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 45 - 60 tuổi, chiếm khoảng trên 90%. Nhưng hiện độ tuổi mắc bệnh ung thư thanh quản ngày càng được trẻ hóa và phụ nữ cũng mắc bệnh cũng nhiều hơn.

Hút thuốc lá, uống rượu người đàn ông 59 tuổi mắc ung thư thanh quản - Ảnh 3.

ThS.BS.CKII. Nguyễn Quốc Dũng -Khoa Phẫu Thuật Đầu Mặt Cổ - Bệnh viện K trong một ca phẫu thuật

Theo các chuyên gia, các yếu tố nguy cơ của ung thư thanh quản nói riêng cũng tương tự như các yếu tố nguy cơ của ung thư biểu mô vảy vùng đầu cổ nói chung là thường gặp nhiều ở người có thói quen xấu sử dụng thuốc lá, rượu thường xuyên. Ngoài ra yếu tố phơi nhiễm nghề nghiệp như thợ sơn, thợ cơ khí, sản xuất đồ nhựa, tiếp xúc thường xuyên với diesel, khói dầu khí…cũng có nguy cơ mắc phải ung thư thanh quản.

Nhiễm virus u nhú ở người (HPV), Herpes simplex virus (HSV) hay các yếu tố ức chế miễn dịch, di truyền… cũng là yếu tố nguy cơ mắc các bệnh ung thư thanh quản.

Tuy nhiên, nếu ung thư thanh quản được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi là rất cao. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ như: khàn tiếng, mất tiếng, ho, sụt cân bất thường… thì cần tới ngay cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám và điều trị.

Để phòng ung thư thanh quản BS Dũng khuyến cáo, không hút thuốc lá, thuốc lào và tránh tiếp xúc với khói thuốc. Không uống rượu nhiều vì rượu là một yếu tố nguy cơ của ung thư thanh quản nhất là tránh sự kết hợp của việc uống rượu và hút thuốc để có thể ngăn ngừa ung thư thanh quản hiệu quả.

Ngoài ra, cần có một chế độ ăn uống, làm việc khoa học, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ hoặc theo chỉ định của các bác sĩ ở những đối tượng có nguy cơ cao. Nếu có dấu hiệu khàn tiếng kéo dài quá 2 tuần và không có chuyển biến dù đã dùng những thuốc kháng viêm thông thường thì cần đi khám để tìm ra nguyên nhân cũng như cách điều trị phù hợp.

Mời độc giả xem thêm video:

Người phụ nữ 30 tuổi bị ung thư di căn mang trong mình 90 hạch


Khánh Mai
Ý kiến của bạn