Với thế giới, báo cáo của Tổ chức y tế thế giới cho biết, tỷ lệ vô sinh chung là khoảng 6-12%, vô sinh nam là 35%, nữ là 37%, do cả hai vợ chồng chiếm 18%.
Tại Việt Nam, có khoảng 7,7% cặp vợ chồng bị vô sinh. Vô sinh nữ chiếm 40%, nam là 33%, do cả hai vợ chồng chiếm 17%.
Nhu cầu xin noãn và tinh trùng của các cặp vợ chồng vô sinh ngày càng cao. Mỗi năm có khoảng gần 1.000 trường hợp xin noãn và 700 trường hợp xin tinh trùng để thực hiện quy trình thụ tinh trong ống nghiệm tại 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản khắp cả nước. Tuy nhiên, thực tế số lượng người hiến tinh trùng và noãn hiện rất ít. Nguyên nhân một phần do rào cản văn hoá.
Đây là những thông tin của nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia y tế Nguyễn Thị Huyền Linh, Lê Hoài Chương đến từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Nguyễn Thị Phương Liên đến từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Lưu Thị Hồng - Đaị học Y Hà Nội được đưa ra tại Hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp được tổ chức tại Hà Nội mới đây
Đại diện của nhóm nghiên cứu, PGS.TS Lê Hoài Chương- Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, hiện nay 23 Trung tâm Hỗ trợ sinh sản trên cả nước đã tiếp nhận hiến nhận noãn thì vẫn còn 2 trung tâm chưa tiếp nhận bệnh nhân hiến tinh trùng, đó là Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa và Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng do chưa xây dựng được quy trình cho nhận tinh trùng. Hiện bệnh viện chỉ triển khai đông tinh, đông phôi của chính khách hàng đến điều trị tại bệnh viện.
Số lượng người hiến tinh trùng tại 21 trung tâm theo báo cáo thống kê là 518 ca, còn hiến noãn là gần 600 ca. Đại đa số các trung tâm Hỗ trợ sinh sản tuy có ngân hàng tinh trùng nhưng số lượng mẫu rất hạn chế. Có những trung tâm chỉ có 1-3 mẫu gửi ngân hàng để phục vụ tráo đổi mẫu
Một mẫu tinh trùng chỉ được sử dụng sau 2 vòng xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm
Việc tráo mẫu này được hiểu cụ thể là cặp vợ chồng/người có nhu cầu thụ tinh trong ống nghiệm đến xin tinh trùng thì phải mang một mẫu đủ tiêu chuẩn khác đến tặng cho ngân hàng. Các bác sĩ cho rằng hệ quả của việc một người cho noãn, tinh trùng nhiều lần rất nghiêm trọng. Hầu hết các nước trên thế giới đều có luật để hạn chế số trẻ em sinh ra từ một người hiến tinh trùng.
Tại Việt Nam, Nghị định 10/2015 của Chính phủ quy định “tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được huỷ hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học”
Theo yêu cầu của Nghị định, mỗi người chỉ được hiến tặng tinh trùng một lần cho một người nhưng trên nhu cầu thực tế mỗi năm có đến 1.000 người có nhu cầu xin tinh trùng trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản, do đó có thể sinh thực trạng một người có thể đã đến hiến tinh trùng nhiều lần tại nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản khác nhau.
Hiện, chỉ có 9/23 trung tâm có phần mềm nhận diện trùng lặp, nhằm đảm bảo tinh trùng, noãn hiến tặng chỉ được sử dụng cho một người, nếu không thành công mới chuyển cho người khác.
7 trung tâm đã sử dụng các thông tin người hiến, vân tay... để từ chối những nười hiến nhiều lần, nhưng việc này chỉ có thể thực hiện được tại trung tâm có phần mềm nhận diện trùng lặp, không sàng lọc được ở các trung tâm chưa sử dụng phần mềm. Hiện nay 100% các trung tâm chỉ quản lý thông tin tại đơn vị mình mà không chia sẻ cho đơn vị khác. Do đó, nghiên cứu này cho rằng nếu trung tâm hỗ trợ sinh sản này từ chối, thì người hiến có thể đến trung tâm hỗ trợ sinh sản khác để hiến tặng.
23/23 trung tâm hỗ trợ sinh sản cũng đề xuất cần xây dựng một phần mềm thống nhất trong quản lý chung, chia sẻ được thông tin nhằm tránh tình trạng người hiến tặng nhiều lần.
Tỷ lệ nam giới vô sinh không có tinh trùng chiếm khoảng 2% quần thể nam giới trong đó chỉ có một số điều trị được, còn lại bắt buộc phải xin mẫu tinh trùng như trường hợp không có tinh trùng, tinh trùng bất thường nặng, bất thường về gen…
Nhu cầu nhiều trong khi nguồn mẫu hiến thiếu nên đôi khi xảy ra nhiều vấn đề phức tạp như mua bán tinh trùng, mặc dù chúng ta có những quy định rõ trong việc hiến nhận mẫu tinh trùng.