Nước ta được xem là nơi có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú với khoảng 4.000 loại thực vật được dùng làm thuốc, tuy nhiên, trên thực tế, nguồn dược liệu vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và chủ yếu dựa vào nhập khẩu...
Bấp bênh với dược liệu
Lương y Trần Thu Thủy ở TP. Hải Dương mở phòng chẩn trị y học cổ truyền khoảng 6 năm nay, chuyên điều trị bệnh ngoài da. Những năm gần đây, chị Thủy luôn tích trữ đủ loại dược liệu chật kín cả 3 tầng căn nhà rộng gần 200m2. Lương y Trần Thu Thủy cho biết, thuốc Nam chiếm khoảng 60 - 70% thành phần thuốc nhưng nguồn hàng chủ yếu ở tỉnh ngoài nên chị thường mua nhiều để tích trữ, đề phòng giá cả tăng cao. Thuốc Bắc phụ thuộc hoàn toàn từ các nguồn hàng của Trung Quốc, giá cả cũng bấp bênh. Theo Hội Đông y tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 490 hội viên khám, chữa bệnh và 241 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Năm 2012, các lương y đã khám, chữa bệnh cho hơn 1,4 triệu lượt người, tiêu thụ gần 1.000 tấn dược liệu. Ông Nguyễn Quang Phái, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hải Dương cho biết, nhu cầu sử dụng dược liệu rất lớn. Trong khi đó, hầu hết nguồn dược liệu đang sử dụng chủ yếu có xuất xứ từ tỉnh ngoài và mang từ Trung Quốc sang. Đặc biệt, một số dược liệu Trung Quốc khi sang Việt Nam chỉ bảo đảm khoảng 50% chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác điều trị. Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn dược liệu, một số lương y đã bắt tay trồng cây thuốc theo nhu cầu sử dụng trong điều trị. Hợp tác xã Thuốc Nam Đại Nam do lương y Tăng Văn Đang ở huyện Gia Lộc, Hải Dương là một ví dụ. Lương y Tăng Văn Đang cho biết: HTX đã trồng một số dược liệu phổ biến như kim tiền thảo, nhân trần... HTX đã liên hệ với một số đầu mối thu mua và các phòng chẩn trị để bán dược liệu. Giá thu mua mỗi sào lên tới 7 - 8 triệu đồng, gấp 4 - 5 lần cấy lúa vào thời điểm đó. Tuy nhiên, đến năm 2012, do giá dược liệu hạ nên các gia đình không trồng nữa, HTX Đại Nam hiện cũng ngừng hoạt động. Chỉ còn lương y Tăng Văn Đang vẫn duy trì trồng cây thuốc Nam trên gần 2.000m2. Trong đó, nhiều diện tích trồng do ông tận dụng ở các khu vực ven đê, cạnh đường. Do diện tích hạn hẹp nên lương y Tăng Văn Đang hiện chỉ trồng một số dược liệu quý như khổ sâm, bồ công anh, khôi trắng, dạ cẩm. Diện tích đó cũng chỉ đủ đáp ứng khoảng 60% thuốc điều trị tại phòng chẩn trị của ông, 40% số thuốc vẫn phải mua ngoài.
Người dân thu hái dược liệu.
Quy hoạch và sự tham gia của doanh nghiệp
Tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ban tặng cho những sản vật tự nhiên vô cùng quý giá, hiếm nơi nào có được. Sâm Ngọc Linh, cốt toái bổ, sâm dây... và nhiều loại dược thảo quý chưa biết hết. Tuy nhiên, chính sự khai thác bừa bãi, thiếu kiểm soát và quản lý mà nhiều sản vật quý ở rừng Kon Tum đã dần biến mất theo thời gian... Hết sâm Ngọc Linh tự nhiên, bây giờ trên rừng huyện Kon Plông, Kon Tum lại rộ lên chuyện khai thác vô tội vạ những sản vật quý như cây thuốc cốt toái bổ, sâm dây, sơn tra... Đáng buồn nữa là gần đây, người dân địa phương lại đổ xô vào rừng tìm cây kim cương (lan gấm), để bán cho các thương lái từ dưới xuôi lên. Giá bán 1 triệu đồng/kg kim cương tươi nên nhiều người dân say mê vào rừng tìm kiếm.
Phát triển cây dược liệu là hướng đi mới của nhiều tỉnh, thành nhằm tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên và thổ nhưỡng, cũng là mục tiêu quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân, đặc biệt là các dân tộc vùng cao, biên giới. Theo TS. Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền - Bộ Y tế, để có nguồn dược liệu ổn định cung cấp cho thị trường trong nước, nên quy hoạch vùng trồng dược liệu để xây dựng các vùng chuyên canh trồng dược liệu quy mô lớn nhằm cung cấp dược liệu sạch, có tính ổn định cho các nhà máy chế biến dược liệu và bào chế Đông dược. Bên cạnh đó, Nhà nước nên thúc đẩy xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng vùng trồng dược liệu sạch đạt tiêu chuẩn GACP - WHO. Qua đó, xây dựng một số trung tâm bán buôn, bán lẻ dược liệu, vị thuốc Đông y đạt tiêu chuẩn trên toàn quốc.
Minh Hạnh - Võ Quang