Thỉnh thoảng tôi bị mất tiếng, nhất là mỗi khi uống nước lạnh và phải nói nhiều thì tôi lại bị khản cổ và mất tiếng. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi đối phó với chứng bệnh này.
Nguyễn Hồng Thắm (Hòa Bình)
Đúng như bạn nói, mất tiếng và khản cổ thường xảy ra sau khi nói nhiều, nhất là phải nói to, hoặc hò hát, sau khi uống nước lạnh, ăn kem, hút thuốc lá, uống rượu, bị viêm họng, viêm amidan, tiếp xúc với khói, bụi. Tiếng nói được phát ra khi có luồng không khí từ phổi đi lên làm rung động các dây thanh âm ở thanh quản. Khi bạn phát âm, dây thanh khép kín và biến đổi dày, mỏng, căng, chùng theo âm tiết.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Mất tiếng hay khản cổ xảy ra khi rung động của dây thanh không đều, hoặc do hai dây thanh bị phù nề khép không kín khi phát âm. Một số trường hợp làm tổn thương đến dây thanh âm như: viêm thanh quản cấp, hoặc viêm mạn tính làm cho dây thanh âm dày và cứng kém rung động; xơ hoá dây thanh âm; polýp thanh quản... Bạn có thể phòng tránh mất tiếng và khản cổ bằng cách: tránh nói to, nói nhiều để thanh quản được nghỉ ngơi. Bạn cũng cần tránh các thức ăn chua, cay, nước đá lạnh và tránh uống rượu.
Việc chữa bệnh tùy theo nguyên nhân: nếu viêm thanh quản cần dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm phù nề. Phẫu thuật cắt bỏ polýp, u xơ dây thanh. Bạn nên đi khám ở khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị đúng.
BS. Nguyễn Minh Hiền