Chưa tìm thấy 9 thuyền viên tàu NA95899 bị chìm
Liên quan đến tình hình tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 28.641 phương tiện/ 103.267 người; 3.526 lồng bè, lều, chòi canh/ 4.654 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Trong đó: Đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: 7.886 tàu/39.738 người. Neo đậu tại các bến: 20.755 tàu/63.529 người. Có 3.526 lồng bè, lều, chòi canh/ 4.654 người (Quảng Ninh: 2.502 lồng bè/ 3.417 người; Nam Định: 1.024 lều/ 1.237 người). Các tỉnh, TP ven biển khác vẫn đang tiếp tục thống kê.
Theo đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đến sáng nay (2/7), các lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy 9 thuyền viên tàu NA95899 bị chìm vào ngày 28/6. Đối với tàu NA90999 bị gãy bánh lái, dự kiến sáng nay (2/7) sẽ được lai dắt về cảng Lạch Quèn.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết trước diễn biến phức tạp của ATNĐ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện số 05/CĐ-TW ngày 01/7/2019 chỉ đạo Bộ ngành địa phương ứng phó với ATNĐ và mưa lớn, tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai Cao Bằng, Lạng Sơn (27-28/6), Hà Giang, Tuyên Quang (01-03/7).
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp chỉ đạo ứng phó với ATNĐ.
Ông Trần Quang Hoài yêu cầu tăng cường công tác thông tin tới chính quyền và người dân đặc biệt khu vực miền núi, khu vực vùng sâu vùng xa, khu du lịch, biển và hải đảo. Trong ngày 02/7, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ cử đoàn công tác kiểm tra hệ thống đê biển đê sông ở khu vực bị ảnh hưởng.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, thực hiện nghiêm công điện số 05/CĐ-TW của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, tăng cường công tác trực ban theo dõi diễn biến tình hình để có ứng phó kịp thời; Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo chính xác về diễn biến bão và thông tin dự báo cảnh báo tới các địa phương, đặc biệt đối với khu vực miền núi phía Bắc có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cần có các thông tin cảnh báo 72h, 48h, 24h tới cấp huyện.
Đảm bảo công tác an toàn tàu thuyền, lồng bè đặc biệt tại khu vực neo đậu, tránh trú an toàn, khu nuôi trồng thủy hải sản, các khu du lịch; có phương án đảm bảo công tác tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong trường hợp mưa lớn cực đoan; có giải pháp kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê điều và công trình thủy lợi đặc biệt các công trình đang thi công; Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ với các nước trong khu vực hỗ trợ cho ngư dân tránh trú an toàn trong tình huống khẩn cấp.
Các hồ chứa thủy điện ở miền Bắc hiện đang có dung tích phòng lũ cao
Theo Ban Chỉ đạo, tính đến 7h sáng nay, mực nước tại các hồ chứa thủy điện lớn ở phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, Huội Quảng, Bản Chát đang ở mức thấp nên có dung tích phòng lũ rất cao.
Các hồ chứa này đang vận hành bình thường theo đúng quy trình. Cùng với đó, lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Đà về hồ chứa giảm dần từ 686 m3/s lúc 12h ngày 1/7, xuống còn 128 m3/s vào lúc 7h ngày 2/7.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị liên quan tính toán hồ chứa, vận hành xả lũ đảm bảo an toàn hồ đập, công trình, hạ du và chủ động phương án ứng phó phù hợp.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập. Khẩn trương hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công.
Đường đi và vị trí cơn bão.
Ngành công an, điện lực khẩn trương đối phó với bão
Bộ Công an vừa có công điện chủ động ứng phó với diễn biến áp thấp trên biển Đông và mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, đề nghị Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với diễn biến của áp thấp trên biển Đông và mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Rà soát phương án ứng phó với thiên tai để thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp và mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho nhân dân và công tác triển khai ứng phó trong lực lượng Công an nhân dân.
Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu; kiểm tra, rà soát nơi ở không an toàn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn đảm bảo an ninh, trật tự.
Bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Văn phòng Bộ Công an (SĐT: 0913.555.323, 069.2341041; Fax: 069.2341044).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng vừa có Công điện hỏa tốc số 3427/EVN-AT ngày 2/7/2019 gửi các đơn vị trực thuộc về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh lên thành bão và có diễn biến phức tạp.
Đến 01 giờ ngày 03/7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên bờ phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Đến 01 giờ ngày 04/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.