Hà Nội

Khẩn cấp ứng phó nguy cơ dịch chồng dịch

17-02-2014 07:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Cùng với dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang có nguy cơ lan rộng trong nước, dịch cúm A/H7N9 ngoài biên giới cũng đang diễn biến hết sức phức tạp có thể tràn vào nước ta, thì dịch sởi cũng đang có chiều hướng gia tăng với gần 1.000 ca mắc từ đầu năm 2014 đến nay

Cùng với dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang có nguy cơ lan rộng trong nước, dịch cúm A/H7N9 ngoài biên giới cũng đang diễn biến hết sức phức tạp có thể tràn vào nước ta, thì dịch sởi cũng đang có chiều hướng gia tăng với gần 1.000 ca mắc từ đầu năm 2014 đến nay. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virut cúm gia cầm lây sang người. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sởi tại 4 điểm cầu.

Ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan các chủng virut cúm gia cầm nguy hiểm

Trước nguy cơ lây lan phức tạp của các chủng virut cúm gia cầm, tiếp theo Công điện số 133/CĐ-TTg đã ký ban hành trước đó 1 tháng, ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ký Công điện số 200/CĐ-TTg gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virut cúm gia cầm lây sang người.

Công điện nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virut cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía Bắc triển khai thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virut A/H7N9 và các chủng virut cúm gia cầm khác vào Việt Nam.

Chủ động ngừa dịch cúm gia cầm bằng phun thuốc.

Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan chức năng phải tăng cường lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện virut cúm A/H7N9 và các chủng virut khác trên gia cầm nhập lậu, tại các chợ buôn bán gia cầm sống nhằm phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời. Những trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm.

Liên quan đến dịch cúm gia cầm, ngày 14/2, Cục Y tế dự phòng cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo đối với khách du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A/H7N9 không nên đi đến khu vực giết mổ gia cầm; tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm; thường xuyên rửa tay với xà phòng, tuân thủ ATTP và thực hành vệ sinh tốt. Đối với người có biểu hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm, cần nghĩ nguyên nhân do cúm A/H7N9 và phải được khám, chẩn đoán để xác định...

 

Bộ Y tế Malaysia vừa xác nhận trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên tại nước này, bệnh nhân nữ 67 tuổi, là khách du lịch đến từ Trung Quốc và sống tại tỉnh Quảng Đông.

 

Cả nước đã có gần 1.000 ca mắc bệnh sởi

Báo cáo tại cuộc họp gồm 4 điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Cục Y tế dự phòng cho biết, trong năm 2013, cả nước có 1.048 ca sởi rải rác tại các tỉnh, thành phố và không có ca nào tử vong; đỉnh dịch vào tháng 5, 7 và 11. Nhưng chỉ từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 993 ca mắc sởi tại 24 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong: tại Hà Nội (1 trường hợp), Yên Bái (2 trường hợp); số mắc tập trung tại các địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi do chưa đến tuổi tiêm chủng, chưa được tiêm vaccin sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi trong những năm trước đây. Đặc biệt, đợt dịch này đã xuất hiện nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng) mắc bệnh.

Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, trước tình hình dịch sởi hiện nay, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực có diễn biến dịch rộng và phức tạp, tiêm vaccin sởi là một trong những biện pháp có hiệu quả trong phòng bệnh sởi, tuy nhiên cũng như các loại vaccin khác chỉ có khoảng 85% trẻ tiêm vaccin sởi lúc 9 tháng tuổi được bảo vệ phòng bệnh sởi. Với tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cho trẻ 9 tháng tuổi đạt khoảng 90%, thì có khoảng 76% số trẻ sinh ra hằng năm được bảo vệ. Số trẻ còn lại (24%) nếu không được tiêm chủng mũi 2 vaccin sởi lúc 18 tháng tuổi sẽ tích lũy và có khả năng gây dịch nếu có virut xâm nhập... nên cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả trong thời gian tới. Cũng theo Thứ trưởng Long, nguy cơ gia tăng bệnh dịch sởi một phần do tỷ lệ tiêm vaccin sởi giảm, bởi thời gian qua người dân quá lo sợ về phản ứng sau tiêm vaccin Quinvaxem nên nhiều cha mẹ ngại không cho con đi tiêm chủng phòng bệnh. Để khống chế dịch sởi trong thời gian ngắn nhất, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, các cơ sở y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch sởi; xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ ban hành. Triển khai kế hoạch tiêm vaccin sởi cho các đối tượng chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccin sởi trên phạm vi toàn quốc và tiêm vaccin sởi chống dịch tại những vùng có dịch, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, vaccin sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch sởi...

Thái Bình


Ý kiến của bạn