Hà Nội

Khẩn cấp đối phó bão số 9

28-10-2020 08:32 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo dự báo, tâm bão số 9 ở ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16. Đất liền ven biển các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có gió mạnh cấp 11-12. Để chủ động ứng phó với các tình huống xấu do mưa bão gây nên, đến đêm ngày 27/10, người dân ở các vị trí nguy cơ không an toàn đã được sơ tán. Ngành y tế cùng các lực lượng đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.

Trên biển và đất liền đều khẩn trương

Đến đêm 27/10, toàn bộ người dân trên các vùng biển, người nuôi trồng thủy hải sản, bè kinh doanh du lịch ở Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa đã đến nơi trú tránh an toàn. Các thông tin về diễn biến thời tiết nguy hiểm được thông báo liên tục đến các chủ tàu thuyền, khu dân cư, khu sơ tán.

Đặc biệt, ở những nơi nguy hiểm, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ túc trực 24/24. Tại Thị xã Sông Cầu (Phú Yên), nơi được dự báo bão số 9 ảnh hưởng nhiều nhất đã tiến hành sơ tán lên đến 10.000 hộ dân với hơn 40.000 nhân khẩu về các nơi tránh trú an toàn. Phú Yên có 130 tàu cá/821 lao động đang hoạt động trên các vùng biển đã được đưa đến nơi an toàn.

Tại tỉnh Định Định, đến chiều tối ngày 27/10 cũng đã sơ tán người dân ở vùng xung yếu, nguy hiểm. Cụ thể, TP Quy Nhơn có 1.075 hộ/3.932 nhân khẩu; An Nhơn 288 hộ/605 nhân khẩu; Hoài Nhơn 1.079 hộ /3.192 nhân khẩu; Tuy Phước 350 hộ/1.480 nhân khẩu; Phù Cát 250 hộ/1.220 nhân khẩu; Phù Mỹ 112 hộ/1.504 nhân khẩu; Hoài Ân 97 hộ/300 nhân khẩu; An Lão 970 hộ/3.423 nhân khẩu; Tây Sơn 100 hộ/320 nhân khẩu; Vĩnh Thạnh 50 hộ/170 nhân khẩu; Vân Canh 30 hộ/100 nhân khẩu.

Người dân trên biển đã được sơ tán đến nơi an toàn

Để hạn chế các thiệt hại người và của, không bị động trước diễn biến xấu của thời tiết, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận cũng yêu cầu các lực lượng, cơ quan phải dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo kịp thời đến từng người dân. Triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn đê điều, công trình hồ đập, nhất là các hồ xung yếu. Phải có phương án bảo đảm an toàn công trình và an toàn của người dân ở khu vực hạ du hồ chứa. Thông báo kịp thời cho người dân biết trước khi vận hành xả lũ, tăng lưu lượng xả lũ theo quy định.

Ngành y tế các địa phương chuẩn bị sẵn sàng

Tàu, thuyền cũng đã đến nơi trú ẩn an toàn

Cùng với chính quyền, lực lượng phòng, chống lụt bão thì ngành y tế các địa phương được dự báo ảnh hưởng của bão số 9 cũng đã sẵn sàng theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão, mưa, lũ; phát huy phương châm bốn tại chỗ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão, mưa, lũ gây ra; triển khai các phương án bảo vệ cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, trang thiết bị y tế.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố thuộc Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đã khẩn trương tổ chức rà soát cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng chống bão lụt, phòng chống dịch; đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất xử lý nước, xử lý môi trường cho các trạm y tế; chỉ đạo cung ứng viên khử khuẩn nước cho người dân vùng có nguy cơ ngập lụt để xử lý nước sinh hoạt trong thời gian ngập lụt; chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh trong, sau mưa, lũ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh Nam Trung Bộ đến tối 27/10 đã chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động trực ban, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do bão, mưa, lũ gây ra.


Bài, ảnh: Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn