Hà Nội

Khẩn cấp chủ động triển khai các biện pháp chống bão số 3

05-09-2024 17:28 | Xã hội
google news

SKĐS - Các địa phương ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đang gấp rút triển khai công tác ứng phó với bão số 3, dự kiến tác động từ đêm mai. Cần khẩn cấp di dời người dân vùng bão đổ bộ đến các điểm tránh trú an toàn.

Chi tiết những điểm mưa lớn nhất khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền nước taChi tiết những điểm mưa lớn nhất khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền nước ta

SKĐS - Hàng trăm huyện, thị xã đối mặt với nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở khi bão số 3 đổ bộ. Các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm.

Bão số 3 có rủi ro thiên tai rất lớn

Chiều 5/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ban, ngành và trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố để triển khai ứng phó với siêu bão Yagi (bão số 3).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 17. Đây là cơn bão có mức độ rủi ro thiên tai lớn và diễn biến rất phức tạp. Bão tăng cấp rất nhanh, gặp nhiều điều kiện thuận lợi như nhiệt độ nước biển cao, khả năng gây thiệt hại rất lớn.

Khẩn cấp chủ động triển khai các biện pháp chống bão số 3- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan trong thực hiện tốt khâu dự báo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác dự báo, đưa ra các thông tin cảnh báo gần gũi để người dân dễ dàng hình dung đúng về mức độ của cơn bão. Duy trì công tác dự báo thường xuyên, trao đổi thông tin với các cơ quan dự báo quốc tế để có những thông tin cập nhật mới nhất. Đi đôi với dự báo bão là dự báo hải văn và thủy triều.

"Ngôn ngữ dự báo mang tính chuyên môn, nhưng ngôn ngữ để người dân hiểu đúng về mức độ nguy hiểm của cơn bão thì phải được làm tốt hơn nữa. Cần công khai thông tin kịp thời nhất vào bất cứ thời gian nào để người dân chủ động phòng ngừa. Công tác dự báo và thông tin phải đi liền với nhau. Phương châm là phải chủ động phòng ngừa. Nếu chủ quan thì chúng ta sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn do vậy phải thực hiện chống bão với tinh thần không hối tiếc", Phó Thủ tướng nói.

Khẩn cấp chủ động triển khai các biện pháp chống bão số 3- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo chiều ngày 5/9 về công tác ứng phó với bão số 3.

Kinh nghiệm chống bão là phải có sự phân công tốt, kiểm tra sát sao. Mỗi lực lượng, tổ chức, cấp lãnh đạo phải làm tốt nghiệm vụ của mình, phải thực hiện thật nghiêm. Từ chiều mai (6/9), bão sẽ vào Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến đất liền. Vùng hoàn lưu của bão rất lớn, Phó Thủ tướng chỉ đạo không chỉ quan tâm khi bão đổ bộ mà còn phải tính đến sau bão.

Phó Thủ tướng lưu ý, hoàn lưu sau bão gây mưa rất lớn là giai đoạn rất nguy hiểm, các vấn đề lũ ống, lũ quét, ngập úng... cần phải tính toán đến. Cần đưa ra các dự báo lượng mưa, thủy văn. Nếu cộng hưởng giữa mưa lớn và nước lũ dâng cao thì rất nguy hiểm. Cơ quan khí tượng cần có cập nhật thường xuyên về lũ ống, lũ quét và sạt lở để người dân nắm được.

"Các địa phương cần di dời và vận động thuyết phục người dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Cần thiết thì cưỡng chế di dời đặc biệt là khách du lịch để đảm bảo an toàn. Chỉ có phòng ngừa mới tránh được tổn thất do bão gây ra", Phó Thủ trướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho hay từ nay đến khi bão đổ bộ chỉ còn 24 giờ để chuẩn bị. Do vậy chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng ngừa rủi ro để không hối tiếc.

"Với cường độ bão và gió giật như vậy, tôi rất lo lắng. Nếu không có phương án kỹ lưỡng thì chúng ta sẽ thiệt hại rất nhiều. Chúng ta phải đặt ra các tình huống, kịch bản từ bây giờ, không chờ công điện nữa mà các địa phương cần chủ động. Hi vọng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, chúng ta sẽ vượt qua bão số 3 an toàn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Hoan cũng cho hay, trong ngày mai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra về các tỉnh kiểm tra các nơi xung yếu, đơn cử như Quảng Ninh có nhiều hầm lò khai thác than, dễ bị ảnh hưởng từ các trận mưa kéo dài.

Hoàn lưu bão số 3 rất rộng, người dân nên ở trong nhà từ sáng thứ 7

Theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự báo bán kính hoàn lưu của bão số 3 rất rộng. Các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9, Ninh Bình cấm biển từ 13h hôm nay. Còn 2.231 du khách du lịch trên các đảo (Quảng Ninh 154 người, Hải Phòng 2.077 người) đã nhận được thông tin về bão và chủ động phương án ứng phó.

Về công tác phòng chống bão số 3, ông Phạm Đức Luận cho hay, các tuyến biển, đảo, cần tập trung kiên quyết kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão.

Kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân). Tổ chức sắp xếp tàu thuyền, có biện pháp tránh va đập, hư hỏng, đứt dây neo, chìm tại nơi neo đậu, nhất là trên các đảo.

"Hiện nay, một số người dân vẫn chủ quan, cố tình ở lại bảo vệ tài sản. Trong cơn bão trước, tôi đi thực tế phát hiện đúng lúc cơn bão đổ bộ thì vẫn có người dưới thuyền. Lúc đó, chúng tôi đã yêu cầu cưỡng chế đưa lên bờ. Với cơn bão này, nếu cố tình ở dưới thuyền thì sẽ bị lật, chìm ở ngay nơi neo đậu", ông Luận nói.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển, ông Luận yêu cầu di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố, có thể bị sập đổ khi bão đổ bộ, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; tùy theo tình hình thực tế có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với cường độ mạnh hơn thiết kế...

Về thời điểm bão đổ bộ từ ngày 7/9, ông Luận khuyến cáo, từ sáng thứ 7 người dân nên ở nhà vì theo dự báo bán kính hoàn lưu của bão rất rộng. Ngoài ảnh hưởng của bão còn có thể có dông lốc xảy ra trong khi hiện nay người dân sử dụng mái tôn, biển quảng cáo rất nhiều, cây xanh cũng có nguy cơ đổ gãy cao.

Đối với miền núi phía Bắc, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên lưu ý, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức khơi thông dòng chảy, các vị trí nguy cơ bị tắc nghẽn. Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Bão số 3 có thể là cơn bão tăng tốc nhanh nhất lịch sử ở Biển ĐôngBão số 3 có thể là cơn bão tăng tốc nhanh nhất lịch sử ở Biển Đông

SKĐS - Bão số 3 vẫn không ngừng tăng tốc. Từ cường độ mạnh cấp 8 khi vào Biển Đông, chỉ sau hơn một ngày bão tăng 5 cấp với cường độ mạnh lên cấp 13. Tối nay (5/9), bão có thể đạt mức siêu bão với vận tốc trên 200km/h.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bão số 3 có thể là cơn bão tăng tốc nhanh nhất lịch sử ở Biển Đông, đêm 6/9 vào vịnh Bắc Bộ | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn