Cảnh báo mưa rất lớn khi hai khối khí nóng và lạnh giao tranh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (9/5), bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống phía Nam.
Trong ngày và đêm 10/5, ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 100mm. Từ chiều và đêm 10/5, ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ 30-70mm, có nơi trên 150mm.
Từ chiều 10/5 đến sáng ngày 11/5, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ 30-70mm, có nơi trên 150mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>80mm/6h).

Nhiều khu vực đón mưa rất lớn từ ngày 10/5.
Ngoài ra, chiều tối và đêm 9/5 ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm. Từ ngày 11/5 mưa lớn trên các khu vực có xu hướng giảm dần. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị, công nghiệp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
TS Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nguyên nhân của đợt mưa này là sự tương tác giữa khối không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống với khối không khí nóng và ẩm đang bao phủ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Sự giao tranh mạnh mẽ giữa hai khối khí trái ngược này khiến tình trạng thời tiết trở nên bất ổn và dễ phát sinh các hiện tượng cực đoan. Mưa dông kèm theo lốc xoáy, sấm sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra bất ngờ, đặc biệt trong chiều tối và đêm. Mưa to có thể gây ngập úng cục bộ ở các khu đô thị, lũ quét, sạt lở ở các khu vực vùng núi.
Dự báo cho thấy từ ngày 11/5, mưa sẽ giảm dần. Tuy nhiên, chỉ trong vòng khoảng 36–48 giờ trước đó, lượng mưa dồn dập và diện mưa rộng có thể gây ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Một điểm tích cực là đợt mưa này sẽ chấm dứt tình trạng nắng nóng và oi bức kéo dài ở miền Bắc trong những ngày qua. Tuy nhiên, đi kèm với đó là hàng loạt rủi ro mà người dân cần hết sức cảnh giác.
Cơ quan khí tượng cảnh báo tác động và khuyến nghị phòng tránh khi có mưa lớn:
Đối với người dân: Tránh ra ngoài trời trong thời điểm có dông, sét. Đặc biệt lưu ý không trú mưa dưới gốc cây, gần cột điện hoặc các vật dụng kim loại. Gia cố nhà cửa, mái tôn, biển quảng cáo đề phòng gió giật mạnh. Chủ động kê cao đồ đạc tại các vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng.
Đối với giao thông: Các tuyến đường miền núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đá lăn do mưa lớn liên tục. Ngập úng đô thị có thể xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vinh… gây ách tắc và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Người điều khiển phương tiện nên hạn chế đi lại trong thời điểm có dông lốc hoặc mưa to kéo dài.
Đối với sản xuất nông nghiệp: Diễn biến mưa lớn đột ngột có thể làm dập nát hoa màu, ngập úng lúa. Người dân cần kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước ruộng, ao hồ nuôi trồng thủy sản để giảm thiểu thiệt hại.
Khẩn trương triển khai sớm các biện pháp ứng phó thiên tai
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2025.
Năm 2024, thiên tai ở nước ta xảy ra rất khốc liệt, cực đoan với nhiều loại hình trên khắp các vùng miền trong cả nước gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân. Đặc biệt, bão số 3 (Yagi), cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và 70 năm qua trên đất liền có cường độ mạnh, sức tàn phá rất lớn.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương triển khai sớm các biện pháp ứng phó thiên tai.
Theo nhận định tình hình thiên tai, thời tiết năm 2025 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 7, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực biển Đông; tổng lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.
Để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi năm 2025, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai
Tổ chức tổng kết, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn (nhất là công tác ứng phó với bão Yagi và mưa lũ sau bão); kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng trên địa bàn theo phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành".
Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình (nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu, những sự cố công trình xảy ra trong bão, lũ năm 2024 nhưng chưa được sửa chữa, khắc phục) theo phương châm "4 tại chỗ"; hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê, bảo vệ công trình theo phương án được duyệt.
Rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, hạ lưu các tràn xả lũ có nguy cơ xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện di dời ngay, địa phương phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn.
Tăng cường theo dõi, cập nhật dự báo khí tượng thủy văn và áp dụng các công nghệ tiên tiến hỗ trợ điều tiết hồ chứa thủy lợi, phục vụ chỉ đạo, vận hành bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du; Thực hiện nghiêm chế độ quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng và tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn.