Ngày 5/11/2021, Bộ Y tế có văn bản số 9439/BYT-DP về việc bảo đảm an toàn tiêm chủng gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Văn bản của Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai công tác tiêm chủng (tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19) đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương, một số cơ sở tiêm chủng chưa thực hiện nghiêm các hướng dẫn trong tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng như trong tiêm chủng thường xuyên dẫn đến một số sai sót đáng tiếc xảy ra.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng; Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị triển khai các nội dung sau. Cụ thể,
Thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine; tuân thủ đầy đủ các quy trình tiêm chủng: Trước tiêm (khám sàng lọc và tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, thông báo về loại vaccine sẽ tiêm chủng...);
Trong quá trình tiêm (thực hiện tiêm đúng chỉ định, đúng liều, đúng đường dùng, kiểm tra vaccine, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng; cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vaccine trước khi tiêm chủng…);
Sau khi tiêm (theo dõi phản ứng sau tiêm, bảo quản vaccine, vật tư tiêm chủng chưa sử dụng theo qui định; xử lý chất thải y tế sau tiêm…) theo qui định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ, tại Thông tư 34/2018/TT-BYT của Bộ Y tế qui định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP, Quyết định số 3588/QĐ-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và các qui định, hướng dẫn khác của Bộ Y tế.
Lập kế hoạch tiêm chủng thường xuyên và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đảm bảo phù hợp, rõ ràng, tránh chồng chéo; bố trí nhân lực, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng cán bộ trong buổi tiêm chủng và các điểm tiêm chủng, thời gian tiêm chủng phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các địa phương cũng cần tiếp tục tăng cường truyền thông về lợi ích tiêm chủng phòng bệnh trên các phương tiện thông tin và sự cần thiết tiêm chủng để phòng các bệnh truyền nhiễm khác ngoài dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay; khuyến cáo người dân đưa con em đi tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời tiếp tục cập nhật thông tin và nhập mới, nhập hồi cứu đối tượng tiêm chủng hàng ngày lên Hệ thống tiêm chủng vaccine COVID-19 theo đúng tiến độ tiêm chủng của địa phương.
Tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ triển khai các hoạt tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình tổ chức tiêm chủng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra vi phạm.
Tính đến hết ngày 5/11, cả nước đã tiêm được 86.438.153 liều vaccine phòng COVID-19, đã có 32,5 triệu người tiêm 1 liều và 26,9 triệu người tiêm đủ 2 liều.
Trên cả nước, tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine là 81,2% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vaccine là 37,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.
13/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên là: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương.
Có 11/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An (94,8%), Quảng Ninh (86,8%), TP HCM (80,1%), Khánh Hòa (84,5%), Đồng Nai (74,5%), Lạng Sơn (71,1%), Bình Dương (67,6%), Hà Nội (65,7%), Bắc Ninh (56,9%), Hà Nam (52,2%) và Ninh Bình (51,2%).
Có 5/63 tỉnh còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine dưới 50% dân số từ 18 tuổi trở lên là Sơn La (42%), Nghệ An (43,6%), Thanh Hóa (45,4%), Nam Định (46,9%), Cao Bằng (48,7%).