Hà Nội

Khám và tư vấn miễn phí về suy giãn tĩnh mạch chân

23-07-2016 09:17 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Nếu không nhanh chóng phát hiện điều trị đúng cách, bệnh sũy giãn tĩnh mạch dễ tiến triển đến giai đoạn nặng, có thể gây ra biến chứng như hình thành các cục máu đông, gây thuyên tắc phổi dẫn đến tử vong.

Ở Việt Nam, bệnh suy giãn tĩnh mạch rất thường gặp nhưng chưa thực sự có được sự chú ý của bệnh nhân. Cho đến nay, chưa có một thống kê đầy đủ về loại bệnh này. Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia y tế bệnh sẽ gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống...

Ở các nước tiên tiến như: Pháp, Mỹ…, bệnh lý tĩnh mạch có một ý nghĩa y tế - xã hội khá quan trọng vì bệnh rất thường gặp. Theo các thống kê ở Pháp, bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chiếm đến 1% ở nam giới và 4,5% nữ giới ở tuổi trưởng thành, trong đó có hơn 70% là nữ và khoảng 35% ở những người đang làm việc. Đối với người trên 50 tuổi thì có đến 75 - 80% bị suy giãn tĩnh mạch. Trong đó, có đến 2/3 số bệnh nhân bị biến chứng của bệnh này.

"Thủ phạm" gây bệnh suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ  là do những đôi dày cao gót?


Vậy vấn đề đặt ra là tại sao nữ giới lại mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch nhiều hơn nam giới? Theo PGS.TS Đinh Thị Thu Hương- nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết, bệnh giãn tĩnh mạch chân hay suy tĩnh mạch là bệnh mạn tính, thường gặp ở phụ nữ và người lớn tuổi- do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác. Nhưng hiện nay bệnh này đang xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới. Đây là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần.

“Những người có nguy cơ cao mắc là: phụ nữ trong độ tuổi 35 -50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều và đang có triệu chứng sớm như đau, sưng, nặng chân về chiều. Sở dĩ phụ nữ mắc bệnh này nhiều hơn nam giới là do phụ nữ hay có thói quen đi dày cao gót. Việc thường xuyên đứng quá lâu, nhất là với giày cao gót, cũng là một trong những nguyên nhân khiến tĩnh mạch suy giãn. Với phái đẹp làm công việc văn phòng, thói quen ngồi bắt chéo chân sẽ góp phần làm tổn hại tĩnh mạch chi dưới sau này”- PGS.TS Đinh Thị Thu Hương nói

Dấu hiệu của bệnh là gì?


Dấu hiệu của bệnh này theo tư vấn của các chuyên gia là ban đầu, người bệnh có thể thấy những hình mạng nhện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân. Khi bệnh nặng hơn, máu bị ứ trệ ở chân khiến người bệnh có cảm giác khó chịu ở chân: căng tức ở bắp chân, mỏi chân... và có các biểu hiện của hội chứng chân không nghỉ (phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu). Nặng hơn nữa thì chân bị thay đổi màu sắc da, loạn dưỡng và chàm hóa da. Nhiều trường hợp không được điều trị, chân sẽ bị loét, thường là ở cổ chân.

Bệnh này có gây biến chứng không?

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch hội Tĩnh Mạch TP Hồ Chí Minh, ban đầu, khi chưa có nhiều triệu chứng, bệnh nhân dễ chủ quan, lơ là, và nhầm tưởng chỉ là các biểu hiện tạm thời. Nếu không nhanh chóng phát hiện điều trị đúng cách, bệnh dễ tiến triển đến giai đoạn nặng, có thể gây ra biến chứng như hình thành các cục máu đông, gây thuyên tắc phổi dẫn đến tử vong.

Bệnh dễ dẫn đến biến chứng như hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong. Sưng, mỏi chân; nặng bắp chân; kiến bò dọc cẳng chân; chuột rút ban đêm có thể là những biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, nhiều người lại không chú tâm đến nó mà chỉ nghỉ mỏi chân vì đi cả ngày, đôi giày quá chật...

Phòng tránh bệnh bằng cách nào?

“Khi đã bị suy giãn tĩnh mạch, tùy theo mức độ nặng nhẹ, bệnh nhân sẽ được khuyến khích thay đổi lối sống, tránh đứng lâu, ngồi nhiều, tăng cường thể dục, kết hợp việc điều trị bằng thuốc có tác dụng điều trị để giảm triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển. Bên cạnh đó, có thể mang vớ tĩnh mạch, cùng các biện pháp can thiệp, phẫu thuật tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Việc điều trị cần kiên trì vì khá mất thời gian, công sức, nên mọi người cần chủ động phòng tránh hoặc sớm nhận biết các triệu chứng ngay từ ban đầu", PGS.TS Nguyên Hoài Nam cho biết thêm.


Khám và tư vấn về bệnh suy giãn tĩnh mạch chân miễn phí tại BV Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh)

Để phòng tránh bệnh suy giãn tĩnh mạch chân, nên tập thói quen vận động, tránh đứng, ngồi một chỗ quá lâu. Nếu do nhu cầu công việc phải đứng lâu, có thể nhịp chân, luân phiên thay đổi tư thế đứng chùng chân. Những bài tập thể dục nhẹ nhàng, hoặc xoa bóp đôi chân trước và sau khi ngủ cũng là cách hỗ trợ cho máu lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, chị em cần có kế hoạch tầm soát bệnh suy giãn tĩnh mạch sớm để bảo vệ đôi chân của mình.

Suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Thật may mắn khi cơ hội chữa bệnh suy tĩnh mạch của các bệnh nhân mắc căn bệnh này giờ đây cao hơn nhiều so với trước đây. Và việc càng phát hiện sớm triệu chứng của bệnh sẽ giúp cho việc điều trị một cách có hệ thống hơn, hiệu quả hơn và nhờ đó cơ hội khỏi bênh sẽ càng cao hơn. Các bác sỹ chuyên khoa khuyên rằng người bệnh cần nhận thức được tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, ngăn ngừa bệnh không tiến triển đến các giai đoạn nặng hơn.

Với mong muốn cộng đồng được chia sẻ và tư vấn khám, chữa bệnh trong tầm soát suy giãn tĩnh mạch, chương trình “Hãy biết yêu đôi chân bạn” khám và tư vấn về bệnh giãn tĩnh mạch miễn phí đã diễn ra tại BV lớn của thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí minh đến ngày 06/08/2016 tại BV Tim Hà Nội, BV Bạch Mai, BVĐK Xanh Pon (Hà Nội), BV Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh), BV Trương Vương (TP Hồ Chí Minh) và BV 115 (TP Hồ Chí Minh). Mỗi chương trình diễn ra đều đã thăm khám và tư vấn cho khoảng hơn 200 bệnh nhân có triệu chứng về suy giãn tĩnh mạch.

Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn