Khảm trai truyền thần chân dung Bác Hồ: Tiến tới kỷ lục mới

16-05-2015 07:00 | Thời sự

SKĐS - Lâu nay, việc truyền thần chân dung qua ảnh bằng nghệ thuật khảm trai là một việc rất khó. Làng nghề khảm trai nghìn năm tuổi ở Chuôn Ngọ, Phú Xuyên, Hà Nội

Lâu nay, việc truyền thần chân dung qua ảnh bằng nghệ thuật khảm trai là một việc rất khó. Làng nghề khảm trai nghìn năm tuổi ở Chuôn Ngọ, Phú Xuyên, Hà Nội, nổi tiếng bấy lâu nay cũng không mấy người làm nổi. Hơn nữa, vẽ truyền thần chân dung Bác Hồ lại càng khó gấp bội; bởi lẽ vẽ trên chất liệu vỏ trai ốc, ngoài nét họa cần giống hình Người, nghệ nhân còn phải thể hiện cho được nét thần thái, tình cảm toát lên từ ánh mắt ấm áp và nụ cười hiền hậu của Người. Và, còn nhiều chi tiết khó thể hiện khác như râu, tóc, nếp nhăn... đòi hỏi tài năng của nghệ nhân có tính kết hợp giữa hội họa và điêu khắc, cùng một tay nghề tinh xảo về kỹ thuật chạm khắc trên vỏ trai, ốc, để tạo sự lấp lánh về màu sắc và độ trong veo khi ánh sáng phản chiếu...

Bác Hồ ngồi làm việc - tranh khảm trai của Nguyễn Văn Lăng.

Tâm huyết và thành công

Có thể nói cố nghệ nhân Trần Bá Dinh, hơn 70 tuổi là người đầu tiên trong làng, dành nhiều tâm huyết cho việc khảm trai truyền thần ảnh Bác Hồ, với nhiều thành công bất ngờ. Sau bao năm tích lũy nghề nghiệp, học hội họa, chạm khắc, ông trở thành một nghệ nhân hàng đầu trong nghệ thuật khảm trai và tạo được nhiều bức tranh, trở thành tuyệt phẩm, nức tiếng gần xa. Chính vì thế, vào tuổi 20, ông đã hai lần được phong tặng danh hiệu “Bàn tay vàng”.

Ngay từ năm 1968, ông đã khảm thành công bức Chân dung Bác Hồ, qua bao ngày tháng lao động miệt mài. Tác phẩm của ông trở thành niềm tự hào của làng nghề Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ngay sau đó, bức khảm Chân dung Bác Hồ của ông được gửi tặng Văn phòng Chủ tịch nước. Tác phẩm này có độ rung động sâu sắc qua bàn tay nghệ nhân, khi thể hiện từng chi tiết tinh tế, chân thực và tự nhiên. Nghệ nhân Trần Bá Dinh hay tin, chính Bác rất hài lòng với tác phẩm này và còn chỉ thị Văn phòng đặt ông khảm chân dung Chủ tịch Fidel Castro, để làm quà tặng trong một chuyến đi thăm Cuba của đoàn cán bộ Chính phủ nước ta.

Trước đây, có lần ông bồi hồi kể lại những kỷ niệm khó quên đó và còn nhớ như in những gói trà, cân đường, món quà của Bác Hồ gửi tặng khi biết tin ông mệt, trong khi thực hiện bức khảm này. Chính sự quan tâm của Bác đã làm ông xúc động và hoàn thành chân dung Chủ tịch Fidel Castro, với vẻ đẹp thân thiện và lạc quan, thể hiện đúng mối quan hệ hữu nghị sâu sắc, bền vững giữa hai nước bấy lâu nay.

Từ đó, nghệ nhân Trần Bá Dinh, không những là người duy nhất tạo nên kỷ lục, đã làm hàng trăm bức khảm chân dung Bác Hồ, mà ông còn là người duy nhất chuyên truyền thần chân dung các lãnh đạo Đảng và Nhà nước... Đặc biệt, trong dịp Kỷ niệm chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã có ý thức chuẩn bị trong nhiều năm với hình tượng vua Lý Thái Tổ khảm nổi trên hình trống đồng Đông Sơn, cùng với hình ảnh chín con rồng bay, trong sắc thái khác nhau. Tác phẩm này ông phải miệt mài ngày đêm trong hai năm trời mới hoàn thành, với nhiều chất liệu trai, ốc quý gửi mua từ nước ngoài, tạo được sắc màu rực rỡ chưa từng có. Đây là bức tranh khảm trai ốc, được định giá 300 triệu đồng, đắt nhất từ xưa đến nay.

Sự dấn thân của ông đã đem lại một sự nghiệp đồ sộ về khảm chân dung lãnh tụ và những hình tượng anh hùng dân tộc. Chính vì thế, ông được phong là “Tinh hoa Việt Nam”, năm 2003 và hai năm sau ông nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam” và Huy chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian...

Trong nhiều năm, khi dạy nghề cho hàng trăm học sinh trong làng, hay các địa phương khác, nghệ nhân Trần Bá Dinh thường quan tâm để ý xem có ai xứng tài và tha thiết theo đuổi công việc khảm truyền thần chân dung Bác Hồ, để ông trao lại những nét bí truyền nhất mà ông đã tích lũy được hơn nửa thế kỷ qua. Ấy thế rồi, trời không phụ công người nghệ nhân trọn đời giữ nghiệp cho dân làng này...

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Đình Vinh đang thực hiện kỷ lục mới tranh khảm chân dung Bác Hồ lớn nhất.

Cậu học trò nhỏ tuổi nhất lập kỷ lục

Đó là nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Lăng, sinh năm 1980, tại Chuôn Ngọ. Anh được phong danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2010. Ở lứa tuổi 30, anh là nghệ nhân trẻ nhất huyện Phú Xuyên hiện nay. Nhưng trước đó 1 năm anh còn được phong danh hiệu “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” với tác phẩm khảm trai Bác Hồ ngồi làm việc.

Nguyễn Văn Lăng đã học tập gương làm việc không biết mệt mỏi từ nghệ nhân bậc thầy Trần Bá Dinh. Sau 15 năm theo đuổi công việc này, Nguyễn Văn Lăng đã học được nhiều kỹ thuật xử lý khảm đường nét, chi tiết và tình cảm của Bác qua đôi mắt và nụ cười. Đến năm 2011, anh đã dành toàn bộ sức lực và thời gian thực hiện tác phẩm Chân dung Bác Hồ, với kích cỡ lớn (1m42 x 1m20). Nhiều người trong nghề đánh giá, nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng thật dũng cảm khi bắt tay thực hiện khảm bức chân dung cỡ lớn này. Vì kích thước càng lớn, độ chuẩn xác và độ chân thực của một chân dung càng khó thể hiện. Nhưng tuổi trẻ chí cao, Nguyễn Văn Lăng đã tập trung liên tục ngày đêm trong nửa năm trời; vẽ, đục chạm, ghép các mảnh trai ốc để tạo hình. Việc dựng thành bức khảm lung linh có chiều sâu, giống như ảnh chụp chân dung được phóng to, thật khó khăn về kỹ thuật thao tác và tình cảm trong quá trình thể hiện.

Và đúng thật là thầy nào trò ấy, sự kiên trì và tỉ mỉ, với tư duy tạo hình như trong mơ vậy, Nguyễn Văn Lăng đã thành công. Bức khảm trai chân dung Bác Hồ đã thuyết phục mọi người khi được trưng bày; tác phẩm này đã được Trung tâm sách Guiness Việt Nam xác lập kỷ lục lớn nhất.

Kỷ lục này đã đem lại vinh dự cho nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng khi được thành phố chọn đi dự Hội nghệ nhân trẻ Asian vào đầu năm 2012. Đồng thời anh đã được không ít nơi đặt làm chân dung Bác Hồ và anh còn thực hiện những bức khảm chân dung tập thể khá phức tạp. Mới đây, anh đã khảm chân dung Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, với nét tinh tế và khá giống với ảnh chụp, khi đồng chí Bí thư đang làm việc.

Người định xác lập kỷ lục mới

Đó là một học trò khác của nghệ nhân Trần Bá Dinh - Nghệ nhân trẻ Nguyễn Đình Vinh. Sinh năm 1976, Nguyễn Đình Vinh theo học nghề liên tục 7 năm trời và đặc biệt, anh đã sớm quan tâm đến việc học khảm tranh chân dung Bác Hồ từ thầy Bá Dinh. Với tố chất thông minh, Nguyễn Đình Vinh đã nhanh chóng tiếp thu những điều dạy bảo về kỹ thuật xử lý màu sắc của trai ốc và đường nét tạo hình để hoàn thành một bức chân dung có thần thái nhất.

Cho đến nay, Nguyễn Đình Vinh đã khảm hàng trăm chân dung Bác Hồ, theo đơn đặt hàng. Anh nổi bật so với người khác ở việc tập trung miêu tả đôi mắt của Bác. Anh cho đó là sự thách thức với bất kỳ ai khi vẽ chân dung và càng đặc biệt quan trọng đối với những nghệ nhân khảm trai. Anh từng đoạt Giải Nhất cuộc thi “Tuổi trẻ sáng tạo”, năm 1998, với tác phẩm khảm trai Chân dung Bác Hồ trên nền đồng và 10 năm sau anh có bức Bác Hồ cười đã được đánh giá là đẹp nhất, tinh hoa nhất.

Bức khảm Bác Hồ cười rất kỳ lạ. Đầu tiên có người sưu tầm hỏi mua, rồi rao bán với giá cao hơn. Một khách hàng đã tìm đến mua lại. Không ngờ người này lại là một thợ khảm trai của chính làng Chuôn Ngọ, đang hành nghề tại TP. Hồ Chí Minh. Người này đã treo bức khảm tranh Bác Hồ cười của Nguyễn Đình Vinh ngay tại phòng làm việc; coi đó là tác phẩm mẫu cho những học trò đến học nghề và lấy làm tự hào vì đây là bức khảm vô giá của nghệ nhân làng mình.Nguyễn Đình Vinh hồ hởi bày tỏ, anh rất muốn lập một kỷ lục mới cho tác phẩm khảm truyền thần chân dung Bác Hồ để có thể tạo nên một thách thức về tay nghề cho những người thợ trẻ của làng mình. Mọi kỷ lục vẫn còn đang ở phía trước. Kỷ lục sắp tới của anh không có sự cạnh tranh mà chỉ là lời kêu gọi sự sáng tạo còn đang tiềm tàng ở đâu đó, dù những người thợ của quê hương đã đi đến làm ăn ở bất cứ phương trời nào.

Bài và ảnh: Mai Đỗ

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: