Khâm Thiên sênh phách một thời

03-09-2013 10:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

Hát ả đào đã một thời là nghề truyền thống của phố Khâm Thiên. Sự hưng thịnh kéo dài hơn 30 năm đầu thế kỷ XX, mà đỉnh cao là 1930-1940. Nổi tiếng đến nỗi chỉ cần nói đi “ca tê” (K.T.) đã hiểu ngay là đi hát cô đầu ở Khâm Thiên rồi.

Hát ả đào đã một thời là nghề truyền thống của phố Khâm Thiên. Sự hưng thịnh kéo dài hơn 30 năm đầu thế kỷ XX, mà đỉnh cao là 1930-1940. Nổi tiếng đến nỗi chỉ cần nói đi “ca tê” (K.T.) đã hiểu ngay là đi hát cô đầu ở Khâm Thiên rồi. Lần thứ hai, Khâm Thiên lại nổi tiếng, lần này nổi tiếng cả thế giới phải biết đến: đó là tên một bãi bom B52 của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, dẫn đến sự thua cuộc của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Chiến tranh, dù dữ dằn đến mấy, cũng chỉ là chuyện nhất thời. Văn hóa của một dân tộc mới là điều vĩnh cửu!

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cô đầu tập trung ở phố Hàng Giấy trong nội thành. Còn ngoại ô là Thái Hà ấp. Hà thành ngày càng đông dân, trong phố ngày một chật chội, mà nhà hát lại đòi hỏi không gian thông thoáng, yên tĩnh. Sự chuyển dịch ban đầu từ lý do ấy. Cô đầu Hàng Giấy chọn Khâm Thiên làm căn cứ. Còn một số tụ điểm khác như Ngã Tư Sở, Hai mươi bốn gian (cuối phố Huế), Vạn Thái (Bạch Mai) và bên Gia Quất (Gia Lâm)... Nhưng nói đến nghề hát phải là trung tâm Khâm Thiên, nơi hội tụ đủ các danh ca, danh cầm mà bất kỳ ai quen biết ca trù đều nhớ tên: các đào nương Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm, Phó Thị Yến, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Mùi, đào Sâm, đào Bích..., rồi sau có Quách Thị Hồ từ hai mươi bốn gian tụ về. Các cây đàn điêu luyện như Phí Văn Thọ, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ... cũng chỉ quen đi cặp với các ca nương trên... Một số nghệ sĩ trên đã sang Hồng Kông hát ca trù để thu vào đĩa hát của các hãng Pathé, Columbia... vào thập niên 30 thế kỷ trước.

Khâm Thiên sênh phách một thời 1Ca trù đang được phục hồi trong lòng phố cổ.

Có một loại khách rất nhẹ túi tiền mà vẫn được chị em quý trọng. Đó là những văn nghệ sĩ, những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng.

Nguyễn Tuân là nhà văn lặn lội nhiều với chị em xóm ca trù Khâm Thiên. Ông hiểu cô đầu là những người lao động nghệ thuật thực sự. Nguyễn Tuân còn để lại một “tình sử” xúc động giữa nhà văn ưa xê dịch này với bà chủ nhà hát họ Chu tài sắc ở phố Khâm Thiên. “Bà Chu nổi tiếng là người tài hoa và có duyên nhất “xóm Khâm Thiên” ngày ấy. Bà quý trọng, chiều chuộng Nguyễn Tuân nhất mực. Có những thời kỳ Nguyễn đến ở lại nhà hát tháng này qua tháng khác. Khi bà Chu có khách mời đi hát ở tỉnh xa đôi ba ngày, bà gửi gắm nhờ các chủ nhà hát khác đến hát cho Nguyễn nghe và trông nom ông chu đáo. Cũng có lúc ông định cưới bà Chu làm vợ bé... Ngày giỗ Tổ nghề hát, ông cũng tuân thủ tục lệ, sắm mâm lễ vật với khăn đóng áo thụng, theo bà Chu đến lễ Tổ...

Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Tuân đã dành nửa tháng trời ngồi trên chiếc võng tại nhà bà Chu ở quê Bần - Yên Nhân viết cuốn Chùa Đàn để nói nỗi lòng của mình với tình yêu nghệ thuật, với cách mạng và để từ tạ bà Chu” (Nhà văn Nguyễn Tuân - Ngọc Trai NXB Hội Nhà văn, Hà Nội,1991)

Trần Huyền Trân cũng nhiều duyên nợ với các ca nữ. Ông là hàng xóm, lại là bạn tâm tình của các đào nương. Khi cùng các bạn làm thơ có tiền cũng hào phóng kéo nhau ra xóm đập trống. Sự cảm thông chia sẻ vinh nhục giữa hai lớp nghệ sĩ cùng chịu chung nỗi đau đời đã để lại nhiều duyên thơ nghĩa tình sâu nặng. Năm 1940, Trần Huyền Trân đã viết bài thơ Cùng một lứa tặng cô đào Yến (người yêu của Thâm Tâm) từ căn nhà lá bên dòng Cống Trắng, có những câu thắt lòng:

Tự cổ buồn chung kiếp xướng ca

Mênh mông trời đất vẫn không nhà

Nàng ơi, mưa đấy hay sênh phách

Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa

Cuốn tiểu thuyết Sau ánh sáng (1940) của ông như một tự truyện với bối cảnh và những con người vùng hát ả đào Khâm Thiên.

Ấn tượng và quan niệm không đẹp về hát ả đào trong chế độ cũ còn ám ảnh mãi tới sau Giải phóng Thủ đô khiến các giọng ca vàng của thời sênh phách phải tìm nghề khác kiếm sống... Cho tới năm 1976, nhờ khai thác và sưu tầm nghiên cứu nghệ thuật hát cửa đình ở Lỗ Khê (Đông Anh) mà bước đầu có được nhận định đúng hơn về bộ môn ca nhạc dân gian này. Đào kép lành nghề này chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, tuổi tác đều trên thất thập...

Dưới chế độ ta, có 3 nghệ sĩ hát ca trù và một nghệ sĩ đàn đáy đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Đó là các ca sĩ: Nguyễn Thị Phúc, Phó Thị Kim Đức, Vũ Kim Dung và nhạc sĩ Đinh Khắc Ban. Đặc biệt, có một Nghệ sĩ nhân dân về hát ca trù là bà Quách Thị Hồ (danh hiệu được phong năm bà đã 79 tuổi). Tiếng phách của bà giòn giã và dồn dập như vó ngựa phi trong khổ xiết gõ lưu không. Bà nổi tiếng với bài Tỳ Bà hành của Bạch Cư Dị qua bản dịch bay bướm của Phan Huy Vịnh.

Một kỷ niệm khó quên trong đời bà Quách Thị Hồ - đó là lần bà được hát ca trù cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe tại cuộc Triển lãm văn học và ngâm thơ - ca trù mừng Xuân Nhâm Dần, tổ chức ngày mồng 1 Tết (5/2/1962) ở Văn Miếu. Bà kể vui: “Ông Vũ Đình Khoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa giới thiệu “bà Hồ hát ca trù”. Bác liền đứng dậy giơ tay đính chính một cách rất dí dỏm: “Phải nói rõ thế này cho đúng: bà Quách Thị Hồ hát ca trù, kẻo các cụ phụ lão cười cho. Bác Hồ đã không lấy vợ thì lấy đâu ra bác gái!”.

Năm 1976, giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê từ Pháp về đã say mê ghi âm hai giọng ca trù lão luyện Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc, đồng thời giới thiệu nghệ thuật độc đáo này với thế giới. Một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc người Mỹ Mirada Krenzen đã viết: “Ca trù như có ma lực, như có chất men làm say đắm lòng người!”.

Ngày nay, lớp trẻ không mấy thích thú đi vào nghề tài tử công phu này. Ở Lỗ Khê đã mở mấy lớp đào tạo người hát ca trù do nghệ sĩ Phạm Thị Mùi dạy, nhưng đạt kết quả không nhiều. Qua những năm tháng khổ luyện, lại được các nghệ nhân Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc truyền nghề, nay mẹ con chị Vũ Kim Dung - diễn viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã hát và gõ phách thuần thục. Hai cháu gái của cụ Quách Thị Hồ: Diệu Huyền và Nguyễn Thị Trúc đang theo nghiệp của bà...

Năm 1993, Câu lạc bộ Ca trù của TP. Hà Nội do ngành văn hóa chủ trương chính thức đi vào hoạt động, ngày càng khởi sắc... Cô cán bộ văn hóa Bạch Vân làm chủ nhiệm câu lạc bộ đã miệt mài gắn bó với ca trù, được các nghệ nhân dìu dắt yêu thương cũng đã trở thành một “đào hát” vững vàng. Câu lạc bộ ca trù còn là nơi hội tụ, phục hồi, động viên các đào kép cũ trở lại với nghề như đào Sinh (Hà Nội), đào Trúc, đào Chân, đào Phong, các kép đàn Văn Nhâm, Văn Hạ (Hà Tây cũ), đào Lệ, đào Hợi (Bắc Ninh)...

Nhưng để bảo tồn vốn nghệ thuật ca trù truyền thống, có lẽ đã đến lúc nên có một số chủ trương chính sách góp phần làm cho ca trù sống lại thời mở cửa. Nên chăng mở thí điểm một vài ca quán ngay tại cái nôi cũ Khâm Thiên làm nơi giao lưu, giới thiệu, truyền bá, giải trí tinh thần cho những ai muốn “trở về nguồn”, tìm hiểu môn ca nhạc độc đáo hoặc thư giãn tâm hồn thanh cao của mình. Chắc chắn những ca quán đó không chỉ thu hút người Việt. Và chỉ có thể ca trù lại như cá gặp nước, vẫy vùng trong biển mới.

Bà con Việt kiều xa quê hương nhiều năm, trở về thăm đất nước, thăm Thủ đô có dịp sống lại không khí “xuống xóm” của bảy chục năm xưa...

Đã có một sinh viên người Anh tên là Barlai sang Việt Nam nghiên cứu và học ca trù. Anh tập hát, tập đàn, cũng áo the, khăn xếp ngồi điểm trống chầu cho ca sĩ hát ở câu lạc bộ ca trù. Anh phát biểu: “Ca trù là nghệ thuật tuyệt vời và độc đáo của riêng Việt Nam. Tôi rất yêu thích ca trù!”.  

Giang Quân


Ý kiến của bạn