Hà Nội

Khâm Thiên, gương mặt cuộc đời

22-12-2012 14:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

Với các nhà nghiên cứu lịch sử, ai cũng biết Khâm Thiên là tên gọi của đài Khâm Thiên Giám, cơ quan thiên văn lịch pháp thời phong kiến dựng ở đây từ thế kỷ XI.

Với các nhà nghiên cứu lịch sử, ai cũng biết Khâm Thiên là tên gọi của đài Khâm Thiên Giám, cơ quan thiên văn lịch pháp thời phong kiến dựng ở đây từ thế kỷ XI.

Ông Giang Quân, tuổi 86, một trong 10 người vừa được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, là một nhà Hà Nội học nổi tiếng từ nhiều năm nay, lại vừa cho tái bản có bổ sung cuốn Khâm Thiên, gương mặt cuộc đời. Ông thu thập được nhiều chi tiết quý giá về con phố mà ông đã cư ngụ suốt đời cùng mấy thế hệ tiếp sau: các con, các cháu, nay là các chắt đang từng bước trưởng thành.
Khâm Thiên, gương mặt cuộc đời 1
 Một góc phố Khâm Thiên năm 1972
Khâm Thiên thời Pháp thuộc là ngoại thành, không được hưởng “chế độ ưu đãi của Tây” nên báo Ngày Nay có bức tranh biếm họa vẽ một bà bụng to sắp đẻ, cố chạy thêm vài bước qua đường xe lửa đầu Khâm Thiên để con mình sinh ra được hưởng “luật Tây”. Người bố dượng của thi sĩ Trần Huyền Trân đã phải kế tục công việc của Bô Chũi (chuyên đi chôn những đứa con hoang chết yểu của chị em hành nghề son phấn). Khâm Thiên còn có những ông già mù làm nghề tẩm quất. Khâm Thiên có những nhân vật nổi tiếng như ông Tạ Duy Hiển, người sáng lập gánh xiếc Việt Nam, tiền thân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam bây giờ.

Khâm Thiên xưa là xóm cầm, ca, xênh, phách một thời rộn ràng làm mê mẩn giới thượng lưu, nhưng cũng là nơi những văn nghệ sĩ yêu nghệ thuật dân gian thường lui tới: những Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương… Người đào hát ca trù nổi tiếng, bà Quách Thị Hồ ở tuổi 79 còn được phong Nghệ sĩ nhân dân. Bà Hồ được nhiều lần hát cho Bác Hồ và các khách quốc tế nghe. Ở Liên hoan nghệ thuật các dân tộc Á Phi có 29 nước tham gia, bà Hồ đã giành giải Nhất với bài Thu hứng - Tỳ Bà Hành...

Nhưng dù có nhiều tài tử giai nhân tập trung ở phố Khâm Thiên đến mấy, Khâm Thiên cũng không nhờ thế mà nổi tiếng trên thế giới bằng khi xuất hiện “kỳ tích” ném bom B52 hủy diệt một phố đông dân của không lực Hoa Kỳ vào ngày 26 tháng 12 năm 1972. “Kỳ tích” phá hủy 17 tổ dân phố, phá đổ 534 căn nhà, làm hư hại 1.200 căn nhà khác, giết chết 283 người dân vô tội, làm bị thương 265 người khác… Có nhà 12 người thì 8 người chết vì sức ép của bom. Có nhà bị bom rơi trúng không còn sót một ai. Có căn hầm moi lên cả 6 cô tự vệ chết ngạt, đầu còn đội mũ rơm…”.

Thảm cảnh ấy nhanh chóng được chính quyền và dân chúng xúm lại lo giải quyết mọi hậu quả: mất nhà - có ngay nhà ở tạm; trẻ sống bơ vơ mất bố mẹ - có ngay người nhận nuôi dưỡng; không một nạn nhân còn sống sót nào bị thiếu bữa… Khi lửa của bom B52 rải thành vệt dài trên con phố 1.170m thì lửa của rồng lửa Thăng Long cũng bay lên chụp lấy và thiêu sống những pháo đài bay ngỡ như bất khả chiến bại. Trận đánh vừa kết thúc, tin vui đã bay ra đường phố từ những chiếc loa phòng không gắn khắp các phố phường: 5 pháo đài bay B52 tan xác, giặc lái nhảy dù đều bị tóm gọn, góp phần vào trận Điện Biên Phủ trên không của quân dân Thủ đô!

40 năm đã qua, bây giờ thì Khâm Thiên không chỉ là phố thợ may, phố đan len, phố xích lô, phu khuân vác… mà đã san sát cửa hàng, cửa hiệu ngày càng sang trọng, để xứng đáng với giá đất ở Khâm Thiên cao lên ngất ngưởng, chẳng kém gì nơi “băm sáu phố phường” Hà Nội. Đứng hàng đầu vẫn là hơn trăm hiệu may đo và bán quần áo may sẵn, cho thuê áo cưới. Nhà thiết kế thời trang Ngân An nổi tiếng cũng đã có mặt. Rèm, đệm, chăn Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan cho đến com-lê đại hạ giá. Rồi mấy chục hiệu mua bán vàng và đồ nữ trang, mấy chục nhà bán mỹ phẩm, sửa sang sắc đẹp… Kể cả cửa hàng xe máy thời thượng đến điện máy, công nghệ thông tin và 12 điểm ngân hàng…
Khâm Thiên, gương mặt cuộc đời 2
 Phố Khâm Thiên ngày nay là một khu phố buôn bán sầm uất
Thành tựu công cuộc đổi mới và hành trình hội nhập vào thị trường thế giới đã làm cho “phố bom B52” hoàn toàn thay da đổi thịt, tạo lập một thành phần dân cư rất rõ: người Khâm Thiên biết buôn bán, hòa nhập với thị trường thì trụ lại làm giàu, những người khác thì có cơ hội bán được đắt giá căn nhà mặt tiền của mình. Rồi dùng tiền ấy đủ mua vài ba căn hộ trong ngõ sâu cho con cái ở riêng, số tiền còn lại cũng đủ để dưỡng già.

Ông Giang Quân nguyên là cán bộ Sở Văn hoá, từng kiên trì suốt 18 năm tâm huyết với bộ sách Những bông hoa đẹp, ông đủ độ tin cậy để nhận định về phố Khâm Thiên ngày nay: Con phố Khâm Thiên chạy suốt qua hai phường Khâm Thiên và Thổ Quan, lại sát ngay phường Văn Chương là 3 phường “cứng” của Phong trào xây dựng nếp sống văn hoá quận Đống Đa, nên đã tạo lập được tuyến phố văn minh xanh, sạch, đẹp. Tháng 12 này kỷ niệm 40 năm trận Điện Biên Phủ trên không cũng là ngày giỗ vong linh những người tử nạn, người dân Khâm Thiên đã thành  tục lệ: cúng giỗ cầu cho các vong linh ấy lên thiên đường và người dân Khâm Thiên thêm no ấm, giàu sang…  

Phương Nguyên


Ý kiến của bạn