Hà Nội

Khám thai định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu nguy hiểm

03-11-2022 17:11 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Trong khi mang thai nếu có một trong các dấu hiệu nguy hiểm thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Việc tự ý điều trị tại nhà hay nhờ thầy mo cúng, chữa bằng các biện pháp truyền miệng… rất nguy hiểm.

Thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai, bổ sung sắt như thế nào?Thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai, bổ sung sắt như thế nào?

SKĐS - Ước tính tỷ lệ thiếu máu trong thai kỳ trên toàn cầu vào khoảng 41.8%, chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu thiếu sắt không được chẩn đoán và điều trị có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả thai phụ và thai nhi. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Chỉ có 16% phụ nữ dân tộc thiểu số khám thai 4 lần trở lên

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mang thai cần được khám thai ít nhất 04 lần trước khi sinh, với lần khám đầu tiên diễn ra trong 03 tháng đầu mang thai (<16 tuần tuổi thai). Các đợt khám thai giúp cho việc lập kế hoạch trước khi sinh và sinh con an toàn với sự hỗ trợ của nhân viên y tế có chuyên môn. Các đợt khám thai trước sinh giúp những phụ nữ có thai (PNCT) ở các vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận các cơ sở y tế chính thống bởi vì nếu không đi khám thai những phụ nữ có thai này có thể sẽ không tìm kiếm dịch vụ đỡ đẻ của người có chuyên môn trong khi sinh.

Thông qua việc PNCT sử dụng dịch vụ khám thai, các nhân viên y tế (NVYT) có thể khuyến khích và thúc đẩy những PNCT thực hiện các hành vi và thói quen tốt khác như khám sức khỏe sau khi sinh, tiêm chủng,thực hành cho con bú đúng cách và sử dụng dịch vụ và các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Khám thai định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu nguy hiểm  - Ảnh 2.

Khám thai định kỳ là yếu tố cần thiết để sinh con an toàn, khỏe mạnh.

So sánh các kết quả của nghiên cứu với ước tính quốc gia cho thấy những khác biệt lớn trong tỷ lệ tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước sinh. Nhìn chung, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số được khám thai ít nhất một lần trong khi mang thai là 73%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của quốc gia là 96%. Chỉ có 16% phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) được khám thai 04 lần trở lên so với mức trung bình của quốc gia là 74%.

Tỷ lệ khám thai trong 03 tháng đầu mang thai là thấp nhất so với các giai đoạn sau của quá trình mang thai: 42% phụ nữ DTTS khám thai trong 03 tháng đầu, trong khi tỷ lệ khám thai ở 03 tháng giữa và 03 tháng cuối lần lượt là 55% và 51%. Dữ liệu định tính cho thấy hầu hết phụ nữ DTTS tham gia nghiên cứu đều muốn chờ đến lúc có thể siêu âm thai vào khoảng tháng thứ 4 của thai kỳ thì đi khám thai luôn. Nhiều phụ nữ DTTS cũng thường chờ sau một vài kỳ lỡ kinh nguyệt để biết chắc chắn là họ đã có thai trước khi bỏ chi phí (trực tiếp hoặc gián tiếp) để tới khám ở các cơ sở y tế.

Kết quả các thảo luận nhóm tại Gia Lai và Kon Tum (nơi tỷ lệ khám thai giai đoạn đầu thấp nhất) cho thấy phụ nữ ở đây nhận thức rất hạn chế về các dịch vụ được cung cấp ở các lần khám thai trước sinh.

Cũng theo báo cáo về những rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đinh của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam do UNFPA và Bộ Y tế thực hiện, siêu âm đã được sử dụng để xác định xem thai nhi có bình thường và "dễ sinh" hay phức tạp và "khó sinh". Đa số những phụ nữ tham gia nghiên cứu cho rằng không cần khám thai nữa khi kết quả siêu âm là bình thường và thai không có vấn đề gì đáng lo. Điều này có thể giải thích tại sao một số trường hợp có đi khám thai nhưng sau lần siêu âm đầu tiên thì không tiếp tục khám thai nữa. Do tiêm phòng và siêu âm không nằm trong mục cần khám trong những lần đợt khám thai định kỳ, nên những phụ nữ tham gia nghiên cứu thường cho rằng chăm sóc trước sinh là không cần thiết.

Theo cẩm nang lần đầu làm mẹ và nuôi con của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, các dấu hiệu sau đây được cho là nguy hiểm, thai phụ cần ngay lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Ra máu từ cửa mình hoặc đau bụng

Nếu đau bụng dưới trong những tuần đầu sau khi mất kinh, đau âm ỉ tăng dần (kèm theo ra máu âm đạo hoặc không), thì có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Nếu đau dữ dội, vã mồ hôi thì có thể là thai ngoài tử cung dọa vỡ hoặc đã vỡ. Đây là một cấp cứu sản khoa, đe dọa đến tính mạng và cần được phẫu thuật kịp thời.

Đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai, sảy thai hoặc đẻ non. Nếu bất cứ lúc nào trong thai kỳ, bạn thấy đau bụng từng cơn, tăng dần (có kèm theo ra máu, ra nước âm đạo hoặc không), thì cần đến ngay cơ sở y tế.

Phù mặt, chân, tay

Nếu bạn thấy phù ở toàn thân, phù cả ở mặt, mí mắt, tay hoặc phù kèm theo đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, bạn cần đến khám ngay tại cơ sở y tế vì đó có thể là dấu hiệu tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật, sản giật.

Khám thai định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu nguy hiểm  - Ảnh 3.

Nhận diện các dấu hiệu nguy hiểm để sinh con khỏe mạnh, an toàn.

Nhìn mờ hoặc đau đầu nhiều

Đau đầu và/hoặc nhìn mờ, nhiều khi có buồn nôn, nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc tình trạng bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (co giật toàn thân). Đây là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Do vậy, nếu thấy có đau đầu và/hoặc nhìn mờ, phụ nữ có thai cần đến cơ sở y tế để được đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểuvà thăm khám kịp thời.

Sốt cao trên 38,5 độ C

Sốt trong thai kỳ có thể do nhiều nguyên nhân và có thể kèm theo phát ban ở da. Nếu sốt kèm theo có ra nước âm đạo trên 6 giờ có thể là do nhiễm trùng ối. Sốt cũng có thể do nhiễm một số loại viruss, trong đó có một số loại như cúm, Rubella, Zika...có thể gây dị tật ở bào thai nếu mắc bệnh vào giai đoạn đầu của thai kỳ...Do vậy, khi thấy sốt trên 38,5°C mà không rõ nguyên nhân bạn cần đến thăm khám tại cơ sở y tế.

Thấy xanh xao, mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở

Thiếu máu khiến cho mẹ cảm thấy khó thở tim đập nhanh, mệt mỏi, chóng mặt. Mẹ bầu cần phải lưu ý vấn đề này với bác sĩ, bởi vì nếu không được điều trị, tình trạng thiếu máu có thể trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Ra nước ối mà không có cơn đau đẻ

Nếu thấy ra nước âm đạo bất kỳ lúc nào trong thời kỳ thai nghén, có thể bạn đã bị rỉ ối. Nếu gần đến ngày dự kiến sinh mà nước ra nhiều, có thể bạn đã vỡ ối. Khi đó bạn cần đến ngay cơ sở y tế bằng phương tiện nhanh nhất và an toàn nhất (khi di chuyển cần nằm đầu thấp để tránh sa dây rốn).

Có cơn ngất hoặc co giật

Đây là dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm với thai phụ, cần được nhập viện ngay.

Thấy cử động của thai yếu hơn và ít đi so với mọi ngày

Thai máy xuất hiện vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, cảm giác như "tôm búng" trong buồng tử cung; thai đạp thường xuất hiện từ tháng thứ 6-7. Nhiều khi thai "ngủ quên" không đạp khiến bà mẹ lo lắng. Thai đạp yếu hoặc không có cử động của thai, kèm theo không thấy bụng to dần lên là có thể thai chậm phát triển trong tử cung hoặc thiểu ối, khí đó bạn cần đến cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt Hoặc cảm thấy bụng to lên nhanh, khó thở, không cảm nhận được thai máy hoặc thấy thai máy ở nhiều vị trí, cần đến bệnh viện để xác định có phải thai to hoặc đa ối, đa thai, hoặc có khối u...

Sút cân hoặc không tăng cân sau tháng thứ 4

Khi đến tháng thứ 4 mà thai phụ không tăng cân thì cần được bác sĩ thăm khám tìm nguyên nhân và tư vấn biện pháp khắc phục.

Đến ngày dự kiến sinh mà chưa chuyển dạ

Khi gặp trường hợp thai quá ngày dự sinh bạn sẽ nhận được khuyến cáo của bác sĩ là nên nhập viện và làm các xét nghiệm để xác định tình trạng của thai nhi. Các bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, siêu âm thai và thực hiện các cuộc thí nghiệm để xác định tình hình của thai nhi.

Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thaiChế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai

SKĐS - Trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ cần có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Chế độ dinh dưỡng giúp thai nhi phát triển tốt, đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và đủ sữa cho con bú.

Xem thêm video đang được quan tâm:

8 Thực Phẩm Tự Nhiên Giàu Chất Xơ Hàng Đầu


PV
Ý kiến của bạn