Khám sức khỏe trước hôn nhân thời điểm nào là tốt nhất? Đây là 5 lợi ích thiết thực cho hạnh phúc gia đình

16-08-2023 11:06 | Y tế

SKĐS - Khám sức khỏe tiền hôn nhân không còn xa lạ với giới trẻ, đây là việc làm văn minh thể hiện sự nghiêm túc với tương lai của bạn, đồng thời góp phần sinh ra những em bé khỏe mạnh.

Khi xã hội càng văn minh hiện đại, các cặp đôi càng có ý thức trong việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Không chỉ giúp các cặp đôi trang bị nhiều kiến thức bổ ích, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc sống sau hôn nhân, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn giúp phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh còn tiềm ẩn trong cơ thể, chuẩn bị sức khỏe thật tốt để đón con yêu chào đời.

Khám sức khỏe trước khi kết hôn có bắt buộc không?

Thực tế, không có một văn bản pháp luật nào quy định bắt buộc phải tiến hành khám sức khỏe kết hôn mới được phép đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, hiện nay, Nhà nước và các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên chủ động đi khám sức khỏe tổng quát trước khi tiến hành thủ tục kết hôn, nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình trước khi bước vào giai đoạn hôn nhân.

Khi đăng ký kết hôn, bạn sẽ phải làm các thủ tục kiểm tra, xác minh danh tính để chứng minh năng lực hành vi dân sự. Vậy nên, trong quy định của Nhà nước, khám sức khỏe đăng ký kết hôn là thủ tục không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu bạn là công dân Việt Nam muốn kết hôn hợp pháp với người nước ngoài thì bạn cần giấy xác nhận của tổ chức Y tế có thẩm quyền Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp trong vòng 6 tháng gần nhất.

Khám sức khỏe trước hôn nhân thời điểm nào là tốt nhất? Đây là 5 lợi ích thiết thực cho hạnh phúc gia đình- Ảnh 1.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân còn giúp phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh còn tiềm ẩn trong cơ thể. Ảnh: T.L

Hiện nay, nhiều cặp đôi lựa chọn hình thức khám sức khỏe trước hôn nhân để đảm bảo một cuộc sống hôn nhân mạnh khỏe, hạnh phúc. Xã hội phát triển, nhiều bệnh tật theo đó cũng tăng lên và xuất hiện nhiều bệnh lạ, khả năng sinh con yếu, vô sinh, yếu sinh lý, hay sinh con dị tật bẩm sinh… đã dẫn đến nhiều cặp vợ chồng rơi vào hoàn cảnh tan vỡ, tỷ lệ ly hôn cao. 

Do vậy, khám sức khỏe trước khi kết hôn là việc làm cần thiết để tránh xảy ra rủi ro, chuẩn bị tâm lý và đặt mục tiêu tiếp theo cho hôn nhân hạnh phúc của mình.

Thời gian nào đi khám sức khỏe trước khi kết hôn là phù hợp?

Thông thường, các cặp đôi chỉ đi khám sức khỏe trước khi kết hôn khi chuẩn bị làm đám cưới. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thực hiện sớm hơn từ khoản 3-6 tháng để sàng lọc các vấn đề về sức khỏe. Khoảng thời gian này cũng giúp bạn chuẩn bị mọi thứ trước khi khám sức khỏe kỹ lưỡng và chu đáo hơn.

Việc khám sức khỏe trước khi kết hôn là rất quan trọng. Trước khi quyết định kết hôn, bạn hãy khuyến khích đối phương cùng đi kiểm tra sức khỏe với mục đích ngăn ngừa các biến chứng có thể phát sinh. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, cả hai vẫn cần thăm khám định kỳ, đều đặn để đảm bảo sức khỏe cả gia đình nhỏ nhé.

Lợi ích từ việc khám sức khỏe trước khi kết hôn

Trang bị kiến thức sinh hoạt vợ chồng

Đối với những bạn trẻ chưa có kinh nghiệm về tình dục, việc khám sức khỏe trước khi kết hôn sẽ trang bị cho họ kiến thức, tâm lý về đời sống chăn gối. Nhờ vậy, các cặp đôi sẽ tránh được những khúc mắc phát sinh trong sinh hoạt vợ chồng, tiến tới hòa hợp tình dục – nền tảng quan trọng của một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Tầm soát các bệnh truyền nhiễm

Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, hai bạn cần làm các xét nghiệm tầm soát các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV, HCV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ đó, bạn sẽ hạn chế được khả năng lây bệnh cho bạn đời (nếu chẳng may bị bệnh) cũng như có kế hoạch điều trị bệnh sớm.

Phát hiện sớm các bệnh lý sinh sản

Khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân là sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở của người phụ nữ, tạo tiền đề cho sự ra đời của những em bé khỏe mạnh sau này. Trong trường hợp một trong hai người gặp vấn đề về sinh sản như u nang buồng trứng, tinh trùng yếu, vô tinh…, bác sĩ sẽ có giải pháp can thiệp kịp thời.

Phát hiện các bệnh di truyền, có thể truyền sang em bé

Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử gia đình, tiền sử bệnh lý của vợ chồng bạn, trên cơ sở đó đánh giá liệu hai bạn có mang gen di truyền bệnh lý, có thể ảnh hưởng tới con cái sau này hay không.

Thể hiện trách nhiệm với bản thân và bạn đời

Nếu không biết được tình trạng sức khỏe của bản thân và bạn đời, hai bạn không thể lường trước những rủi ro có thể xảy ra sau khi về chung một nhà: vợ hoặc chồng vô sinh, bị bệnh truyền nhiễm, con sinh ra dị tật… Khi đó, tình cảm vợ chồng không tránh khỏi sứt mẻ, thậm chí gãy gánh. Vì thế, hãy thể hiện trách nhiệm với mình và bạn đời bằng cách đi khám để tầm soát sức khỏe tiền hôn nhân. 

Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm những gì?

- Khám thể lực: Đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, chỉ số BMI, mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở.

- Khám lâm sàng theo các chuyên khoa

- Khám cận lâm sàng: Bao gồm chụp X quang tim, phổi; xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, soi tươi dịch âm đạo và dịch niệu đạo.

- Các trường hợp nghi ngờ, hướng dẫn bệnh nhân tiếp tục khám chuyên khoa sâu để xác định bệnh và hướng dẫn điều trị.

 


Hường Lê
Ý kiến của bạn