Khám sức khỏe lưu động cho đồng bào 6 tỉnh bị lũ lụt

13-11-2020 15:35 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 13/11, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đã có cuộc họp với 6 tỉnh miền Trung và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc về việc tài trợ 150.000 USD cho việc khám chữa bệnh cho bà con vùng lũ lụt.

Ông Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, liên tiếp trong thời gian vừa qua miền Trung đã hứng chịu nhiều cơn bão gây tàn phá nặng nề, ảnh hưởng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung, cũng như chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em nói riêng. Nhưng cũng chính trong khó khăn ấy, các nhân viên y tế đã rất nỗ lực, tận tâm với người bệnh. Điển hình như ở Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh trong hoàn cảnh mất điện, mất nước nhưng đã tích cực, khẩn trương cấp cứu, chăm sóc đỡ đẻ và mổ lấy thai an toàn cho 20 cặp bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Hay như ở Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cũng đã cấp cứu, chăm sóc đỡ đẻ và mổ lấy thai an toàn cho các cặp bà mẹ và trẻ sơ sinh, có rất nhiều trường hợp phải đỡ đẻ dưới ánh đèn pin. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã gửi thư khen các y bác sĩ vì nỗ lực cấp cứu người bệnh trong điều kiện vô cùng khó khăn do bão lũ gây ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi, động viên người bệnh đang điều trị tại BVĐK huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình trong chuyến công tác tại miền Trung.

Thiệt hại do thiên tai gây ra là rất lớn. Để góp phần giúp các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là việc chăm sóc sức khỏe người dân trong và sau thảm họa, trong thời gian qua, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) vận động được một số kinh phí để tổ chức các đợt khám sức khỏe cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng của lũ lụt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi (ưu tiên phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai).

Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, trong điều kiện thảm họa thiên tại, việc mang thai và kinh nguyệt của phụ nữ vẫn diễn biến bình thường. Do đó các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục vẫn cần phải được duy trì và không bị gián đoạn. Nguy cơ bị bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngày càng gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng, do đó cần tiến hành ngay các biện pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả đối với phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực và xâm hại.

Theo bà Naomi Kitahara, phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thời kỳ thảm họa. Không thể để phụ nữ phải tử vong khi sinh con, và chúng ta phải đảm bảo điều này ngay cả trong các trường hợp khẩn cấp. Trong quá trình lánh nạn, ai cũng cần những nhu cầu thiết yếu - từ thức ăn và nước uống đến các vật dụng vệ sinh và chăm sóc y tế. UNFPA đang nỗ lực hỗ trợ Chính phủ Việt Nam khôi phục và cải thiện cuộc sống của các nạn nhân lũ lụt, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.

Cuộc họp với 6 tỉnh miền Trung và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc về việc tài trợ 150.000 USD cho việc khám chữa bệnh cho bà con vùng lũ lụt.

UNFPA hỗ trợ bộ cứu trợ khẩn cấp dành cho phụ nữ và các thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe bà mẹ (như máy đo tim thai) cho khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lụt. Ngoài ra, UNFPA hỗ trợ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục lưu động tiếp cận tới người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ cũng như hỗ trợ y tế cho các phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực giới.

Theo bà Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế, sự hỗ trợ cho đồng bào vùng lũ lụt là hết sức cấp thiết. Mưa lũ đi qua khiến điều kiện vệ sinh, môi trường, nước sạch không được đảm bảo gây ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề sức khỏe của người dân – nhất là với nhóm yếu thế như người già, phụ nữ và trẻ em. Cùng với việc khôi phục kinh tế, sản xuất của bà con thì sự hỗ trợ y tế cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe là cần thiết hơn bao giờ hết...

 

Tại cuộc họp, các đại điểu đã thảo luận cụ thể về kế hoạch khám sức khỏe, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em lưu động cho đồng bào tại các vùng ảnh hưởng lũ lụt ở 6 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Đoàn khám lưu động sẽ phối hợp và hỗ trợ y tế cơ sở thực hiện các đợt khám chữa bệnh cho người dân nhằm liên tục cung cấp các dịch vụ chăm sóc thiết yếu cho người dân trước và sau mưa lũ. Liên tục cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám thai, hộ sinh, khám và điều trị các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản, cung cấp thông tin và dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ và trẻ em gái dưới 18 tuổi trước và sau mưa lũ.
Dự kiến đến hết năm 2020 sẽ tổ chức 150 đợt khám lưu động với 30.000 người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt được cung cấp dịch vụ sức khỏe và chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình....

 


Dương Hải
Ý kiến của bạn