Khám phát hiện bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp cho hàng nghìn người lao động ở Quảng Bình

03-06-2024 16:17 | Y tế
google news

SKĐS - Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó việc phòng, chống bệnh là hết sức quan trọng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, từ đầu năm 2022 đến nay, có 5.623 người lao động được khám sức khỏe định kỳ. Trong số này, có 2.450 người lao động được khám để phát hiện bệnh nghề nghiệp. Kết quả khám cho thấy, không có trường hợp nào mắc bệnh nghề nghiệp.

Khám phát hiện bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp cho hàng nghìn người lao động ở Quảng Bình- Ảnh 1.

CDC Quảng Bình phối hợp với các đơn vị khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hàng nghìn lượt người lao động.

Theo lãnh đạo CDC Quảng Bình, đơn vị này thường xuyên phối hợp cùng các doanh nghiệp, xí nghiệp trên địa bàn thực hiện việc khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Việc khám sức khỏe nghề nghiệp định kỳ giúp người lao động phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe để được điều trị và bố trí công việc phù hợp. Cùng với đó, cán bộ y tế cũng tuyên truyền tới người sử dụng lao động, người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp.

"Quá trình làm việc, nhất là làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, người lao động cần được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ theo quy định. Đơn vị sử dụng lao động cần xây dựng nội quy đảm bảo an toàn, vệ sinh nơi làm việc, tổ chức thời gian làm việc, nghỉ giữa ca hợp lý, sắp xếp các vị trí việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe của người lao động", BSCKI Hoàng Ái Nhân, Trưởng Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp (CDC Quảng Bình) cho biết.

Khám phát hiện bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp cho hàng nghìn người lao động ở Quảng Bình- Ảnh 2.

Ngành y tế Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic nghề nghiệp.

Đặc biệt, trong thời gian qua ngành y tế Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic. Bác sĩ Hoàng Ái Nhân cho biết, bệnh bụi phổi silic là tình trạng bệnh lý của phổi do hít phải bụi có chứa silic trong môi trường lao động. Đây là mặt bệnh chiếm tỉ lệ cao trong hệ thống bệnh nghề nghiệp hiện nay.

Đặc điểm của bệnh này là hiện tượng xơ hóa và phát triển các hạt ở hai phổi gây khó thở. Bệnh thường tiến triển chậm và là bệnh không phục hồi. Bệnh có tỉ lệ tử vong cao, tuy nhiên lý do chủ yếu là các biến chứng như bệnh lao, giãn phế quản, viêm mũ màng phổi, tràn khí màng phổi… gây ra.

Nguyên nhân gây ra bệnh bụi phổi silic có thể là do tiếp xúc với bụi silic trong môi trường làm việc. Các ngành công nghiệp có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bao gồm khai thác đá, chế biến khoáng sản, xây dựng và sản xuất vật liệu cách nhiệt và chống cháy... Các công nhân trong các ngành này tiếp xúc với bụi silic trong quá trình làm việc và có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic.

Khám phát hiện bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp cho hàng nghìn người lao động ở Quảng Bình- Ảnh 3.

Nguyên nhân gây ra bệnh bụi phổi silic có thể là do tiếp xúc với bụi silic trong môi trường làm việc.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu về căn bệnh này, do đó việc phòng chống bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp là hết sức quan trọng. Ngoài trách nhiệm của người sử dụng lao động thì người lao động cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh phù hợp.

Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH khai thác đá công nghiệp I cho biết, đơn vị thực hiện khai thác, chế biến đá công nghiệp, đá Đôlômit, đá xây dựng từ nhiều năm qua. Trong điều kiện làm việc người lao động thường xuyên tiếp xúc với bụi silic, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, công ty luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.

Đơn vị lắp đặt hệ thống bơm tưới nước tại trạm nghiền sàng và phun sương chống bụi tại các trục đường xung quanh mỏ nhằm giảm thiểu bụi, sắp xếp thời gian nổ mìn, tránh hướng gió nhằm giảm lượng bụi phát tán vào khu dân sinh…

Khám phát hiện bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp cho hàng nghìn người lao động ở Quảng Bình- Ảnh 4.

Các ngành công nghiệp có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bao gồm khai thác đá, chế biến khoáng sản, xây dựng...

Bên cạnh đó hằng năm công ty cấp các dụng cụ bảo hộ lao động phù hợp cho từng bộ phận. Phối hợp với các cơ quan chức năng tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động cho cán bô, công nhân viên của công ty. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và sức khỏe bệnh nghiệp...

Làm nghề nào dễ mắc bệnh bụi phổi?Làm nghề nào dễ mắc bệnh bụi phổi?

SKĐS - Bệnh bụi phổi nghề nghiệp là bệnh phát sinh do hít phải bụi hoặc hóa chất độc hại trong quá trình lao động. Đây là bệnh khó chữa, thậm chí một số bệnh khi mắc không thể chữa khỏi được.


Đan Thanh
Ý kiến của bạn