Khám phá và chế ngự sự giận dữ của con người

05-03-2017 07:30 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bạn đâu có biết, giận dữ không phải do xã hội tạo nên mà nó có nguồn gốc chính từ trong cấu trúc não bộ của bạn.

Bạn đâu có biết, giận dữ không phải do xã hội tạo nên mà nó có nguồn gốc chính từ trong cấu trúc não bộ của bạn. Giận dữ không thể thay đổi được, chỉ có thể được cải biến mà thôi.

2 sự kiện đối lập

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta gặp nhiều kiểu người khác nhau, mỗi người mang một sắc thái tính cách riêng. Trước kia, khi tâm lý học và tâm thần học chưa phát triển, người ta một mực cho rằng tính cách của con người là do môi trường sống tạo nên. Và người ta lấy ra nhiều ví dụ minh họa cho điều này. Chẳng hạn như một người thích vi phạm giao thông như ở Việt Nam nhưng nếu được sinh sống ở nước Mỹ một thời gian thì tính cố tình vi phạm giao thông sẽ tự bỏ. Điều đó rõ hẳn là do môi trường sống tạo ra. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, tính thích vi phạm giao thông ấy là không bỏ được, nó chỉ có thể biến điệu đi như thế nào đó để phù hợp, còn bản chất của chúng vẫn còn nguyên vẹn và được mã hóa trong cơ thể chúng ta.

Sự giận dữ cũng vậy, cũng khó có thể gọt bỏ. Ít ai có thể ngờ được rằng, một người hay giận dữ lại rất muốn giảm giận dữ. Họ nhận thức được sự giận dữ quá mức là không tốt. Nó đem lại những hậu quả tiêu cực nhiều hơn là hiệu quả tích cực. Bản thân họ muốn thay đổi song lại rất khó. Khó bởi nó được phát sinh từ trong cơ thể bạn chứ nó không phải là hoạt động bề nổi. Chỉ khi nào bạn thay đổi được cấu trúc bên trong cơ thể bạn thì may ra mới mong thay đổi được điều này. Song việc này, tính cho đến thời điểm hiện tại, y học chưa có ý tưởng và chưa thể thực hiện được.

Xét về khía cạnh giận dữ, người ta có thể tạm chia con người trên toàn bộ thế giới gần 7 tỉ người này thành 2 nhóm: nhóm người giận dữ và nhóm người nền tính. Nhóm người giận dữ là nhóm người dễ dàng nổi cáu với những sự việc xảy ra, cường độ giận dữ dễ dàng đạt tới tối đa và khó kiểm soát hành vi. Trong khi đó, nhóm người nền tính thì ngược lại, họ ít khi giận dữ và cường độ giận dữ khó đạt đỉnh điểm mặc dù cùng chung một sự việc tác động.

Nhóm nhân bên của vùng dưới đồi là trung tâm giận dữ sinh học của cơ thể.

Nhóm nhân bên của vùng dưới đồi là trung tâm giận dữ sinh học của cơ thể.


Đi tìm nguyên nhân

Sự giận dữ của con người đã hình thành từ rất sớm, ngay từ khi đứa trẻ biết đi và biết tranh giành. Khi đó, sự giận dữ đã bắt đầu hình thành. Và khi đứa trẻ lớn lên, nó ngày càng phát triển tới mức hoàn hảo của một cơn giận dữ điển hình. Sự phát triển này là do “trung tâm giận dữ” trong não bộ đã lớn lên đủ mức để gây sự với người khác. Bạn đừng vội đổ lỗi cho cháu bé kiểu như: sao tính “mày” xấu thế nhỉ, tao có giận dữ nổi cáu như “mày” đâu. Hoặc là: sao con lại nổi cáu như thế, bố mẹ có ai tính như con đâu. Bởi bạn chính là nguồn gốc góp phần làm xuất hiện cơn giận dữ của cháu bé bằng cách di truyền gene giúp “trung tâm giận dữ” hình thành và phát triển.

Khi mổ xẻ não bộ, người ta thấy trong não bộ có vô số cấu trúc khác nhau. Chúng nhũn như đậu, trắng như sữa, nhiều mạch máu bùng nhùng, bầy nhầy. Trong đám hỗn độn ấy có trung tâm của nói, đọc, phát âm; của nghe, ngửi, tư duy và có cả trung tâm của giận dữ. Trung tâm đó là trung tâm không thỏa mãn nằm ở vùng dưới đồi, thuộc hệ limbic của não bộ con người.

Bằng nhiều thí nghiệm khoa học khác nhau người ta đã lần mò ra các nhân thần kinh nằm ở phía bên của vùng dưới đồi. Các nhân này có chức trách tạo ra sự giận dữ. Để thẩm định điều này, người ta đã phải thí nghiệm đi thí nghiệm lại. Người ta làm thế nào? Các nhà khoa học đã đưa các điện cực cắm sâu vào trong não bộ ở tất cả các chỗ và tạo ra các kích thích khác nhau cốt yếu chỉ để tìm ra cái gì trong não đã tạo ra các cơn nổi trận lôi đình. Bởi trong suy nghĩ của các nhà khoa học, chắc chắn sự giận dữ nó phải nằm đâu đó trong não bộ, phải có chỗ nào đó tạo ra nó chứ không có một bàn tay chúa trời nhào nặn ra. Theo lối tư duy như thế, họ bắt đầu tìm thấy ánh sáng.

Khi kích thích vào nhóm nhân bên của vùng dưới đồi, người ta quan sát thấy con vật có những biểu hiện rất lạ kỳ. Đầu tiên, đưa một đĩa thịt vào trước mặt con vật. Con vật vui mừng khôn xiết với biểu hiện quẫy đuôi, thè lưỡi, liếm láp, mắt long lanh bởi đó là món ăn nó yêu thích. Ấy thế nhưng vẫn đĩa thịt ấy, lần sau cho ăn kèm theo kích thích vào trung tâm giận dữ, con vật lại trở nên hung hăng, cáu giận, gầm gừ, nhe nanh, giơ vuốt, dựng lông, nói tóm lại là những biểu hiện giận dữ và chỉ muốn chiến đấu. Điều lý thú hơn nữa, người ta nhận thấy, nếu như sử dụng một cái dùi vi thể đục thủng trung tâm giận dữ đó đi, làm cho nó không còn là trung tâm giận dữ nữa thì con vật trở nên hiền từ một cách “dễ sợ”. Nó bình thản, điềm tĩnh, hiền từ và thản nhiên với mọi việc xung quanh. Ban đầu nó là một con vật đầu đàn sẵn sàng chiến đấu thì nay nó trở thành một con vật dễ bị quy phục và không còn phản ứng thích đấu tranh. Như vậy đã rõ, nhóm nhân bên của vùng dưới đồi là trung tâm giận dữ sinh học của cơ thể. Và nếu như một ai đó có trung tâm này càng to, càng dễ bị kích thích, càng phát triển thì người đó càng dễ có khuynh hướng đưa đẩy bàn chân của mình đứng vào nhóm những người giận dữ.

Rõ ràng, để thay đổi tính giận dữ của một người, muốn làm tận gốc, người ta chỉ còn cách gọt bỏ trung tâm giận dữ đi, gọt bỏ đi như kiểu gọt táo. Song điều này là không thể. Người ta chỉ còn hy vọng vào một lý thuyết khác: lý thuyết thông tin.

Có cải thiện được không?

Việc cải biến tính giận dữ của một người là điều không ít người mong mỏi. Nhưng phương án thay đổi não bộ không thể thực hiện được. Nay chúng ta cần hy vọng vào một phương án khác.

Một trong các phương thức quan trọng là phương thức đối chiếu thông tin hay là lý thuyết thông tin.

Phương thức đối chiếu thông tin: trước khi thực hiện bất cứ một việc gì, người ta luôn đặt ra cho mình một mục tiêu hoàn thành. Đó là hình mẫu thông tin đích. Ví dụ, một người đang đi ngoài trời rét, đói cồn cào, ước ao cho mình có 1 bát cơm nóng để ăn khi về nhà. 1 bát cơm nóng là hình mẫu thông tin đích. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện công việc thực sự, kết quả tạo ra sẽ có sự sai khác nhất định. Kết quả này được gọi là hình mẫu thông tin thực. Tiếp tục ví dụ ở trên, giả sử về nhà chỉ còn ½ bát cơm nóng. ½ bát cơm nóng được gọi là hình mẫu thông tin thực. Tự trong não bộ của người đó có sự so sánh giữa hình mẫu thông tin thực và hình mẫu thông tin đích. Nếu như hình mẫu thông tin thực lớn hơn hoặc ít nhất bằng hình mẫu thông tin đích thì vỏ não sẽ không gửi kích thích xuống trung tâm giận dữ và nó không được kích hoạt. Ngược lại, nếu hình mẫu thông tin thực nhỏ hơn hình mẫu thông tin đích, não bộ ngay lập tức gửi kích thích xuống trung tâm giận dữ và làm phản ứng giận dữ xảy ra như một dòng thác xối.

Dựa theo lý thuyết, điều chúng tôi muốn truyền tải tới các bạn, rằng các bạn cần kiểm soát cơn giận dữ của mình. Chúng tôi không thể làm biến mất nó, bởi nó vẫn tồn tại trong cơ thể bạn như gene mã hóa bên trong cơ thể bạn vậy. Chúng tôi muốn chỉ cho bạn cách chế ngự nó.

Bạn chỉ cần hạ thấp chỉ tiêu hình mẫu thông tin đích xuống, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của bạn thì bạn đã tạo cơ hội cho hình mẫu thông tin thực khớp với nó. Đừng đặt ra mục tiêu quá xa so với điều kiện, khả năng của bạn. Điều đó rất không có lợi.


BS. Phúc Lâm
Ý kiến của bạn