SKĐS - Gần một tháng trở lại đây, trẻ em ở phố Hoàng Liên (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không còn rong ruổi tìm chỗ chơi trong làng, thay vào đó các em nhỏ đến thư viện miễn phí để đọc sách.
Tủ sách miễn phí nằm trong dự án "Xây dựng thư viện yêu thương tuyên truyền, vận động lan tỏa văn hóa đọc qua từng trang sách" được chị Ngô Quỳnh Liên (số 2 tổ dân phố Hoàng Liên, phường Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ấp ủ suốt 5 năm qua. Đến tháng 2 năm 2023, thư viện sách miễn phí chính thức đi vào hoạt động.
Lan tỏa văn hóa đọc qua "Thư viện yêu thương".
"Dù mở thư viện sách miễn phí không còn mới mẻ nhưng đối với phố Hoàng Liên, xóm nhỏ của chúng tôi là điều lạ trong những cái rất quen. Bởi phố Hoàng Liên, phường Liên Mạc là nơi sát vùng ven ngoại thành, học sinh ở đây thiệt thòi hơn nhiều so với vùng nội thành. Các em không có nhiều sân chơi, hoạt động trải nghiệm.
Thay vì để trẻ em tiếp xúc với thiết bị điện tử, tôi muốn lan tỏa văn hóa đọc tới các em nhiều hơn. Đọc sách là bộ môn giải trí lành mạnh, giúp trẻ em thoát khỏi thói quen xấu và tạo dựng nên nếp sống lành mạnh, bổ ích", chị Quỳnh Liên chia sẻ.
Tâm sự về hành trình dựng tủ sách yêu thương, chị Liên cho biết, nhiều người bạn cũng từng có ý tưởng như chị nhưng thất bại. Bạn của chị xây dựng tủ sách bằng cách đầu tư mặt bằng, mua sách mới về làm đẹp thư viện, sau đó, thuê người về quản lý. Dù thư viện đẹp và toàn sách mới nhưng số lượng bạn đọc đến lại ít bởi mang tính cá nhân. Chị Liên quyết định làm khác với mọi người, tập trung xây dựng thư viện bằng cách lan tỏa nhiều hơn và hướng đến cộng đồng.
"Tôi coi thư viện như của cộng đồng chứ không phải của bản thân. Tôi kêu gọi phụ huynh, học sinh, bạn bè cũng như người dân trong phố đến quyên góp sách. Người góp nhiều đến 200 quyển, ít thì 2 đến 3 quyển, mỗi người góp một phần nhỏ tạo nên tủ sách lớn. Không chỉ người lớn, cả những bạn nhỏ chưa biết đọc chữ cũng đến xin góp sách.
Nếu mình bỏ tiền ra mua hết sách, mọi người chỉ vào đọc sẽ cảm thấy không thoải mái. Nhưng khi mọi người cũng chung tay góp sách cảm thấy gần gũi hơn, khiến họ cảm thấy yêu thư viện như của mình và thích đến", chị Liên bộc bạch.