Hà Nội

Khám phá thành phố thời Trung cổ trong lòng đất Angkor

11-10-2014 07:11 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nằm sâu bên trong khu rừng đại ngàn tại xứ Campuchia vẫn còn đó tàn tích của một thành phố thời Trung Cổ hùng vĩ. Dấu mình trong suốt hàng thế kỷ, nhưng bằng các kỹ thuật khảo cổ học mới nhất, bí mật đó ngày nay đã được phát giác, nó bao gồm một mạng lưới tinh vi của các đền đài và đại lộ

Nằm sâu bên trong khu rừng đại ngàn tại xứ Campuchia vẫn còn đó tàn tích của một thành phố thời Trung Cổ hùng vĩ. Giấu mình trong suốt hàng thế kỷ, nhưng bằng các kỹ thuật khảo cổ học mới nhất, bí mật đó ngày nay đã được phát giác, nó bao gồm một mạng lưới tinh vi của các đền đài và đại lộ hoành tráng, cũng như một kỹ thuật xây dựng hết sức vi diệu.

Nhật ký của Henri Mouhot

Vào tháng 4 năm 1858, một nhà thám hiểm người Pháp trẻ tuổi tên là Henri Mouhot đã dong buồm đi từ London (Anh) đến vùng Đông Nam Á. Trong suốt 3 năm sau đó, Henri Mouhot đã đặt chân đến nhiều nơi kỳ thú, khám phá những con côn trùng kỳ lạ nằm sâu trong các cánh rừng già mà ngày nay chúng vẫn đang mang tên ông. Ngày nay, ngỡ như mọi chuyến phiêu lưu đã trở nên bị quên lãng nếu không nhờ có cuốn nhật ký của Henri Mouhot được xuất bản vào năm 1863, tức chỉ 2 năm sau khi Mouhot qua đời vì căn bệnh sốt rét rừng tại Lào, hưởng dương 35 tuổi. Những câu chuyện trong cuốn nhật ký của Mouhot đã khắc gợi nên sự tò mò tưởng tượng từ công chúng, nhưng không phải là những con bọ cánh cứng hay nhện mà Mouhot đã tìm thấy trong rừng.

Phế tích đền tháp Angkor, Campuchia

Độc giả như nín thở bởi những lời mô tả rất sinh động của nhà thám hiểm về những ngôi đền khổng lồ bị “nuốt chửng” bởi rừng già: Mouhot đã giới thiệu cho cả thế giới biết về thành phố bị lãng quên thời Trung Cổ-Angkor ở Campuchia cũng như cảm hứng lãng mạn và lộng lẫy từ nó. Henri Mouhot đã viết: “Một trong các ngôi đền, một đối thủ của Solomon, và đã được tạc dựng bởi Michlangelo cổ đại, có thể nó đã nằm ở một vị trí danh dự bên cạnh những tòa nhà đẹp đẽ nhất. Ngôi đền đó lớn hơn bất kỳ tòa nhà nào được nhìn thấy tại Hy Lạp hay La Mã”. Lời mô tả của Mouhot đã được thiết lập trong một nền văn hóa đại chúng về những nhà thám hiểm điển hình khi đã tìm ra những ngôi đền bị quên lãng. Hôm nay, Campuchia là xứ sở nổi tiếng bởi những công trình kiến trúc này.

Lớn nhất trong số đó là Angkor Wat, tòa đền đài này được xây dựng vào khoảng năm 1150, nó vẫn đang là phức hợp kiến trúc tôn giáo lớn nhất trên Trái đất, bao phủ một diện tích lớn 4 lần so với thành phố Vatican. Angkor Wat thu hút 2 triệu lượt du khách quốc tế mỗi năm và luôn là lá cờ đầu kiêu hãnh về du lịch cho đất nước Campuchia. Ngược trở lại thời điểm thập niên 1860, Angkor Wat là một chốn hư vô đối với cánh tu sĩ và dân làng lân cận trong vùng. Khái niệm rằng ngôi đền to lớn này từng bao phủ cả một thành phố với gần 1 triệu dân sinh sống xem như vẫn chưa mấy ai biết đến. Phải mất hơn 1 thế kỷ nghiên cứu khảo cổ chuyên sâu để thành lập nên một bản đồ đầy đủ thì bí mật về Angkor Wat mới được lộ sáng. Đô thị quên lãng Angkor dần dần trỗi dậy, đường phố lần lần hiện ra. Nhưng ngay cả sau đó những khoảng trống đáng kể vẫn chưa được hé lộ.

Đô thị cổ đại dưới lòng đất Angkor

Rồi đến năm 2013, các nhà khảo cổ đã thông báo về một chuỗi các khám phá mới mẻ đối với Angkor, và thậm chí còn có cả một thành phố nằm bên dưới lòng đất của khu rừng đại ngàn. Một nhóm nghiên cứu quốc tế được dẫn đầu bởi TS Damian Evans của Đại học Sydney (Australia) đã lập bản đồ một diện tích khu vực rộng 370km2 bao quanh Angkor theo một cách chi tiết chưa từng có, không có nghĩa là mật độ của khu rừng già và sự cày xới của bom mìn trong cuộc Nội chiến ở Campuchia đã làm hé sáng bí mật bị che giấu. Không đầy 2 tuần, cuộc khảo sát đã kết thúc tốt đẹp. Bí mật của họ là gì? Lidar – một kỹ thuật viễn thám tinh vi đã mang lại cuộc cách mạng hóa cho khảo cổ học, đặc biệt hoạt động hiệu quả tại vùng nhiệt đới.

Một góc phế tích Angkor

Được gắn trên một chiếc máy bay trực thăng di chuyển khắp các vùng nông thôn, thiết bị Lidar của các nhà nghiên cứu đã bắn ra hàng triệu tia laser cứ mỗi 4 giây/lần xuyên qua tán lá của rừng già, nó sẽ ghi lại những thay đổi mỗi phút trên địa hình bề mặt mặt đất. Những phát hiện thật đáng kinh ngạc. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hình ảnh của một thành phố chưa từng được ghi lại trên trên sàn rừng, với các đền đài, đường cao tốc và những hệ thống đường thủy tinh vi nằm trải dài trên bề mặt địa hình. TS Damian Evans hào hứng cho biết: “Đó là thời khắc chúng tôi thốt lên “Eureka!” (Tìm thấy rồi) khi mà lần đầu tiên các dữ liệu hiện lên rõ mồn một trên màn hình, chình ình trước mặt bạn là một đô thị cổ đại”.

Những khám phá mới mẻ này đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta về Angkor, đô thị Trung Cổ lớn nhất Trái đất. Vào thời hoàng kim khoảng cuối thế kỷ 12, Angkor là một siêu đô thị sầm uất với diện tích khu vực rộng hơn 1.000km2. (Và có lẽ mất tới 700 năm sau đó, thủ đô London mới đạt được diện tích này). Nó là cựu kinh đô của đế quốc Khmer được cai trị bởi các vua chiến binh nắm quyền độc tôn trong toàn vùng xuyên suốt hàng thế kỷ, mà lãnh thổ của nó bao quát cả Campuchia và phần lớn diện tích của các quốc gia Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar. Tuy vậy, nguồn gốc và nơi khai sinh ra đế quốc Khmer cho đến nay vẫn còn là một tấm màn bí ẩn. Một vài bản khắc chữ ít ỏi còn sót lại cho thấy đế quốc Khmer đã được thành lập vào đầu thế kỷ thứ 9 bởi vị Đại hoàng đế là Jayavarman II, và vương quốc thủa ban đầu của Ngài là Mahendraparvata, nằm đâu đó trên vùng đồi Kulen, đó là một vùng bình nguyên bao phủ rừng rậm nằm ở phía Đông Bắc của Angkor (Angkor mãi sau này mới được dựng lên).

Phra Sav Ling Povn, tòa cung điện của “vua hủi”, nằm gần Angkor Wat, ảnh chụp khoảng năm 1930

Nhưng chẳng ai biết chắc chắn về nó mãi cho đến khi đội nghiên cứu Lidar tìm đến. Thông qua khảo sát bằng Lidar trên các vùng đồi đã khám phá ra những phác thảo ma quái hiện trên sàn rừng của các ngôi đền bị quên lãng cũng như một mạng lưới rất phức tạp và hoàn toàn gây bất ngờ của các đại lộ nghi lễ, kênh đào và những hồ nước nhân tạo của đô thị cổ đại. Và ấn tượng hơn hết trong số đó là bằng chứng về một kỹ thuật thủy lực quy mô lớn, là minh chứng hùng hồn của đế quốc Khmer. Vào thời điểm đế quốc Khmer di chuyển kinh đô từ phương Nam sang Angkor khoảng cuối thế kỷ thứ 9, các kỹ sư Khmer đã lưu trữ và phân phối một lượng nước mưa quý giá, khổng lồ bằng cách sử dụng một phức hợp mạng lưới các kênh đào và bể chứa nước đồ sộ.

Việc khai thác gió mùa đã cung cấp an ninh lương thực – và khiến cho tầng lớp cầm quyền trở nên rất giàu có. Trong vòng 3 thế kỷ kế tiếp đó, người Khmer đã dồn của cải của mình để tập trung tạo dựng nên những đại công trình đền đài vĩ đại nhất Trái đất. Một trong số đó là ngôi đền Preah Khan được xây dựng vào năm 1191, sử dụng đến 60 tấn vàng nguyên chất. Ngôi đền này có giá trị vào ngày hôm nay khoảng 2 tỷ bảng Anh (tương đương 3,3 tỷ USD). Nhưng bất chấp sự giàu có tột đỉnh của Angkor, mây đen báo điềm xấu đã xuất hiện. Cùng thời điểm mà chương trình xây dựng đền đài của Angkor đạt đỉnh điểm, mạng lưới thủy lực quan trọng của nó đã gặp sự cố - ngay tại thời điểm tồi tệ nhất có thể. Cuối thời kỳ Trung Cổ đã có sự thay đổi khí hậu đáng kể tại khu vực Đông Nam Á.

Thông qua việc nghiên cứu các mẫu vòng thân cây đã ghi lại sự thay đổi đột ngột giữa các điều kiện khô hạn và ẩm ướt – và bản đồ Lidar đã khám phá ra rằng những thiệt hại thảm khốc do lụt lội tại Angkor là do mạng lưới thủy lợi tại đây. Khi cuộc sống bình yên bị đổ vỡ, Angkor đã bước vào vòng xoáy suy tàn mà mãi vẫn không phục hồi lại được. Vào thế kỷ 15, các vì vua Khmer đã hủy diệt vương quốc của họ và di chuyển sang miền duyên hải. Họ xây dựng nên một đô thị mới gọi là Phnom Penh, tức là thủ đô của Campuchia ngày nay. Cuộc sống ở Angkor dần dần trở nên điêu tàn. Khi nhà thám hiểm Henri Mouhot đặt chân đến Angkor, ông chỉ khám phá ra các quần thể đền đá, và nhiều ngôi đền đá đang nằm trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Gần như mọi thứ từ các nhà ở dân gian cho đến các cung điện hoàng gia, tất cả đều được xây dựng bằng gỗ đã trở nên mục ruỗng. Siêu đô thị rộng lớn của một thời, bao phủ các ngôi đền đã dần dần bị “xơi tái” bởi rừng già.

Nguyễn Thanh Hải (BBC NEWS – 2014)


Ý kiến của bạn