Lên Pà Cò xem người Mông giã bánh dày ăn Tết.
Theo tục lệ truyền thống, họ sẽ ăn tết trong 4 ngày đầu sau đó tổ chức các lễ hội vui chơi giải trí cho đến tận ngày 15 mới kết thúc.
Cũng giống như người Kinh, Tết phải có bánh chưng thì bánh dày là món không thể thiếu trong Tết của người Mông.
Bánh dày theo tiếng Mông có tên là "pé" hoặc "dúa". Người Mông quan niệm bánh dày là biểu tượng của tình yêu thủy chung, biểu tượng của sự sống, của mặt trăng, mặt trời.
Bắt đầu từ ngày 25/11 (Âm lịch) trở đi các nhà sẽ mổ lợn để tiếp đãi họ hàng, anh em trong gia đình, đây là bữa cơm tất niên cuối năm. Bữa cơm này thường có rượu ngô, thịt lợn, cơm trắng và canh rau. Tùy từng điều kiện mà các nhà có thể thịt lợn nhiều hay ít nhưng tối thiểu phải thịt một con, số thịt ăn chưa hết sẽ được cắt nhỏ ra rồi treo lên gác bếp ăn dần trong những ngày tết. Họ dành những ngày cuối năm, từ 27 đến 28 tháng 11, để chuẩn bị lấy sẵn cỏ cho bò, nấu trước cám cho lợn. Như vậy trong mấy ngày tết họ không phải làm việc nữa.
Đến ngày 30/11, người Mông sửa sang, thay mới ban thờ. Trước khi làm lễ cúng tổ tiên, từng dòng họ trong bản cử thanh niên trai tráng, chặt một cây to cao mang về dựng ở cuối bản, nơi có đủ mặt bằng cho cả họ tập trung lại và đan cỏ tranh thành hai sợi dây dài trang trí vòng tròn trên cây. Đây được gọi là lễ “Sầu su” tổ chức vào ngày cuối cùng âm lịch của tháng 12.
Một trong những phong tục truyền thống không thể thiếu trong đón Tết của người Mông là giã bánh dày.
Để chuẩn bị giã bánh dày, các thanh niên khỏe mạnh trong bản phải chuẩn dụng cụ như cối, chày bằng gỗ. "Để giã được bánh dày ngon dẻo, người giã phải có sức khỏe, ít nhất phải từ 2 đến 4 người, thế nên chúng tôi thường tập trung đến giã từng nhà một của các thành viên" anh Sùng A Linh một người dân Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình chia sẻ.
Nguyên liệu để làm ra chiếc bánh dày là gạo nếp nương. Bà con người Mông sau khi thu hoạch lúa nương, chọn những mẻ gạo nếp to, tròn đều, phơi khô, cất kĩ rồi dịp tết đem ra làm bánh.
Những thanh niên khỏe mạnh sẽ được phân công giã bánh dày. Để có được những chiếc bánh dày ngon, dẻo, các chàng trai phải giã cơm xôi trong 30 phút.
Theo quan niệm của người Mông, bánh dày là loại bánh mang nghi thức tâm linh, cúng lễ nên hàng năm bà con dân tộc Mông còn tổ chức hội thi giã bánh dày là truyền thống. Đây là hội thi cho thanh niên trổ tài, cầu mong may mắn. Đàn ông thanh niên giã bánh, phụ nữ nặn bánh, rán bánh rồi mời cả bản, cả dòng họ thưởng thức những chiếc bánh ngon.