Khám phá ngôi làng cổ kính bậc nhất Thủ đô.
Theo các thư tịch còn lưu giữ được đến nay, vào cuối đời Trần (thế kỷ 14), lần lượt các dòng họ Nguyễn, Phạm, Đỗ, Phan… từ các đất Ái Châu, Hoan Châu ra định cư ở làng, có công mở mang rất lớn.
Cũng từ những ngày đầu dựng nhà, lập làng, đã có cụ Phan Phu Tiên đỗ Thái học sinh (tương đương với Tiến sĩ), đời nhà Trần; sau đó lại đỗ khoa Minh Kinh vào năm Kỷ Dậu (1429), đời nhà Lê.
Từ đó đến hết triều Nguyễn, làng Đông Ngạc đã có 21 tiến sĩ văn và một tiến sĩ võ. Các dòng họ trong làng Đông Ngạc đều có người đỗ đại khoa. Nổi bật là gia đình Hoàng giáp Hoàng Tế Mỹ có ba đời nối tiếp nhau đỗ Tiến sĩ và một Phó bảng; gia đình Bảng nhãn Phạm Quang Trạch có tới bảy người đỗ đại khoa.
Cũng bởi có nhiều người đỗ đạt cho nên làng Đông Ngạc đã trở thành làng khoa bảng nổi tiếng khắp kinh thành Thăng Long. Từ thời phong kiến, làng được xã hội suy tôn là làng văn hiến. Đến nay, truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao và nhiều người có công lao, đóng góp cho đất nước vẫn được duy trì và phát triển tại đây.
Sĩ phu yêu nước Hoàng Tăng Bí (1883-1939); Giáo sư Hoàng Minh Giám, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Bộ trưởng Văn hóa; đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao cũng xuất thân từ ngôi làng này.