Trong môi trường đặc biệt, hàng nghìn mô bệnh phẩm đang được cất giữ cẩn thận chờ ngày ghép trở lại cơ thể, đó có thể là những mảnh xương sọ, xương chi, gân, màng ối... với nhiều kích cỡ khác nhau. Bằng những kỹ thuật bảo quản tiên tiến, Bộ môn Mô học và Phôi thai học -Trường ĐH Y Hà Nội là một trong số ít cơ sở ở nước ta có thể lưu giữ tốt những mô bệnh phẩm quan trọng phục vụ điều trị, đặc biệt là những kỹ thuật cao về cấy ghép xương, tạo hình dây chằng.
Lưu giữ một phần cơ thể chờ được ghép
Cú va đập do tai nạn xe máy khiến anh Nguyễn Trung T, 43 tuổi (Thanh Oai - Hà Nội) phải vào Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật sọ não trong tình trạng cấp cứu. Các bác sĩ tiến hành mở hộp sọ để giải áp lực nội sọ và xử trí những tổn thương bên trong. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải lấy ra một mảnh hộp sọ bị vỡ mang đến Bộ môn Mô học và Phôi thai học - Đại học Y Hà Nội để cất giữ, sau khi điều trị tổn thương trong não ổn định, anh T. sẽ được ghép trở lại mảnh xương hộp sọ này.
Nơi bảo quản mô với nhiệt độ âm 85oC tại Trường đại học Y Hà Nội. Ảnh: Hà Anh |
Để quá trình bảo quản mô cho người bệnh, labô phải cung cấp các túi đựng đặc biệt đến các bệnh viện, các túi này gồm 3 lớp (vải, nilông mỏng và nilông dày) đã được khử khuẩn. Quá trình xử lý và bảo quản các mảnh mô rất phức tạp, sau khi mô được lấy ra khỏi cơ thể phải chuyển đến labô càng nhanh càng tốt, đặc biệt là các mô hữu cơ (như gân, màng ối) vì chúng dễ bị phân hủy. Sau đó mô phải được khử khuẩn bằng tia gamma để đảm bảo an toàn tuyệt đối vô khuẩn rồi mới đưa vào bảo quản, đặc biệt là các mô đồng loại vì nếu không khử khuẩn, sàng lọc tốt các bệnh truyền nhiễm thì dễ xảy ra nguy cơ bị lây nhiễm bệnh khi ghép. Hiện tại các chuyên gia bảo quản mô ở labô sử dụng 2 phương pháp bảo quản, đó là dùng phương pháp lạnh sâu (âm 85oC) và phương pháp đông khô (vừa bảo quản lạnh sau đó đưa vào hút hết nước trong điều kiện âm 56oC, áp suất 0,04mmbar- gần như áp suất chân không). Đây cũng là 2 kỹ thuật bảo quản mô tốt nhất hiện nay.
Phục vụ các kỹ thuật điều trị hiện đại
Tại Việt Nam, việc áp dụng quy trình sàng lọc, thu nhận, xử lý và bảo quản mô theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Ngân hàng Mô châu Á - Thái Bình Dương đã được thực hiện ở một số trung tâm bảo quản mô trong đó có labô bảo quản mô của Trường ĐH Y Hà Nội. Nhờ có labô này mà những ca tạo hình dây chằng chéo khớp gối bằng mảnh ghép đồng loại đầu tiên đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Việt Đức vào năm 2008 và đến nay đã triển khai ở hai cơ sở chính là Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện ĐH Y Hà Nội với số lượng bệnh nhân được tạo hình dây chằng bằng mảnh ghép đồng loại hơn 10 ca.
ThS. Trần Trung Dũng, Bộ môn Ngoại - Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, trước đây vật liệu tổng hợp và vật liệu tự thân là 2 nguồn chính để tạo hình lại cho người bị đứt dây chằng chéo trước khớp gối nhưng chúng có nhiều hạn chế. Nổi trội về ưu thế hơn tất cả những kỹ thuật trên chính là sử dụng vật liệu đồng loại, đó là các phần gân lấy ra từ cơ thể của người khỏe mạnh, được bảo quản trong ngân hàng mô và sử dụng để thay thế cho đoạn dây chằng bị đứt.
Hiện nay labô của Bộ môn Mô học và Phôi thai học không chỉ là nơi bảo quản các dạng mô mà còn nghiên cứu tạo ra những vật liệu thay thế mô như vật liệu từ san hô để tạo sống mũi, hốc mắt cho phẫu thuật thẫm mỹ; vật liệu cacbon composite tạo thành chất liệu vá hộp sọ thay cho xương hay kết xương gãy lại với nhau; chế tạo bột xương đông khô khử khoáng, phục vụ cho các bệnh lý răng hàm mặt trong trường hợp bị nhồi ổ khuyết xương... Cùng với Viện Công nghệ xạ hiếm, các nhà khoa học của labô bảo quản mô đang có những thành công ban đầu sản xuất xương nhân tạo có gần như đầy đủ đặc tính sinh học của cấu trúc xương người để ghép xương thay thế cho người bệnh ung thư xương, u tế bào nhân khổng lồ.
TS. Ngô Duy Thìn cho biết, tuy đang bảo quản hàng nghìn mô bệnh phẩm cho người bệnh nhưng thực tế này chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị, các nhà khoa học ở đây hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật bảo quản hiện đại nhất nhưng nguồn cung cấp mô cho labô còn nhiều khó khăn. Do vậy cần sớm phải xây dựng một ngân hàng mô với đầy đủ những điều kiện cần thiết sẽ là cơ sở cho nhiều kỹ thuật điều trị hiện đại được thực hiện.
Lê Hảo