Khám phá mới về tục ăn đất

22-06-2011 13:10 | Thời sự
google news

Cho đến nay, thói quen ăn đất vẫn được duy trì trong không ít cộng đồng dân cư thế giới. Rất nhiều nghiên cứu về hiện tượng kỳ lạ này đã được tiến hành nhằm giải thích vì sao lại có khá nhiều người “nghiện” ăn đất đến như vậy.

Cho đến nay, thói quen ăn đất vẫn được duy trì trong không ít cộng đồng dân cư thế giới. Rất nhiều nghiên cứu về hiện tượng kỳ lạ này đã được tiến hành nhằm giải thích vì sao lại có khá nhiều người “nghiện” ăn đất đến như vậy. Những phát hiện mới nhất cho thấy, tục ăn đất không phải bắt nguồn từ nguyên nhân chống đói hay để bổ sung các chất vi lượng đang thiếu hụt cho cơ thể như lâu nay người ta vẫn nghĩ.

Từ một thói quen lâu đời kỳ lạ

Đã nhiều thế hệ, người dân miền Đông đảo Pemba ở châu Phi thường tỏ ra rất vui mừng khi chứng kiến cảnh các thiếu nữ trẻ bắt đầu ăn đất, bởi đó là dấu hiệu cho biết người phụ nữ đang có thai. Theo GS. Sera Young - chuyên gia nhân chủng học người Mỹ nổi tiếng, người đã dành cả cuộc đời toàn tâm nghiên cứu chuyên ngành geophagy - tức tục ăn đất của con người, thì tại tất cả các lục địa trên thế giới (trừ Nam cực) đều có những người khoái ăn đất. Đặc biệt, trẻ em và phụ nữ mang thai là đối tượng hay gặp nhất. Với những người này, khẩu phần ăn trung bình mỗi ngày của họ ít nhất khoảng 25g.

Các nghiên cứu của GS. Sera Young còn cho thấy, tục ăn đất đã tồn tại từ rất lâu đời, thậm chí acon người thời nguyên thủy cũng từng lệ thuộc thói quen này. Tại một địa điểm khai quật khảo cổ ở châu Phi, người ta đã tìm thấy rất nhiều bột đất sét gần gũi với sinh hoạt của con người và các nghiên cứu khoa học sau đó chứng tỏ rằng thứ bột đất sét này từ 2 triệu năm trước đã nằm trong thành phần bữa ăn của trẻ em. Tất nhiên, phụ nữ có thai không ăn bất kể loại đất nào có bên đường đi, họ thường phải mất khá nhiều công sức để tìm được loại “sản phẩm” đúng với tiêu chuẩn. Họ đào bới đất sét trong lòng những cái giếng đặc biệt hoặc lấy từ những địa điểm nhất định, nơi có mỏ đất sét.

Chứng cứ người ăn đất “khảnh ăn” như thế nào đã được nhà bác học người Đức Alexander von Humboldt phát hiện hơn 200 năm trước, khi ông nghiên cứu cuộc sống của dân chúng ở vùng đất thuộc Venezuea ngày nay. Người da đỏ Otomac địa phương, theo ghi chép của nhà bác học - thường chọn loại đất ở lớp đất “béo nhất và mịn nhất”, sau đó đem hòa với nước, lọc qua nước, chắt lấy lớp lắng cặn tinh khiết nhất đem phơi hoặc sấy khô để dùng ăn dần. Trong các tài liệu của mình, Humboldt ghi: “Người da đỏ tại vùng lãnh thổ thuộc Venezuena ngày nay ăn đất với số lượng rất lớn. Họ còn biết cất trữ sản phẩm này ở dạng những viên nhỏ sấy khô để dành cho nạn đói”.

 Bánh được làm từ đất sét trộn với muối và bơ ở Haiti.

Đến một giả thiết...

Giả thiết lâu nay vẫn được nhiều người đồng thuận là: con người thích ăn đất bởi vì đất có tác dụng như một loại thuốc chữa bệnh. Từ lâu, người ta đã biết rằng, đất sét  là nguồn cung cấp dồi dào magiê, canxi, kali, sắt và vô số nguyên tố vi lượng khác.

Mới đây nhất, chuyên gia người Anh, GS. Peter Hood lại khẳng định rằng, khi ăn đất, nguyên liệu này sẽ lấy đi của cơ thể lượng khoáng chất lớn hơn nhiều so với những gì nó mang lại. Cùng với các cộng sự của mình, GS. Hood đi đến kết luận bất ngờ như thế sau khi họ có được kết quả từ một phản ứng hóa học giữa bùn đất và dịch tiết ra từ hệ tiêu hóa trong điều kiện phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học đã trộn đất sét, dịch tiết ra từ dạ dày và các hợp chất dinh dưỡng, sau đó xét nghiệm thành phần hóa học của hỗn hợp tạo ra trong nhiệt độ tương tự thân nhiệt. Kết quả phân tích cho thấy, nhiều hợp chất dinh dưỡng đã liên kết với những cấu trúc siêu nhỏ của đất sét - phản ứng dẫn đến tình trạng suy giảm các thành phần sắt, kẽm và đồng trong hỗn hợp. Điều này cũng hoàn toàn trùng hợp với những quan sát mà nhà bác học Sera Young ghi nhận được trong thời gian thực hiện các công trình nghiên cứu tại đảo Pemba - nhiều phụ nữ ăn đất đã bị bệnh thiếu máu và suy giảm chất sắt nghiêm trọng trong máu.

Theo hai nhà khoa học này thì chính nhờ sự hấp thu chất vi lượng của các phân tử đất sét nên đất sét mới có tác dụng tẩy rửa, lấy đi các độc tố có trong cơ thể, giúp cơ thể đào thải các hợp chất độc hại, nó giống như những liều thuốc tẩy rửa dạ dày hữu hiệu nhất.

Để chứng minh giả thiết trên, thời gian qua, GS. Sera Young đã chỉ đạo nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích 30 mẫu đất lấy từ đảo Pemba, Kirgizja, Indonesia và những địa bàn khác thuộc thành phố Aberdeen, Scottlen. Từ đó ông và các cộng sự đã xác định được công thức các nguyên tố hóa học trong các mẫu đất này có khả năng tẩy rửa khỏi cơ thể những hợp chất độc hại mà con người vô tình hấp thụ từ các bữa ăn hằng ngày và môi trường không khí ô nhiễm.

Tuy nhiên, đây chỉ là những thông tin thú vị giúp bạn đọc hiểu thêm về các tập tục kỳ lạ trên thế giới.

            Trung Kiên(Theo N and Z)


Ý kiến của bạn