Hà Nội

Khám phá mới về tác dụng chống trầm cảm của thuốc gây mê ketamine

06-06-2020 16:58 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các nhà khoa học từ Viện Karolinska, Thụy Điển (KI) vừa kết thúc nghiên cứu phát hiện ra một cơ chế mới về khả năng chống trầm của thuốc gây mê ketamine.

Nghiên cứu của KI cho hay, ketamine là thuốc gây mê ra đời cách đây hơn 50 năm nhưng nay lại có thêm tác dụng đối với não bộ. Theo đó, đối với các bệnh nhân bị trầm cảm kháng trị, ketamine lại có tác dụng tích cực nhờ tương tác với một thụ thể serotonin cụ thể có trong não. Từ lâu, khoa học phát hiện thấy, nồng độ serotonin thấp trong não liên quan đến các rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm, khiến căn bệnh này trở nên trầm trọng hơn. Trong số 14 loại serotonin khác nhau trong não, có nột loại serotonin 1B được xem là thủ phạm chính.

Mikael Tiger, Khoa Thần kinh lâm sàng thuộc KI, tác giả nghiên cứu cho hay, qua chụp não những người tham gia nghiên cứu bằng kỹ thuật chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), thì những ai bị trầm cảm có thụ thể serotonin 1B trong não thấp thường bệnh nặng. Một nhóm người mắc chứng rối loạn trầm cảm kháng trị được chụp PET trước và sau khi dùng ketamine. Sử dụng chất đánh dấu phóng xạ liên kết với thụ thể serotonin 1B, nhóm đề tài đã xác định sự gia tăng đặc biệt của thụ thể serotonin 1B liên kết ở vùng hải mã sau điều trị bằng ketamine.

Ketamin có hiệu quả trong điều trị trầm cảm kháng trị.

Kết quả sự gắn kết ketamine gây ra bởi thụ thể serotonin 1B làm tăng giải phóng dopamine, đồng thời làm giảm mức độ serotonin. Cơ chế mới này giải thích tác dụng của ketamine tới serotonin 1B. Trong giai đoạn tiếp theo, các bệnh nhân được kê ketamine hai lần/tuần trong hai tuần. Kết quả, hơn 70% những người được điều trị bằng ketamine đã phản ứng với thuốc theo thang điểm đánh giá tác dụng giảm trầm cảm tích cực, làm giảm sự giải phóng serotonin nhưng lại làm tăng chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Dopamine giúp mọi người trải nghiệm cảm giác tích cực về cuộc sống, nhưng ở những người mắc bệnh trầm cảm lại thiếu hụt. "Ketamine có ưu điểm là tác dụng nhanh, nhưng cũng có nhược điểm là dễ gây nghiện. Vì vậy, cần có thêm nghiên cứu trong tương lai để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để đưa thuốc vào sử dụng”, Mikael Tiger nhấn mạnh.


Duy Hùng
Ý kiến của bạn