Hà Nội

Khám phá mới về kích thích não sâu chữa béo phì

05-04-2018 10:42 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiện nay, trên thế giới có khoảng 650 triệu người lớn, 340 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị béo phì. Béo phì còn là nguyên nhân gây ra 2,8 triệu trường hợp tử vong mỗi năm.

Đã có nhiều khuyến cáo cũng như biện pháp được đưa ra để hạn chế tình trạng này. Gần đây nhất, các nhà khoa học đã ngẫu nhiên phát hiện biện pháp kích thích não sâu điều trị trầm cảm có thể giúp giảm cân hiệu quả hơn bất kỳ phương pháp nào khác...

Thành công ngẫu nhiên

Anna mắc bệnh trầm cảm trong suốt một thời gian dài. Cô đã được điều trị bằng nhiều biện pháp khác nhau như dùng thuốc chống trầm cảm, tâm lý trị liệu, thậm chí đã từng trải qua liệu pháp sốc điện, nhưng những phương pháp này chỉ có hiệu quả trong một thời gian ngắn và tình trạng trầm cảm lại trở lại. Bên cạnh bệnh trầm cảm, Anna còn phải đối mặt với một vấn đề sức khỏe khác là bệnh béo phì. Cô có cân nặng 183kg với chỉ số BMI là 63, mức nặng nhất. Điều này dẫn đến sự di chuyển bị hạn chế nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm thêm trầm trọng, tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn khó giải quyết, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Kích thích não sâu được phát hiện có tác dụng chữa chứng béo phì.

Kích thích não sâu được phát hiện có tác dụng chữa chứng béo phì.

Để giải quyết, Anna đã thực hiện phẫu thuật nối tắt dạ dày giúp cô giảm cân nhưng kết quả không đạt được như mong đợi và tình trạng trầm cảm không hề được cải thiện. Trước tình huống này, các bác sĩ điều trị cho Anna đã quyết định áp dụng biện pháp mạnh mẽ cuối cùng là thực hiện kích thích não sâu, phương pháp được sử dụng thường xuyên để làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson và động kinh. Tuy nhiên, kết quả đạt được lại nằm ngoài mong đợi của cả bác sĩ và Anna khi tình trạng trầm cảm thuyên giảm đáng kể và cân nặng của cô cũng được cải thiện rất nhiều. Anna đã giảm thêm hơn 50% cân nặng mỗi tháng so với sau khi phẫu thuật giảm béo. Thomas Munte, nhà thần kinh học tại Đại học Lubeck, Đức, người đã điều trị cho Anna cho biết, mục tiêu ban đầu khi thực hiện kích thích não sâu là để điều trị chứng trầm cảm và việc giảm cân là mục tiêu thứ yếu, nhưng trường hợp của Anna đã ngẫu nhiên chứng minh hiệu quả trong việc chữa bị chứng béo phì, hiện đang là đại dịch trên toàn thế giới.

Kích thích não sâu đã được ứng dụng trị bệnh gì?

Kích thích não sâu không phải là cách điều trị mới, nó được bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Mỹ là Wilder Penfield phát triển để điều trị chứng động kinh từ những năm 1930 bằng cách kích thích các bộ phận khác nhau của não với một đầu dò điện. Cùng thời điểm đó, một nhà thần kinh học người Bồ Đào Nha tên là Antonio Egas Moniz đã áp dụng biện pháp này kết hợp với việc loại bỏ một phần của thùy trán để xoa dịu các rối loạn tâm lý, bao gồm trầm cảm. Việc điều trị được coi là thành công trong một số trường hợp nhưng lại gây một số phản ứng phụ như thay đổi nhân cách. Năm 2002, kích thích não sâu đã được chấp thuận để điều trị bệnh Parkinson và tỏ ra rất hiệu quả. Đây là một phương pháp phẫu thuật sọ não nhằm đưa một que kim loại (còn gọi điện cực) vào đúng các cấu trúc sâu trong não. Sau đó, điện cực được nối với một dây dẫn ra khỏi não, luồn dưới da từ vùng đầu đến vùng trước ngực rồi gắn vào máy tạo nhịp được đặt ở đó. Trong trường hợp của Anna, khu vực mục tiêu kích thích là vùng nhân não có tên là nucleus accumbens, khu vực tạo ra những xung thần kinh khiến con người có cảm giác dễ chịu khi được thỏa mãn.

Và ứng dụng trong điều trị béo phì

Bệnh béo phì ở một số người có thể là do Brain Reward System (tạm dịch là: Hệ thống củng cố trong não) thay đổi. Đây là bộ phận có chức năng chính là tăng cường những hành vi có lợi cho sự tồn tại của con người - ví dụ, ăn đồ ngọt, những thức ăn ngon để cung cấp dinh dưỡng; uống nước để cung cấp nước cho tế bào; hoạt động tình dục để duy trì nòi giống; tập thể dục để cải thiện sức khoẻ.... Ở một số người béo phì còn cho thấy các mẫu não khác nhau so với người có trọng lượng bình thường khi nhìn hình ảnh thực phẩm đẹp mắt. Lý thuyết cho thấy vùng não nucleus accumbens là khu vực thu hút con người với những thứ họ ham muốn, có thể là thức ăn, rượu hoặc ma túy. Thông thường, khu vực não này giúp chúng ta hành động một cách hợp lý để ngăn chặn cơn đói nhưng hệ thống củng cố trong não đôi khi lại khiến con người vượt qua các giới hạn và làm cho họ ăn uống nhiều hơn. Do đó, các nhà khoa học có khuynh hướng kích thích vùng não này để giảm sự thèm ăn hơn là điều chỉnh việc ăn uống. Munte, nhà thần kinh học tại Đại học Lubeck, Đức cho biết, nếu vùng não này bị ức chế bởi sự kích thích bằng điện thì sự thèm ăn biến mất và con người không bị thức ăn lôi cuốn.

Hiện nay, phương pháp kích thích não sâu đã được Munte thực hiện cho 3 bệnh nhân khác và được coi là biện pháp cuối cùng khi không có kỹ thuật nào khác phát huy hiệu quả giảm cân. Ông cũng nhấn mạnh rằng, không nên coi đây là biện pháp điều trị phổ biến cho chứng béo phì mà chỉ nên thực hiện khi các phương pháp khác đã thất bại. Ngoài ra, đây là một kỹ thuật tốn kém, có xâm lấn nên không phù hợp với tất cả các trường hợp bị béo phì. Tuy nhiên, những kết quả tích cực ban đầu, nhất là với trường hợp phức tạp như Anna đã chứng minh cách tiếp cận nhắm mục tiêu như kích thích não sâu là một bước tiến quan trọng giúp những người thực sự muốn hoặc cần giảm cân đạt được mong muốn.


Lê Mỹ Giang
Ý kiến của bạn