Khám phá lợi ích từ... vỏ trái cây

05-04-2019 07:38 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Hàng ngày, một lượng lớn vỏ trái cây bị bỏ đi và phải mất rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí để xử lý chúng. Song ít ai biết rằng, chúng thực sự là vựa thuốc khổng lồ...

Vỏ cam

Vỏ cam có nhiều tinh dầu, chứa hơn 60 loại flavonoid và hơn 170 loại phytonutrients khác nhau, ngoài ra, chúng cũng giàu pectin, vitamin, khoáng chất và rất nhiều chất xơ khác. Nghiên cứu cho thấy, vỏ cam có tác dụng làm sạch miệng hơn kẹo cao su, trắng răng, ngừa ung thư da, ruột kết, trực tràng. Vị đắng, giàu chất xơ của trái cam cũng có tác dụng giảm cân, tiêu diệt tế bào mỡ... Ngoài ra, loại vỏ này giúp hệ hô hấp mạnh khỏe, ngừa hen suyễn.

Vỏ cam là một nguồn polysaccharides không hòa tan (loại chất xơ) như pectin, tannin và hemi-cellulose. Các hợp chất này giúp ngăn ngừa táo bón và đóng một vai trò tích cực trong việc ngăn ngừa nôn mửa, ợ nóng.

Bên cạnh đó, vỏ cam còn chứa nobiletin - một loại flavon polymethoxyl hóa (PMFs), các hợp chất được phát hiện có tác dụng tích cực lên tim. Những hợp chất này làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và viêm ngoài việc giảm mức cholesterol trong máu (LDL - lipoprotein mật độ thấp) trong cơ thể.

Vỏ quả dưa vàng

Vỏ dưa vàng khá đắng nhưng chính chất đắng này giúp hấp thụ vitamin C dễ dàng hơn và giúp bài độc cơ thể. Ngoài ra, vỏ dưa vàng còn có tác dụng kháng khuẩn tiêu viêm. Vỏ dưa hấu, vỏ dưa vàng, vỏ dưa gang sau khi luộc lên làm món nộm dưa kết hợp 3 trong 1 có tác dụng giảm béo rất tốt.

Vỏ cà chua

Chất lycopene trong vỏ cà chua có tác dụng chống oxy hóa mạnh, có thể phòng ngăn ngừa bệnh tim mạch, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, phòng chống ung thư. Ngoài ra, vỏ cà chua còn trợ giúp bảo vệ sức khỏe rất tốt. Do vậy, nên ăn nhiều vỏ cà chua hơn bạn nhé!

Vỏ quả nho

Vỏ nho có chứa nhiều chất resveratrol hơn thịt và hạt nho, có thể giảm mỡ trong máu, chống huyết khối, chống bệnh về động mạch, tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt là chất flavonoids trong  vỏ nho tím có công hiệu giảm huyết áp. Vỏ nho còn chứa nhiều vitamin, sắt... Hiện đã có những nghiên cứu ứng dụng vỏ nho trong chế biến thực phẩm dùng để điều trị tăng cholesterol, tiểu đường...

Vỏ quýt tạo hương vị thơm ngon.

Vỏ quýt tạo hương vị thơm ngon.

Vỏ quýt

Vỏ quýt chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C, carotene, protein..., có thể tạo ra nhiều hương vị thơm ngon, khử mùi tanh khi ăn cá, hải sản... Vỏ quýt có vị thơm, còn có thể điều trị chứng đầy bụng, ho, đờm. Khi nấu nước dùng có thể cho vài lát vỏ quýt để tăng thêm mùi vị và bớt béo.

Vỏ táo

Táo là nguồn chống ôxy hóa tự nhiên, có chứa nhiều hợp chất hóa học là flavanoid - rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Hơn nữa, mới đây, các nhà khoa học cho biết, họ đã phát hiện vỏ ngoài của quả táo có chứa các thành phần hóa học cao gấp 6 lần, có thể chống lại bệnh cao huyết áp.

Ăn táo nên tận dụng cả vỏ.

Ăn táo nên tận dụng cả vỏ.

Các nhà khoa học tại Trường Đại học Nông nghiệp Nova Scotia - Canada cho biết, nếu mọi người ăn táo mà bỏ vỏ trước khi ăn thì mất hầu hết các tính năng, lợi ích của loại quả này đối với sức khỏe con người. Khi tiến hành nghiên cứu riêng biệt giữa vỏ táo và phần thịt của quả táo trên một loại enzyme có tên là ACE (tác nhân gây ra bệnh cao huyết áp), các nhà khoa học nhận thấy, vỏ táo rất có hiệu quả trong việc ức chế enzyme ACE trong tất cả cơ thể các sinh vật sống. Vỏ táo chứa lượng flavanoid cao hơn gấp 6 lần so với thịt táo, lượng chất chống ôxy hóa cũng cao hơn. Ngoài ra, trong các nghiên cứu khác về flavanoid thì vỏ táo cũng có hiệu quả hơn so với một số loại thực phẩm ưa dùng khác như trà xanh, quả việt quất... cũng như các chiết xuất từ thực vật khác.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy, vỏ táo còn có tác dụng chống ung thư. Các chất hóa học có trong vỏ táo và tìm thấy nhóm chất phytochemical được chứng minh là có khả năng chống lại ít nhất 3 loại tế bào ung thư ở người là ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư gan. Phytochemical (hay còn gọi là phenolic) được tìm thấy rất nhiều trong các loại hạt, vỏ quả và các loại rau. Trong đó, táo có nguồn phenolic dồi dào nhất, gần 22% lượng phenolic mà người Mỹ hấp thụ là từ táo không gọt vỏ.

Trong vỏ táo còn có axit ursolic có thể làm giảm béo phì. Nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học nhận thấy, chuột được cho ăn chế độ chất béo cao và có bổ sung axit ursolic. Kết quả, những con chuột được áp dụng chế độ ăn này có khối cơ bắp phát triển và chất béo nâu - một loại chất béo tốt giúp đốt cháy calorie nhiều hơn so với chuột không được áp dụng chế độ ăn này. Nghiên cứu cũng cho thấy, chuột tiêu thụ axit ursolic tăng cân chậm và ít có cơ hội phát triển tình trạng bệnh tiền tiểu đường, bệnh gan nhiễm mỡ so với chuột không tiêu thụ hợp chất này.


Nguyễn Hưng
Ý kiến của bạn