Khám phá lợi ích của liệu pháp phản hồi sinh học

09-05-2019 06:44 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngày càng có nhiều người quan tâm tới liệu pháp phản hồi sinh học (PHSH) như một phương pháp không xâm lấn cho sức khỏe.

Là phương pháp điều trị không dùng thuốc, phản hồi sinh học có các ứng dụng lâm sàng trên rất nhiều bệnh...

Liệu pháp PHSH là gì?

Năm 2008, Hiệp hội Tâm sinh lý học và Phản hồi sinh học Hoa Kỳ, Liên minh Quốc tế về Chứng chỉ Phản hồi Sinh học và Hiệp hội quốc tế về Phản hồi sinh học và Nghiên cứu đã phác thảo một định nghĩa chuẩn cho liệu pháp PHSH để tránh hiểu nhầm. Các tổ chức này cùng định nghĩa PHSH là một quá trình dạy một người cách thay đổi các hoạt động sinh lý học trong cơ thể để cải thiện sức khỏe và hiệu quả hoạt động của cơ thể.

Liệu pháp PHSH (Biofeedback) giúp cơ thể thư giãn, từ đó làm giảm nhẹ các bệnh liên quan đến stress. Nguyên lý đằng sau PHSH là tâm trí và cơ thể có liên hệ với nhau và chúng ta có thể sử dụng mối liên hệ này để thay đổi các hoạt động thể chất và tăng cường sức khỏe.

Trong liệu pháp PHSH, một thiết bị đặc biệt được sử dụng để đo các hoạt động sinh lý học như sóng não, chức năng tim, nhịp thở, hoạt động của cơ và nhiệt độ da. Thiết bị này báo lại cho người dùng một cách nhanh chóng và chính xác. Qua thời gian, thông tin này, cùng với những thay đổi trong cách suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người bệnh, sẽ thúc đẩy các chức năng sinh lý của cơ thể theo hướng mong muốn. Cuối cùng, người bệnh có thể tự mình điều khiển các chức năng này mà không cần đến thiết bị nữa.

Liệu pháp phản hồi sinh học - Biofeedback - sẽ giúp người bệnh kiểm soát tình trạng bệnh của mình tốt hơn.

Liệu pháp phản hồi sinh học - Biofeedback - sẽ giúp người bệnh kiểm soát tình trạng bệnh của mình tốt hơn.

PHSH hoạt động ra sao?

PHSH là một kỹ thuật giúp người bệnh học cách kiểm soát một chức năng sinh lý học. Liệu pháp này thường sử dụng điện cực và cảm biến để chuyển các tín hiệu cơ thể đại diện cho chức năng đó như nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ da, sự tiết nước bọt, hoạt động vận mạch ngoại biên và tổng lượng cơ bắp thành một dạng âm thanh hay ánh sáng mà âm lượng và độ sáng của chúng thể hiện mức độ hoạt động của chức năng chúng ta đang đo.

Các chức năng sinh lý này bị thay đổi khi một người bị stress. Nhịp tim, huyết áp và nhịp thở tăng lên, bệnh nhân toát mồ hôi và căng cơ bắp. Khi phản ứng stress xảy ra, chúng được hiển thị trên các thiết bị giám sát và khi bệnh nhân cố gắng ngăn chúng, chúng ta có thể nhìn thấy phản hồi ngay lập tức. Phản hồi này giúp bệnh nhân tập trung thay đổi từ từ cơ thể của mình như thả lỏng một số cơ và làm giảm cơn đau.

Các buổi PHSH thường được tổ chức tại phòng làm việc của bác sĩ; tuy nhiên, một chương trình máy tính cũng có thể được sử dụng để kết nối các cảm biến PHSH vào một máy tính cá nhân. Mỗi buổi trị liệu kéo dài từ 30 - 60 phút. Bệnh nhân thường bắt đầu thấy được lợi ích của PHSH trong vòng 10 buổi trị liệu, mặc dù một số bệnh - như tăng huyết áp - có thể cần đến hơn 20 buổi để cải thiện. Thông thường, thời lượng và số lượng của các buổi này được xác định bằng tính chất bệnh và tốc độ bệnh nhân học cách kiểm soát các phản ứng sinh lý học của họ.

Ứng dụng trong điều trị

PHSH có thể giúp làm giảm thiểu một số bệnh:

Đau mạn tính: Bằng cách giúp đỡ bệnh nhân nhận ra các thớ cơ đang bị căng và học cách thả lỏng chúng, PHSH giúp làm giảm sự khó chịu của các bệnh như đau thắt lưng, đau bụng, hội chứng khớp thái dương - hàm và hội chứng đau cơ xơ hóa. Về giảm đau, PHSH có tác dụng trên mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người cao tuổi.

Đau đầu: Điều trị đau đầu là một trong những tác dụng được nghiên cứu nhiều nhất của PHSH. Căng cơ và stress có thể gây đau nửa đầu và các loại đau đầu khác đồng thời có thể làm triệu chứng đau đầu trầm trọng hơn. Nhiều bằng chứng đã chứng minh rằng liệu pháp PHSH có thể làm giãn cơ và giảm căng thẳng, từ đó làm giảm cả cường độ lẫn số lần đau đầu.

Rối loạn lo âu: Rối loạn lo âu là một trong các bệnh thường gặp nhất mà PHSH được sử dụng để điều trị. PHSH không chỉ giúp bệnh nhân để ý hơn tới phản ứng của cơ thể khi họ cảm thấy lo âu và stress mà còn học cách kiểm soát các phản ứng này.

Tiểu/đại tiện không tự chủ: Liệu pháp PHSH có thể giúp các bệnh nhân gặp khó khăn trong việc kiểm soát việc đi tiểu/đại tiện. PHSH có thể giúp phụ nữ tìm lại và củng cố các cơ vùng sàn chậu kiểm soát việc tiểu tiện. Sau một vài buổi trị liệu PHSH, các bệnh nhân này có thể giảm thiểu nhu cầu tiểu tiện gấp và số lần họ tiểu không tự chủ. PHSH cũng có thể giúp trẻ đái dầm và những người đại tiện không tự chủ. Không giống như các thuốc điều trị chứng tiểu tiện/đại tiện không tự chủ khác, PHSH thường không có tác dụng phụ.

Táo bón mạn tính: Bệnh nhân bị suy giảm chức năng thần kinh cơ và bị táo bón có thể hưởng lợi từ liệu pháp PHSH.

Tăng huyết áp: Bằng chứng về tác dụng của PHSH cho các kết luận trái ngược nhau. Mặc dù PHSH có vẻ làm hạ huyết áp, nó không có hiệu quả bằng các thuốc kiểm soát huyết áp.

Nghiến răng ban đêm: Bệnh này bao gồm nghiến răng và hàm khi ngủ. Bệnh nhân sử dụng PHSH đã giảm thiểu được xu hướng này.

Khi sử dụng liệu pháp PHSH thành công, nó có thể giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng bệnh của họ hoặc làm giảm lượng thuốc cần dùng và cuối cùng, bệnh nhân có thể tự sử dụng các phương pháp PHSH.


Hà Phương
Ý kiến của bạn