Các nhà khảo cổ học loan tin, họ đã khám phá ra một lăng mộ có niên đại vào khoảng 2.100 năm vốn là nơi an giấc ngàn thu của vua Lưu Phì vừa được khám phá tại một địa danh mà ngày nay thuộc thị trấn Hu Dị, địa cấp thị Hoài An, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Lưu Phì băng hà vào năm 128 trước Công Nguyên (trCN) sau 26 năm nắm quyền trị vì một vương quốc mang tên là Giang Đô, là một phần của đế quốc Trung Hoa cổ xưa. Mặc dù lăng mộ đã bị đào bới, cướp bóc, thế nhưng các nhà khảo cổ vẫn tìm thấy hơn 10.000 hiện vật tùy táng bao gồm những kho báu làm từ vàng, bạc, đồng, ngọc bích và đồ sơn mài. Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy một cỗ xe ngựa có kích thích như thật và hàng tá cỗ xe nhỏ hơn.
Một nhóm các nhà khảo cổ học thuộc Bảo tàng Nam Kinh đã nói trong một bài viết gần đây được đăng tải trên tờ Khảo cổ Trung Quốc rằng cuộc khai quật đã chính thức bắt đầu từ năm 2009 và 2011, tòa lăng mộ có “3 ngôi mộ chính, 11 mộ tùy tùng, 2 cái hố chôn các cỗ xe và ngựa, 2 hố chôn vũ khí và tàn tích của một bức tường vây được cho là đã bao quanh tổng thể phức hợp lăng mộ. Bức tường thành ban đầu dài khoảng 490m ở mỗi mặt. Các nhà khảo cổ nói rằng công việc của họ là một “cuộc khai quật giải cứu” khi mà khu di chỉ đang bị đe dọa bởi nạn khai thác đá.
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã khám phá ra khu lăng mộ có niên đại hơn 2.100 năm gồm mộ Lưu Phì (đáy), vị vua cai trị vương quốc Giang Đô.
Các nhà khảo cổ học nói rằng nó là một gò đất lớn, trải dài hơn 150m từng bao phủ ngôi mộ chính của nhà vua. Ngôi mộ có 2 trục dài dẫn tới một hầm mộ đo được dài 35m và rộng 26m. Khi các nhà khảo cổ tiến vào khu hầm mộ, họ đã khám phá ra rằng vua Lưu Phì đã được chu cấp vô số món đồ tùy táng để sử dụng một khi ngài sang thế giới bên kia. Những món đồ đó hoàn toàn phù hợp với phẩm trạch đế vương. Một đoạn mô tả của sử gia Tư Mã Thiên (145-86 trCN) đã được dịch bởi dịch giả Burton Watson, cho biết: “Lưu Phì là người rất tin vào sức mạnh thể chất. Ông ta từng xây dựng nhiều cung điện và đài quan sát, rồi mời tất cả các vị anh hùng và những người đàn ông mạnh mẽ từ bốn phương về tề tựu tại triều đình. Cách mà vì vua này thể hiện đã đánh dấu cho lối sống xa hoa và kiêu ngạo của mình”.
Hầm mộ của Lưu Phì được chia thành nhiều dãy hành lang và nhiều căn phòng nhỏ. Riêng hầm mộ chính có chứa cơ man nào là vũ khí bao gồm gươm sắt, giáo, cung nỏ, kích, dao và hơn 20 mô hình cỗ xe ngựa (kích thước nhỏ). Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều nhạc khí bao gồm chuông, đàn tam thập lục và những cái chốt bằng ngọc bích có khắc họa hình rồng. Nhu cầu tiền mặt cho Lưu Phì cũng không phải là ngoại lệ, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy một “kho báu” cổ xưa lưu giữ hơn 100.000 đồng xu Banliang, một loại tiền có cái lỗ hình vuông ở chính giữa và nó được tạo ra bởi vì hoàng đế đầu tiên sau khi thống nhất Trung Quốc. Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà vào năm 210 trCN, đồng tiền banliang cũng bị thất sủng.
Tại một góc khác của hầm mộ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy “những cái đèn hình con ngỗng, những bộ đèn 5 nhánh, đèn hình hươu, đèn có ống khói hoặc đèn kèm một chiếc đĩa...”. Họ cũng tìm thấy một cái chậu bạc có khắc chữ “Quốc khố của vương triều Giang Đô”. Lưu Phì cũng được cung cấp bếp và thực phẩm ở thế giới bên kia. Các nhà khảo cổ tìm thấy trong hầm mộ những cái vạc bằng đồng, những giá đỡ 3 chân, những cái nồi, bình rượu, ly tách và ấm. Họ cũng tìm thấy vỏ sò, xương thú và hạt quả. Một vài chữ khắc bằng đất sét còn có đóng dấu “ngự thiện phòng của vương triều Giang Đô”. Đáng buồn thay, quan tài của Lưu Phì đã bị phá hủy nặng nề, bản thân thi hài nhà vua cũng biến mất. Nhóm khảo cổ viết: “Gần các quan tài là nhiều mảnh ngọc bích và các mảnh vỡ, buổi đầu có thể chúng rớt ra từ áo ngọc của di thể Lưu Phì. Những mảnh này cho thấy rằng bên trong quan tài có thể lúc đầu đã được khảm sơn mài và ngọc quý, tất cả được chế tác rất tinh xảo”.
Ngôi mộ liền kề
Mộ Lưu Phì
Ngôi mộ thứ hai mà các nhà khảo cổ học đánh ký hiệu là “M2” đã được tìm thấy nằm cạnh kề mộ chính của Lưu Phì. Mặc dù các nhà khảo cổ không biết ai đã được chôn ở đây nhưng chắc chắn nó phải thuộc một người có phẩm trạch cao trong triều đình. Nhóm khảo cổ viết: “Mặc dù ngôi mộ đã bị cướp phá nhưng các nhà khảo cổ vẫn tìm thấy những cái chậu gốm, những món đồ sơn mài, những hiện vật bằng đồng, vàng và bạc, và những món ngọc bích, có khoảng 200 món đồ theo từng cặp. Cỗ quan tài bằng ngọc bích từ M2 là một khám phá đáng kinh ngạc nhất. Mặc dù hầm mộ giữa đã bị cướp bóc, thế nhưng cấu trúc của quan tài ngọc bích hầu như còn nguyên vẹn, đây cũng là cỗ quan tài bằng ngọc bích còn nguyên vẹn nhất trong lịch sử khảo cổ học Trung Quốc”.
Nhiều cỗ xe và vũ khí
Ngoài những mô hình cỗ xe ngựa và vũ khí tìm thấy trong mộ Lưu Phì, tòa lăng mộ cũng còn có các hố chốn 2 cỗ xe ngựa và xác ngựa, và gươm, kích, cung nỏ và khiên. Tại một hố chôn cỗ xe và ngựa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 5 cỗ xe kích cỡ như thật nằm ở hướng Đông và Tây. Nhóm khảo cổ viết: “Những phần trên cỗ xe ngựa có khảm sơn mài và gỗ được trang trí hết sức tinh xảo và bảo quản tốt”. 4 cỗ xe ngựa đều có các cấu kiện đồng dát vàng, trong khi 1 cỗ xe ngựa có cấu kiện đồng khảm với vàng và bạc. Hố chôn cỗ xe ngựa thứ hai có chứa hơn 50 cỗ xe nhỏ. Nhóm khảo cổ viết: “Kể từ khi tìm thấy một số lượng lớn sắt ji (sắt làm nên những loại kích) và sắt đúc gươm, những mô hình này là dùng để xung trận”.
Hố chôn cỗ xe và ngựa làm bằng gỗ, sơn mài, đồng, vàng và bạc, phát hiện tại mộ Lưu Phì
Mộ tùy tùng
Có một chuỗi 11 ngôi mộ tùy tùng được tìm thấy nằm ở phía Bắc mộ Lưu Phì. Vào thế kỷ thứ 2 trCN khi mà tục hiến tế người sống đã bị sụp đổ ở Trung Quốc, vì thế những người bị chôn có lẽ đã không bị sát hại khi hoàng đế băng hà. Mộ lần nữa, các nhà khảo cổ phát hiện ra những danh mục hàng hóa mộ táng rất phong phú. Trong một ngôi mộ có 2 cái móc dây đai bằng vàng, một cái có hình con ngỗng trời, cái kia hình con thỏ. Một ngôi mộ khác có chứa các hiện vật chạm khắc họ “Nao”. Các thư tịch cổ đại cho thấy Lưu Phì đã từng có một người vợ hay gọi là “Qúy phi Nao”, đó là một giai nhân cực kỳ xinh đẹp mà sau khi Lưu Phì băng hà, nàng tiếp tục làm vợ của con trai tiên đế là Lưu Dương và sau đó làm thiếp cho một vị vua khác là Lưu Bành Tổ. Những chữ khắc trong mộ cho thấy người nằm trong mộ đích thị là người đàn bà này.
Kết thúc triều đại
Trong suốt thế kỷ thứ 2 trCN, Trung Quốc là một nước lớn nhất và giàu có nhất so với tất cả các đế chế khác trên Trái đất, tuy nhiên sức mạnh của hoàng đế không phải là tuyệt đối. Trong suốt thời gian này, số lượng các vua đều chịu sự kiểm soát của một vị Hoàng đế tối cao. Những ông vua chư hầu này cũng là người giàu có, và có thời điểm họ nổi dậy chống lại Hoàng đế. Khoảng 7 năm sau khi Lưu Phì băng hà, Tần Thủy Hoàng đã nắm quyền kiểm soát vương quốc Giang Đô bởi vì Lưu Dương, con và là Thái tử kế vị ngai vàng của vua cha Lưu Phì, đã bị cáo buộc âm mưu tạo phản, chống lại Tần Thủy Hoàng.
Các học giả cổ xưa đã cố gắng biện minh cho hành động của Tần Thủy Hoàng, tuyên bố rằng, ngoài hành vi tạo phản, Lưu Dương còn thừa nhận nhiều tội khác trong đó liên quan đến tội thông dâm với 10 phụ nữ cùng lúc, cuộc truy hoan kỳ lạ đã diễn ra trong một căn lều nằm ngay mộ của tiên đế Lưu Phì. Bài viết được công bố bằng tiếng Trung trên tờ Kaogu bởi các nhà khảo cổ học Li Zebin, Chen Gang và Sheng Zhihan. Nó được dịch sang tiếng Anh bởi Lai Guolong và xuất bản trong ấn phẩm gần đây của tờ Khảo cổ Trung Quốc.
NGUYỄN THANH HẢI (Live Science – 5/8/2014)