SKĐS - Để có một bức tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) thì những bản khắc là hồn cốt tạo nên nét độc đáo của dòng tranh này bởi từ bản khắc nét đến bản khắc màu là công đoạn khó nhất đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao.
Kho tàng 'khuôn tranh cổ' của nghệ nhân làng Đông Hồ (Bắc Ninh).
Theo nghệ nhân làng Đông Hồ, mỗi bức tranh Đông Hồ thường có từ hai đến năm bản khắc gỗ khác nhau tùy theo màu sắc của từng bức tranh (mỗi ván khắc tương ứng với 1 màu).
Cùng với tranh Hàng Trống (Thăng Long - Hà Nội), tranh Kim Hoàng (xứ Đoài - Hà Tây xưa) và tranh Làng Sình (Thừa Thiên Huế), tranh dân gian Đông Hồ là một trong 4 dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất.
Không có số liệu chứng minh lịch sử của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, nhưng theo gia phả của dòng họ Nguyễn Đăng làng Đông Hồ thì từ thế kỷ XVI đã có nghề làm tranh và phát triển rực rỡ vào thập niên 40 của thế kỷ XX. Nhưng rồi sau năm 1945, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đứng trước nguy cơ mai một.
Theo dòng thời gian, đến nay làng Đông Hồ chỉ còn hai dòng họ làm tranh: Họ Nguyễn Hữu (gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam) và họ Nguyễn Đăng (gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế) tâm huyết còn bám trụ với nghề.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tranh lâu đời ở làng Đông Hồ (theo gia phả dòng họ Nguyễn Đăng, ông là thế hệ thứ 20). Ngay từ nhỏ, ông Nguyễn Đăng Chế đã được người cha tài hoa là cụ Nguyễn Đăng Tụy (1898 - 1959) truyền dạy tỉ mỉ các bước làm tranh.
Năm 1957, học hết trung cấp, ông được bố mẹ cho học ở Trường Quốc gia Mỹ nghệ (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp). Khi nhà trường biết gia đình có nghề làm tranh, ông được các thầy truyền tải về giá trị văn hóa của tranh Đông Hồ. Ông đã say sưa với nó từ năm 1960 đến bây giờ.
Ông là cựu giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam. Năm 1992 được nhà nước cho nghỉ hưu, với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về nghề tranh quê hương, ông nhận ra điều làm nên giá trị đặc biệt và sức sống của tranh Đông Hồ là "ván khắc gỗ" - hồn cốt tạo nên nét độc đáo của dòng tranh này.
Nói về việc giữ nghề truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết ông chắt chiu dành dụm lương hưu, tìm cách mua lại những bản khắc của các gia đình rời bỏ nghề, rồi sửa sang, phục chế, hòng ra sức cứu vãn những bản khắc cổ thoát khỏi bàn tay thần lửa trong giai đoạn suy thoái nghề tranh.