Lão hóa da là nỗi lo lắng lớn nhất với những ai quan tâm đến cái đẹp. Ðó là quy luật phát triển tự nhiên, nhưng cũng có những biện pháp phòng ngừa để quá trình lão hóa ấy diễn ra chậm hơn.
Cấu tạo da.
Giai đoạn và độ tuổi lão hóa da ở mỗi người khác nhau. Các tế bào da ở người trưởng thành ngày càng kém phân chia, nên da dễ bị khô, dễ bị bầm, tụ máu, các chức năng của da cũng giảm rõ rệt: sẹo lâu lành, khả năng điều hòa nhiệt độ kém... Đây là thời điểm sức đề kháng của da bị giảm sút đáng kể nên dễ bị tác động từ những thay đổi bên trong cơ thể và những ảnh hưởng từ môi trường. Làn da có nguy cơ lão hóa bất cứ lúc nào nếu không được chăm sóc hợp lý. Ở một số người, đặc biệt những người không bảo vệ da khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng, làn da có thể bắt đầu lão hóa ngay từ năm 20 tuổi trở đi, nhưng những dấu hiệu này chưa bộc lộ rõ rệt và thường khó nhận biết. Tình trạng lão hóa da thường xuất hiện nhiều nhất ở độ tuổi 30 - 35, do có liên quan đồng thời sự mất cân bằng của một số hormon, khiến khả năng tự phục hồi của cơ thể bị suy yếu, lượng tế bào mỡ dưới da cũng như các sợi đàn hồi giảm đi làm làn da trở nên mỏng, khô, các cơ dần dần bị nhão, chảy xệ.
Lão hóa da diễn ra thế nào?
Có đến 90% nguyên nhân của lão hóa da là do ánh nắng mặt trời và chỉ có 10% là do di truyền. Về cơ bản, lão hóa da hình thành từ 2 nhóm nguyên nhân:
Lão hóa da nội sinh: là hiện tượng da già đi theo thời gian. Càng lớn tuổi các sợi collagen sẽ mất dần, các sợi đàn hồi (elastin) thượng bì bị teo mỏng đi, quá trình sản sinh tế bào bị giảm xuống. Da trở nên mỏng, mất tính đàn hồi, chùng nhão và nếp nhăn sâu xuất hiện.
Lão hóa da ngoại sinh: do tác động của những yếu tố bên ngoài như: ánh nắng mặt trời, ô nhiễm môi trường, hóa chất, khói thuốc...Dưới những tác nhân này, các sợi collagen và elastin bị thoái hóa, bề dày của da thay đổi, tế bào hắc tố ở thượng bì giảm, xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ. Da có màu vàng sậm, nhiều nếp nhăn nhỏ, đồng thời những vùng da phơi bày ra ngoài ánh nắng như: mặt, vùng ngoài cánh tay, bàn tay sẽ có sự tăng giảm sắc tố. Đây báo hiệu tình trạng lão hóa sắp sửa tấn công vào làn da.
Uống đủ nước, đội mũ rộng vành và bôi kem chống nắng là biện pháp hữu hiệu
Những thay đổi khi da lão hóa
Những thay đổi trên da trong quá trình lão hóa rất đa dạng và ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có những dấu hiệu lão hóa đặc trưng. Không chỉ là sự rối loạn sắc tố da điển hình như sự xuất hiện của những bướu lành trên da (nốt ruồi son, đồi mồi, những đốm nâu, đen hay xám, sần sùi, bong vảy....), mà còn là những biểu hiện rõ ràng, cụ thể ở từng độ tuổi.
Ở độ tuổi 30: da giảm độ căng mịn, lỗ chân lông to ra và thậm chí xuất hiện vài nếp nhăn.
Ở độ tuổi 40: những nếp nhăn đã hình thành từ tuổi 30 sẽ hằn sâu hơn, lộ rõ và nhiều nếp nhăn trên trán. Dấu “chân chim” nơi khóe mắt cũng bắt đầu xuất hiện, da xỉn, ít sức sống. Ở độ tuổi 50, 60: nếp nhăn sẽ chằng chịt nhiều hơn, da khô và thô ráp hơn.
Chức năng của da
Da là cơ quan có diện tích lớn nhất của cơ thể (khoảng 1,6m2 ở người lớn). Hai vai trò quan trọng của da là bảo vệ cơ thể, ngăn chặn các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể và chống mất nước thái quá. Một chức năng khác của da cần được nhắc đến là chức năng thẩm mỹ .
Ðể đảm nhiệm được nhiều chức năng , da có cấu tạo hết sức tinh vi, gồm ba lớp: thượng bì, trung bì và hạ bì. Thượng bì ở ngoài cùng như một lớp bảo vệ da khỏi tác động của môi trường ngoài. Trung bì là lớp quan trọng nhất tạo nên cấu trúc da, kết nối các lớp da với nhau: collagen làm cho da khỏe, protein có tên là glycosaminoglycan tạo độ căng cho da, các sợi elastin tạo độ đàn hồi cho da. Hạ bì là lớp chứa các tế bào mỡ làm cho da căng và đầy đặn.
Mời độc giả đón đọc phần 2:"Xua tan nỗi lo da lão hoá" vào lúc 8h ngày 11/8/2015
BS. Hạ Lan