Hà Nội

Khám phá di sản Huế bằng phương tiện thông minh

22-10-2024 15:33 | Thời sự
google news

SKĐS - Việc đưa vào hoạt động tuyến du lịch xanh ở Huế tạo điểm nhấn, sự tiện lợi trong hành trình tham quan, làm phong phú sản phẩm du lịch, dịch vụ nhằm phát triển theo hướng xanh, chất lượng, bền vững và thông minh.

Du lịch xanh thân thiện với môi trường

Theo các tài liệu, lăng vua Gia Long có tên gọi khác Thiên Thọ Lăng, được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820 thì hoàn thành. Lăng nằm trong một vùng sơn thủy hữu tình thuộc thôn Định Môn (xã Hương Thọ, TP Huế).

Khám phá di sản Huế bằng phương tiện thông minh- Ảnh 1.

Lễ bàn giao đưa vào vận hành 20 xe đạp điện GCOO tại Lăng Gia Long.

Toàn bộ quần thể lăng gồm 42 ngọn núi, đồi lớn nhỏ, trước lăng nổi bật là núi Đại Thiên Thọ nằm án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Lăng vua Gia Long còn là điểm tham quan hấp dẫn về cảnh quan sinh thái, văn hóa và tâm linh luôn thu hút đông đảo du khách mỗi khi đến Huế.

Mới đây, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khai trương tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường tại khu vực lăng vua Gia Long vào phục vụ khách tham quan.

Hoạt động nhằm góp phần xây dựng, phát huy và quảng bá giá trị khu di sản văn hóa Huế là điểm đến tham quan hấp dẫn, thể hiện tính văn minh, tiện ích trong chuỗi di sản thế giới của khu vực miền Trung và cả nước.

Đồng thời, phát triển ngành du lịch theo hướng xanh, chất lượng, bền vững và thông minh, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch. Tạo thêm điểm nhấn và sự tiện lợi trong hành trình tham quan tại khu di tích lăng vua Gia Long.

Khám phá di sản Huế bằng phương tiện thông minh- Ảnh 2.

Trải nghiệm xe đạp điện tham quan quần thể di tích lăng Gia Long.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, lăng vua Gia Long là một điểm đến trong quần thể di tích Cố đô Huế, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

"Việc đưa vào hoạt động tuyến du lịch xanh thể hiện sự tiện ích của điểm đến di sản này; tạo điểm nhấn, sự tiện lợi trong hành trình tham quan, làm phong phú sản phẩm du lịch, dịch vụ nhằm phát triển theo hướng xanh, chất lượng, bền vững và thông minh", ông Trung nói.

Thời gian đầu, Trung tâm sẽ đầu tư gần 80 phương tiện thân thiện với môi trường như xe đạp, xe đạp điện, ô tô điện để giúp bù đắp khoảng 32kg khí thải CO2 và 40 cây xanh hàng năm, hướng đến thực hiện cam kết hành động của Việt Nam tại hội nghị COP26 về giảm thiểu khí thải, loại bỏ sản xuất điện bằng than vào năm 2040, chấm dứt nạn phá rừng năm 2030.

Bên cạnh đó, khu vực lăng vua Gia Long đã lắp đặt hệ thống trạm tiếp nước hạn chế rác thải nhựa. Không gian nơi đây trong lành, được phủ nhiều cây xanh, hồ nước, rất thích hợp để hướng tới xây dựng điểm đến di sản xanh theo định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Anh Hoàng Ngọc Lý, du khách đến từ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, với cảnh quan đẹp, việc sử dụng xe điện giúp việc di chuyển trở nên thuận lợi hơn khi tham quan lăng Gia Long trên một khu vực rộng lớn.

"Theo tôi, việc đi xe đạp giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan thân thiện", anh Lý nói

Khám phá di sản bằng phương tiện thông minh

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có buổi làm việc với Công ty TNHH Việt PM để lên kế hoạch triển khai vận hành xe đạp điện trợ lực phục vụ cộng đồng và du khách trên địa bàn TP Huế.

Khám phá di sản Huế bằng phương tiện thông minh- Ảnh 3.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trải nghiệm xe đạp điện tại quần thể di tích lăng Gia Long.

Theo đó, dự án sẽ tiếp tục thí điểm, bổ sung thêm 280 chiếc GCOO trên địa bàn thành phố Huế, tập trung nhiều ở các điểm đến tham quan di tích và các khu vực xung quanh Hoàng thành Huế như: Ngọ Môn, Thượng Thành, Eo Bầu Nam Xương, Eo Bầu Nam Thắng, đường Đoàn Thị Điểm, đường Lê Huân, đường Đặng Thái Thân...

Việc này nhằm phát triển du lịch tại khu vực Thượng thành hiện đang được Trung tâm Bảo tồn di tích Huế triển khai thành địa điểm du lịch mới. Đồng thời, tạo thêm nhiều lựa chọn giao thông thân thiện với môi trường cho người dân cùng với xe đạp hiện có của Hue Smart Bike.

Theo Công ty TNHH Việt PM, hiệu quả giảm khí nhà kính của xe đạp điện, xe máy điện đã được chứng minh là có hiệu quả từ những nghiên cứu toàn cầu. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá lối sống thành phố xanh và thông minh đến không chỉ cho khách du lịch mà còn cho cả người dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, với định hướng phát triển ngành du lịch của tỉnh theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng "Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh", Trung tâm đã triển khai thí điểm dịch vụ xe công nghệ ở Đại nội và lăng vua Gia Long.

"Trung tâm sẽ xây dựng phương án chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng, đưa vào vận hành khai thác tuyến xe đạp quanh Thượng Thành, Hộ Thành Hào. Mục tiêu hướng đến kết nối các điểm tham quan di tích với các điểm khác như các khu vực đầm phá, cầu ngói Thanh Toàn… với định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng theo hướng giao thông xanh", ông Trung nói.

H.Dũng


Ý kiến của bạn