Khám mắt theo độ tuổi
ThS.BS Hoàng Thanh Nga – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, việc khám mắt cho trẻ có thể chia theo 3 nhóm tuổi chính:
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (0-3 tuổi): Trẻ sinh non cần được kiểm tra, phát hiện và điều trị bệnh võng mạc ở tuần thứ 4-6 sau khi sinh (nếu có). Việc kiểm tra này được lặp lại khi bé được 3 tháng tuổi để đánh giá thị lực và võng mạc của bé. Khi được 1 tuổi, bé cần tái khám lại lần nữa để kiểm tra thị lực và lác.
Đối với trẻ sinh đủ tháng, nếu cha mẹ nhận thấy các dấu hiệu sau thì nên đưa trẻ đi khám mắt ngay:
- Bé không giao tiếp bằng mắt khi được 3 tháng tuổi
- Mắt bé hướng vào trong và hướng ra ngoài trước 6 tháng tuổi
- Thường xuyên chảy nước mắt hoặc chảy nước mắt quá nhiều. Tình trạng này có thể là do ống dẫn nước mắt bị tắc (tắc lệ đạo), bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh hoặc một số bệnh lý khác
- Sụp mí mắt trên một bên hoặc cả hai bên
- Rung giật nhãn cầu: mắt thực hiện các chuyển động nhanh, lặp đi lặp lại và không kiểm soát được.
- Đồng tử lớn hơn bình thường, nhạy cảm với ánh sáng và chảy nước mắt có thể là dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh.
"Trẻ chậm phát triển hoặc mắc hội chứng Down cần đi khám mắt để phát hiện bệnh đục thủy tinh thể và các vấn đề về thị lực khác. Rối loạn tuyến yên ở trẻ em cũng ảnh hưởng đến thị giác", ThS.BS Thanh Nga nhấn mạnh.
Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo (3-6 tuổi): Ở độ tuổi này, trẻ phát triển chức năng thị giác mạnh mẽ. Đây là lúc cha mẹ cần cảnh giác với các vấn đề về thị giác bao gồm lác mắt hoặc mắt lười (nhược thị). Các triệu chứng điển hình là:
- Nghiêng đầu khi nhìn vào một vật
- Chớp mắt thường xuyên
- Tiền sử gia đình bị lác mắt hoặc mắt lười (nhược thị)
Trẻ ở độ tuổi đi học (6 tuổi trở lên): Đây là độ tuổi trẻ bắt đầu đi học nên cha mẹ cần quan tâm đưa trẻ đi khám, chủ động kiểm soát vấn đề cận thị học đường.
Khám tổng thể để phát hiện chính xác bệnh lý ở mắt
- Đo khúc xạ tự động: đánh giá sơ bộ độ khúc xạ của mắt, xác định mắt có mắc các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị hay không.
- Đo nhãn áp: kiểm tra áp lực bên trong mắt, đối với những trường hợp có tiền sử tăng nhãn áp, glocom, hoặc bệnh nhân có triệu chứng đau nhức mắt, nhất là đối với trẻ bị tăng nhãn áp bẩm sinh. Trong trường hợp trẻ mắc bệnh tăng nhãn áp và bệnh về não, thị lực của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng.
- Kiểm tra thị lực: đánh giá khả năng nhìn của bệnh nhân. Xác định sơ bộ bệnh lý hoặc tật khúc xạ có thể mắc phải.
- Thử kính, cấp đơn kính: trường hợp trẻ mắc các tật khúc xạ sẽ được thử kính phù hợp với độ khúc xạ của mắt. Với người trên 40 tuổi, cần thử kính lão thị để hỗ trợ các công việc nhìn gần.
- Khám bác sĩ: Bác sĩ sẽ thăm khám lần lượt từ trước ra sau của mắt. Tại bước này bác sĩ sẽ đánh giá các bệnh lý tại phần trước như khô mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc, thuỷ tinh thể, kiểm tra lác. Bác sĩ sẽ tiến hành soi đáy mắt để kiểm tra các bất thường phía sau của mắt: các bệnh lý về hoàng điểm, võng mạc,...
Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới, 80 – 90% trẻ em Việt Nam sẽ bị cận thị vào năm 2050. Vì vậy, suy giảm thị lực ở trẻ em là mối quan tâm lớn của rất nhiều cha mẹ. Trẻ được phát hiện càng sớm thì càng có thể điều trị nhanh hơn, ngăn ngừa các biến chứng khác ở mắt về lâu dài. ThS.BS Thanh Nga – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khuyến cáo, tốt nhất cha mẹ nên quan tâm và đưa con đi khám mắt định kỳ hàng năm và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa.
Tin tài trợ