Khám chữa bệnh từ xa: Thầy thuốc tuyến trên và tuyến dưới gần nhau về chuyên môn

16-10-2020 16:47 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đến nay, hoạt động hình khám, chữa bệnh từ xa được triển khai hơn 1.000 điểm cầu. Các thầy thuốc là người ở tuyến trên, tuyến dưới gần nhau hơn bao giờ hết. Trước đây, các cán bộ y tế phải mất cả tháng trời để đi học thì bây giờ, qua trực tuyến, họ có thể từng giờ, từng phút trao đổi thông tin. Khoảng cách không còn là khái niệm lớn trong chuyên môn nữa

PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Tập huấn công tác chỉ đạo tuyến năm 2020 do Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổ chức cho các cán bộ y tế tại các địa phương trên cả nước.

Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới có mô hình phát triển dương, vừa chống dịch thành công, vừa có môi trường an toàn để phát triển kinh tế - xã hội.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu tại hội nghị

Với sự nỗ lực rất lớn của các chiến sĩ ở tuyến đầu, Việt Nam thực hiện quyết liệt phòng, chống dịch với hơn 43 ngày qua, chúng ta không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Một trong những giải pháp thành công trong công tác điều trị COVID- 19 thời gian vừa qua là khám chữa bệnh từ xa trên nền tảng số. Trung tâm điều hành, chỉ đạo trực tuyến hỗ trợ COVID-19 tại Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã phát huy hiệu quả. Từ mô hình đó, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các cơ quan cùng tham gia vào hệ thống này.

Xác định đây là vấn đề mới ở Việt Nam, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho rằng, chúng ta cần có những quy định, hướng dẫn thống nhất trong cả nước để thực hiện đúng quy định của pháp luật. Do đó, buổi tập huấn nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh từ xa cho các đơn vị. Trong kế hoạch năm năm triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết trong năm đầu sẽ thử nghiệm và rút kinh nghiệm dần dần để xây dựng hành lang pháp lý, bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Ngày 22/6, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu của đề án này là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám, chữa bệnh và hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ ở tuyến xã cũng như tuyến Trung ương. Bên cạnh đó, người dân sẽ được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại tuyến dưới.

Khi Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được phê duyệt, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối phối hợp bệnh viện trên toàn quốc cùng các giáo sư, thầy thuốc khẩn trương triển khai hoạt động.

Trong 2 tháng triển khai, hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP.HCM. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé... đã đăng ký tham gia và được kết nối với các bệnh viện trung ương gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế...

Tại buổi tập huấn, đại diện Bệnh viện Việt Đức cho biết, đến nay đã có hơn 100 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các bệnh viện tư nhân tham gia kết nối với bệnh viện. Giai đoạn 2013-2019, bệnh viện đã tổ chức được 557 buổi truyền hình trực tuyến thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức khác nhau: Tổ chức giao ban trực tuyến, thông qua mổ thứ Sáu hàng tuần; Hội chẩn, tư vấn trực tuyến chiều thứ Ba hàng tuần.

Bệnh viện Việt Đức cũng triển khai hệ thống tư vấn trực tuyến đối với các ca bệnh khó, ca bệnh cấp cứu. Một số trường hợp điển hình như trường hợp hội chẩn, hướng dẫn phẫu thuật lấy máu tụ tại Điện Biên, trường hợp phẫu thuật cắt thùy phổi tại Quảng Ninh…

Nhờ hệ thống trực tuyến, bệnh viện đã giảng dạy trực tuyến cho điều dưỡng, kỹ thuật viên hàng tháng. Đặc biệt trong đầu năm 2020 do đại dịch COVID-19, khi mà các khoá học lâm sàng khác phải tạm ngừng, các khoá học trực tuyến qua Telemedicine vẫn được bảo đảm duy trì.

Bệnh viện đã tổ chức hơn 80 buổi đào tạo trực tuyến; Kết nối trực tuyến với các tổ chức quốc tế, triển khai các chương trình tập huấn, hội thảo, hội nghị khoa học như Hội nghị Y học từ xa châu Á 2016, APAN lần thứ 33 năm 2016…. Phẫu thuật trình diễn trong Hội nghị Nội soi và Ngoại khoa toàn quốc năm 2019 qua cầu truyền hình trực tuyến với màn hình 3D

Một buổi hội chẩn khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị tiên phong ứng dụng triển khai khám chữa bệnh từ xa - TeleHealth trong mùa dịch COVID-19. Từ 2 bệnh viện ban đầu là Bệnh viện đa khoa Mường Khương (Lào Cai), Bệnh viện đa khoa Quảng Xương (Thanh Hoá), sau gần 4 tháng triển khai đã có 64 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Cùng với hội chẩn, các chuyên gia ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn có các báo cáo chuyên đề, cập nhật kiến thức của các chuyên ngành cho cán bộ y tế tuyến dưới. Đến nay, đã có nhiều báo cáo với các chủ đề, chuyên khoa khác nhau: ngoại tiết niệu, tim mạch, ung thư, can thiệp chẩn đoán hình ảnh, ngoại chấn thương, sức khỏe tâm thần, nội tiết…

Theo PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh vện Đại học Y Hà Nội các Bệnh viện đều có thể tham gia khám chữa bệnh từ xa, bằng việc đề xuất để Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khảo sát, đánh giá hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và quyết định lựa chọn. Không chỉ hỗ trợ các Bệnh viện tuyến dưới trong các buổi khám chữa bệnh từ xa, các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn hỗ trợ các bác sĩ tuyến dưới trong điều trị, phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh bất cứ lúc nào.


Thái Bình
Ý kiến của bạn