Sau thời gian triển khai tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa qua ứng dụng Telehealth, Bệnh viện 199 - Bộ Công an đã có nhiều ca hội chẩn với các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện TW Huế… giúp nhiều người dân có thể lắng nghe trực tiếp bệnh và có hướng điều trị phù hợp. Từ khi khai trương phòng khám từ xa, bệnh viện đã thực hiện được trên 20 ca hội chẩn trực tuyến, đạt kết quả điều trị cao.
Người bệnh khi được các bác sĩ tuyến trên trực tiếp hội chẩn yên tâm hơn khi ở lại bệnh viện điều trị. “Sau hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành, có nhiều trường hợp bệnh viện xử lý được sẽ trực tiếp thực hiện dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên môn.
Lợi thế lớn nhất là bệnh nhân không cần phải tốn kém chi phí đi lại nhưng vẫn được trực tiếp lắng nghe tình trạng bệnh tật với các bác sĩ đầu ngành.
Năng lực chuyên môn của BV 199 đáp ứng tốt hội chẩn từ xa
Hiện tại năng lực, chuyên môn của các bác sĩ tại bệnh viện đáp ứng tốt yêu cầu hội chẩn từ xa. Sắp tới bệnh viện sẽ tập trung phát triển theo hướng cộng đồng, đẩy mạnh công tác nâng cao, phòng bệnh cho nhân dân nói chung và CBCS nói riêng.”, Giám đốc Bệnh viện 199 - Bộ Công an Quách Hữu Trung cho biết.
Thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ của bệnh viện áp dụng thành công vào quá trình điều trị cho bệnh nhân ở nhiều loại bệnh khác nhau.
Với các ca bệnh khó, việc trực tiếp được các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ qua hệ thống Telehealth đã giúp các bác sĩ có thêm kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, xử trí ban đầu hiệu quả.
Ngoài ra, người dân sẽ không cần di chuyển đến các vùng khác để khám bệnh, không tốn chi phí đi lại, rất phù hợp với các bệnh lý lây nhiễm, bệnh cần sơ cứu tại chỗ (đột quỵ, tim mạch…) hay người già khó khăn trong việc di chuyển.
Đặc biệt, các trường hợp cần can thiệp tại chỗ sẽ được thực hiện tại bệnh viện với sự giám sát, hướng dẫn của chuyên gia tuyến trung ương hay nhiều đơn vị y tế trong cả nước...
Không chỉ dừng lại ở việc khám qua phần mềm Telehealth, Bệnh viện 199 - Bộ Công an mở rộng khám, chữa trị cho người bệnh qua phần mềm Isofh care.
Giữa mùa dịch phức tạp, người bệnh không cần phải đến trực tiếp tại bệnh viện nhưng vẫn được các bác sĩ hỗ trợ điều trị hiệu quả.
Cách đây hơn 1 tháng, chị Trần Thị Ánh (27 tuổi, bệnh nhân đang sinh sống tại Campuchia), đã liên hệ qua phần mềm khám từ xa để điều trị liệt dây thần kinh số 7.
Trước đó, chị đã tốn gần 100 triệu đồng điều trị tại xứ bạn nhưng không dứt điểm. Khuôn mặt vẫn bị méo, các cơ chưa được linh hoạt.
Thế nhưng sau khi khám và vài lần được đội ngũ y bác sĩ hướng dẫn điều trị qua phần mềm, chị Ánh đã dần ổn định và tự tin hơn với khuôn mặt của mình.
BS Võ Thị Hồng Hướng, Trưởng Khoa phục hồi chức năng, BV 199 - Bộ Công an cho biết: Đối với ứng dụng khám qua phần mềm IsofH care, từ khi triển khai chúng tôi đã có trên 100 ca bệnh được khám chữa trị. Sau khi nắm được tình hình bệnh của người dân, chúng tôi sẽ có những hướng điều trị thích hợp và luôn có đội ngũ y, bác sĩ gọi điện theo dõi sát sao, hướng dẫn kĩ càng cho người dân.
Trước dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nóng bỏng, các chương trình khám, chữa bệnh từ xa đang là giải pháp hữu ích giúp người dân không bị gián đoạn việc điều trị.
Thời gian tiếp theo bệnh viện sẽ mở rộng khám qua các phần mềm từ xa khác như teleICU, teleradio, telepathology, thiết bị thông minh tại nhà... để có thể tiếp cận người dân dễ dàng hơn.